Những năm trở lại đây, xu hướng đổ bộ đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp của các doanh nghiệp ngày càng gia tăng. Mặc dù, nông nghiệp là một trong những ngành kinh tế quan trọng của Việt Nam, song đến nay, bài toán thu hút vốn vẫn còn rất nhiều thách thức.

Theo thống kê mới đây, dư nợ cho vay tại các Ngân hàng thương mại trong lĩnh vực nông nghiệp cũng tăng trưởng qua các năm với tốc độ bình quân 24%/năm. Tuy nhiên, nhiều ý kiến cho rằng, vốn đổ vào lĩnh vực đã có sự cải thiện nhưng mới chỉ đáp ứng khoảng 60% nhu cầu và không tương xứng với quy mô đóng góp của sản xuất nông nghiệp cho nền kinh tế. Hệ số ICOR (chỉ số phản ánh hiệu quả sử dụng vốn đầu tư để tăng trưởng kinh tế) trong lĩnh vực nông nghiệp chỉ đạt 3.7, ở ngưỡng thấp so với hệ số ICOR của toàn nền kinh tế.

Bài toán thu hút vốn càng được đặt ra yêu cầu trong bối cảnh khi phát triển nông nghiệp đã nâng lên một bước phát triển mới, với việc hình thành quỹ đất rộng lớn, sản xuất theo chuỗi liên kết, tạo ra giá trị gia tăng lớn. Ở đó, khoa học công nghệ được áp dụng bài bản, góp phần tăng năng suất lao động. Tất yếu khi đó, vai trò của doanh nghiệp sẽ là chủ thể dẫn dắt và thúc đẩy nền nông nghiệp với sự tham gia của các hộ nông dân.

Đểlàm rõ hơn vấn đề này, Cà phê cuối tuần giới thiệu các chuyên gia: TS. Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia tài chính ngân hàng; TS. Nguyễn Minh Phong,chuyên gia kinh tế.

PV: Đầu tư vào bất động sản nông nghiệp dù là một khái niệm còn mới song không thể phủ nhận làn sóng lấn sân vào nông nghiệp của doanh nghiệp theo hướng rót vốn trên quy mô lớn, tạo ra chuỗi giá trị gia tăng với việc áp dụng khoa học công nghệ. Và để làm được điều đó, một trong yếu tố đầu vào cần thiết, đó là vốn. Các chuyên gia nhận định như thế nào về việc thu hút vốn của các doanh nghiệp đầu tư vào bất động sản nông nghiệp hiện nay?

TS. Nguyễn Trí Hiếu: Các doanh nghiệp Việt Nam hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp đang dựa quá nhiều vào vốn của ngân hàng. Đó là hạn chếcủa các doanh nghiệp Việt. Bởi vốn ngân hàng chỉ có giới hạn, lại phải thẩm định kiểm tra phức tạp, mất thời gian và lãi suất cao. Chưa kể, vốn ngân hàng sẽ ít cho vay vốn trung và dài hạn. Trong khi đó, đây là 2 nguồn vốn cần thiết trong sản xuất và kinh doanh.

TS. Nguyễn Minh Phong: Vốn của bất động sản nông nghiệp sẽ có đặc tính vừa dồi dào vừa có tính thanh khoản ở mức trung bình.

Vì sao lại vậy? Nó dồi dào vì về nguyên tắc, người sở hữu đất nông nghiệp với quy mô rộng lớn đều có trong tay một nguồn vốn rất tiềm năng. Việc tạo vốn tiền mặt sẽ dễ dàng nhưng buộc phải có điều kiện đi kèm, đó là cơ sở pháp lý và quy hoạch cho phép.

Thứ hai, xu hướng hiện nay có thể thấy, hầu hết là các “ông lớn” mới nhảy vào lĩnh vực bất động sản nông nghiệp. Và họ là người có tiền. Tuy nhiên, việc lấn sân của các doanh nghiệp sang lĩnh vực nông nghiệp cũng chỉ xảy ra khi họ nhận thấy sự khả thi. Tức là quy hoạch đã rõ ràng, minh bạch, có hỗ trợ từ Chính phủ. Còn người nông dân cảm thấy yên tâm vì nhìn thấy tiềm năng trên chính mảnh đất của mình. Họ quyết định đồng ý gom đất để lấy một khoản tiền và có thể cả một công việc.

Đối với doanh nghiệp, bản chất họ có xu hướng mua đi bán lại nhiều vòng. Và phải đến thời điểm chính thức vào cuộc thì họ mới quyết định chi tiền.

Đặc thù của bất động sản nông nghiệp, đó là khi đã vào guồng thì mới tạo ra dòng tiền quay vòng. Nhưngchu kỳ một vài ba vòng tái sinh sẽ khó tạo ra nguồn tiền đều đặn ngay lập tức.

PV: Đâu là những lý do khiến các doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực bất động sản lại khó huy động các nguồn vốn mà điển hình như việc tiếp cận vốn ngân hàng, thưa chuyên gia?

TS. Nguyễn Minh Phong: Không phải ngân hàng không muốn cho vay mà họ có xu hướng cho vay theo chuỗi, tức là có đầu vào và đầu ra đã kết nối thuận lợi. Ngân hàng cho vay dựa trên sự bảo lãnh của các doanh nghiệp. Chứ còn người nông dân tự vay vốn ngân hàng là điều rất khó.

Liên quan đến vấn đề doanh nghiệp huy động vốn, về thực tế, rất khó để thu hút vốn dựa trên dự án bất động sản nông nghiệp. Thông thường, doanh nghiệp phải dựa vào uy tín của mình để huy động vốn trên sàn chứng khoán nếu doanh nghiệp đó đã niêm yết.

Hoặc trường hợp khác, doanh nghiệp huy động vốn từ trái phiếu, trên cổ phần nhưng về nguyên tắc là nhândanh công ty. Hiện nay, khi các doanh nghiệp đã thành công trong một lĩnh vực thì họ sẽ đầu tư sang bất động sản nông nghiệp. Như vậy, doanh nghiệp có thể lấy cái này bù cái kia.

TS. Nguyễn Trí Hiếu: Phần lớn các doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp tại Mỹ đều sở hữu vốn tự có rất cao. Họ huy động vốn trên thị trường chứng khoán nhiều hơn là vay ngân hàng. Vì quy mô lớn, họ có thể phát hành cổ phiếu, trái phiếu. Thị trường tài chính bên Mỹ rất rộng lớn, không giới hạn trong một vài ngân hàng. Thông thường, doanh nghiệp chỉ lựa chọn ngân hàng để vay vốn lưu động. Còn vốn trung và dài hạn sẽ đến từ nguồn chứng khoán, phát hành trái phiếu và cổ phiếu.

Ngược lại, ở Việt Nam, hầu hết các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp chủ yếu vay vốn ngân hàng, khó phát hành trái phiếu hoặc huy động vốn từ thị trường chứng khoán. Bởi quy mô của các doanh nghiệp đa phần nhỏ, sản xuất có phần tự phát, manh mún.

Một điểm khác, để có thể huy động được vốn trên thị trường chứng khoán, doanh nghiệp buộc phải có báo cáo tài chính rõ ràng, có kiểm toán, có lợi nhuận… Trong khi đó, những công ty quy mô nhỏ thường khó đáp ứng các yêu cầu đó. Lợi nhuận bấp bênh và không có khoản tiền duy trì đều đặn việc lập báo cáo tài chính, kiểm toán.

PV: Nông nghiệp đang được đánh giá là mảnh đất vàng có thể tạo ra tỷ suất sinh lời lớn cho doanh nghiệp. Nhưng nếu thiếu đi tiêu chí quan trọng nhất ở khâu đầu vào là vốn thì quy trình sản xuất bị dừng. Phải chăng việc "đói vốn" xuất phát một phần từ việc thiếu các chính sách hỗ trợ từ cơ quan Nhà nước, thưa chuyên gia?

TS. Nguyễn Trí Hiếu: Tôi muốn nhấn mạnh rằng, nông nghiệp là một ngành vô cùng quan trọng đối với các quốc gia trên thế giới. Hiện tại dân số thế giới là 6 tỷ người và đến năm 2050, con số dự kiến sẽ là 9 tỷ người. Nông nghiệp là ngành nuôi sống hàng tỷ người trên thế giới.

Nếu nông nghiệp bị khủng hoảng, điều gì sẽ xảy ra, đó là xảy ra tình trạng đói kém, hỗn loạn. Bởi thế mà tại các nước, nông nghiệp luôn nhận được nhiều chính sách rất hỗ trợ. Điển hình như ở châu Âu, các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp đều có rất nhiều ưu đãi. Hay như ở Mỹ, khi cuộc thương mại Mỹ - Trung diễn ra, Tổng thống Donald Trump đã lên tiếng hỗ trợ các doanh nghiệp hoạt động trong nông nghiệp chịu thiệt hại từ việc hàng hóa không xuất sang Trung Quốc.

Việt Nam là một nước có xuất phát điểm từ nông nghiệp. Và nông nghiệp là một ngành chủ đạo, có đóng góp lớn cho nền kinh tế và cho xuất khẩu.

Nhưng thực tế, nông nghiệp Việt Nam vẫn chưa nhận được nhiều ưu đãi như đáng lẽ ra nó phải có. Mặc dù, Chính phủ tuyên bố quan tâm đến ngành nông nghiệp song thực tế, hiện nay, các doanh nghiệp vẫn còn khá vất vả trong việc tìm kiếm một con đường để phát triển.

Điển hình nhất có thể thấy, vốn dành cho ngành nông nghiệp so với các ngành nghề khác là rất ít. Vốn vay từ ngân hàng cho lĩnh vực nông nghiệp thấp hơn rất nhiều lần so với ngành nghề khác mà ở đây có thể so sánh với nguồn tín dụng đổ vào xây dựng phát triển dự án bất động sản. Trong khi đó, nông nghiệp lại có rất nhiều đóng góp lớn cho các ngành nghề trong tương lai.

Tuy nhiên cũng phải thấy rằng nông nghiệp là một ngành có rất nhiều rủi ro từ thiên tai và thị trường nên việc huy động vốn cũng khó khăn hơn. Doanh nghiệp quy mô nhỏ dễ gặp nhiều bấp bênh trong sản xuất.

PV: Đâu là giải pháp để có thể khơi thông nguồn vốn cho các doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực bất động sản, thưa chuyên gia?

TS. Nguyễn Minh Phong: Muốn tạo hành lang thông thoáng, thu hút vốn vào bất động sản nông nghiệp, cần phải giải quyết được 2 vấn đề:

Thứ nhất, đó là thay đổi về tư duy nhận thức. Khi xác định sản xuất nông nghiệp theo chuỗi, tạo ra giá trị liên kết thì cần có sự đồng bộ về chủ trương của Nhà nước từ trên xuống, phải có hành lang pháp lý thông thoáng, cởi mở.

Thứ hai, đó là thay đổi tư duy về hạ điền. Muốn làm nông nghiệp buộc phải có tích tụ đất đai. Nếu chưa có đất đai thì chưa thể nói ngay tới các vấn đề tiếp theo như huy động vốn.

Thứ ba, cần giải quyết tâm lý cho người nông dân để họ hiểu rằng góp đất là an toàn. Vì bản thân họ không muốn bán bởi nỗi lo, mất đất rồi thì sẽ làm nghề gì.

Đó là cách để giải quyết huy động vốn tài chính, tạo lập thị trường để huy động vốn.

- Cảm ơn các chuyên gia!

Để cải thiện hiệu quả sản xuất nông nghiệp, gia tăng sức cạnh tranh cho nông sản Việt, phát triển nông nghiệp theo hướng bền vững thì cần phải chuyển đổi mô hình sản xuất nông nghiệp từ manh mún sang mô hình sản xuất lớn, hình thành các cánh đồng mẫu lớn, phát triển sản xuất nông nghiệp theo chuỗi giá trị sản phẩm, liên kết giá trị từ sản xuất, chế biến đến tiêu thụ sản phẩm. Qua đó sẽ dần đưa nền nông nghiệp phát triển theo hướng hiện đại.

Thời gian qua, nhằm đổi mới cơ chế và chính sách cho vay theo mục tiêu phát triển bền vững nông nghiệp, nông thôn, Chính phủ và NHNN đã ban hành nhiều chính sách ưu tiên đẩy mạnh phát triển lĩnh vực này. Không chỉ hỗ trợ lớn về vốn qua nhiều chương trình tín dụng mà hệ thống ngân hàng còn đóng vai trò quan trọng tạo lập và kết nối các chủ thể trong sản xuất nông nghiệp, kết nối các chủ thể trong chuỗi cung ứng đầu vào cũng như đầu ra, ứng dụng khoa học công nghệ mới trong sản xuất nhằm gia tăng giá trị cho sản xuất nông nghiệp.

Nguồn: https://cdn.reatimes.vn/mediav2/media_old/hut-von-vao-bat-dong-san-nong-nghiep-vi-sao-van-doi-36726.html

Theo Reatimes - Reablog