Trưa 29/6, PGS.TS Nguyễn Trường Sơn - Thứ trưởng Y tế - cho biết Tiểu ban Điều trị (Ban chỉ đạo Quốc gia phòng chống dịch COVID-19) đã nhận được công hàm của Đại sứ quán Anh đề nghị cho bệnh nhân phi công (bệnh nhân 91) về nước trên chuyến bay ngày 12/7.
Chuyến bay của Vietnam Airlines đi Anh đón công dân Việt Nam, chuyến bay sẽ xuất phát từ Hà Nội.
Trưởng Tiểu ban Điều trị Nguyễn Trường Sơn cũng cho biết tình trạng bệnh nhân đã ổn định hơn, tâm lý cũng tốt hơn. Các bác sĩ Bệnh viện Chợ Rẫy vẫn đang cố gắng phục hồi chức năng toàn diện cho bệnh nhân.
Bệnh nhân 91 hồi phục thần kỳ
Theo Tiểu ban Điều trị, phi công người Anh đang trong giai đoạn phục hồi chức năng toàn diện để đánh giá các tiêu chí an toàn trước khi cho phép xuất viện và hồi hương bằng đường hàng không.
Hôm nay, 29/6, bệnh nhân đã tự thở khí phòng, đã cai máy thở 17 ngày, các chỉ số khác bình thường và giao tiếp tốt bằng lời nói. Hiện sức cơ 2 tay bình thường, sức cơ 2 chân 4/5, tự xoay trở trên giường, tự ngồi dậy được, chịu lực hai tay trên khung tập tự đứng dậy và bước được vài bước.
Thứ trưởng bày tỏ hy vọng 10 ngày nữa bệnh nhân có thể đi lại được, đủ điều kiện sức khoẻ để hồi hương. Trước khi bệnh nhân về nước, các bác sĩ Việt Nam sẽ có cuộc hội chẩn đánh giá chức năng hô hấp, vận động... xem bệnh nhân có thể đáp ứng sức khỏe với một chuyến bay dài về Anh. Đây sẽ là lần thứ 6 cuộc hội chẩn quốc gia liên quan bệnh nhân này diễn ra.
Đồng thời, Thứ trưởng cũng cho biết khi bệnh nhân về nước sẽ có một ekip bay cùng để hỗ trợ.
Hiện các bác sĩ tăng cường phục hồi chức năng ngày 2 lần, cho bệnh nhân tập thổi hô hấp ký, xuống giường ngồi trên ghế.
Bệnh nhân hiện đã ngưng thuốc kháng nấm. Chỉ dùng thuốc kháng đông dự phòng, kết hợp với săn sóc tại chỗ vết loét cùng cụt.
Bệnh nhân 91 phát hiện mắc bệnh COVID-19 hôm 18/3, nhập viện Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TP HCM. Đến nay bệnh nhân đã có 103 ngày điều trị, giai đoạn 1 từ 18/3 đến cuối giờ chiều 22/5, giai đoạn 2, khi bệnh nhân âm tính nhiều lần với COVID-19, bệnh nhân được chuyển sang Bệnh viện Chợ Rẫy. Lúc này, bệnh nhân được chuyển viện khi vẫn chạy ECMO, thở máy, lọc máu liên tục, phần phổi hoạt động được có lúc chỉ còn 10%, tăng dần lên 20-30%...
Bộ Y tế đã từng chuẩn bị phương án ghép phổi cho bệnh nhân. Bệnh nhân cai ECMO hôm 3/6, cai thở máy hôm 12/6. Đến nay, bệnh nhân có những tiến triển được đánh giá là thần kỳ.