Đây là kết quả tích cực đối với các doanh nghiệp sản xuất, xuất khẩu của Việt Nam sau gần 2 năm hợp tác và cung cấp đầy đủ thông tin theo yêu cầu của cơ quan điều tra Indonesia.

Vụ việc được Ủy ban Chống bán phá giá Indonexia (KADI) khởi xướng điều tra từ ngày 26 tháng 8 năm 2019 dựa trên kiến nghị từ Công ty NS Bluescope Indonesia (NSBI) về nhập khẩu thép mạ nhôm – kẽm theo mã HS 7210.61.11, 7212.50.23, 7212.50.24, 7212.50.29, 7225.99.90, 7226.99.19 và 7226.99.99;

Theo đó, KADI xác định sản phẩm bị điều tra nhập khẩu từ Việt Nam bán phá giá vào thị trường nước này ở mức từ 12,01% – 28,49% và gây ra thiệt hại đáng kể cho các ngành sản xuất tôn lạnh nội địa của Indonesia. Do vậy, cơ quan này quyết định áp dụng thuế CBPG ở mức 3,01% - 49,2% đối với sản phẩm tôn màu của Việt Nam trong khoảng thời gian là 5 năm.

Theo số liệu của Indonesia thu thập, trong giai đoạn điều tra, tổng lượng nhập khẩu tôn lạnh của Việt Nam vào Indonesia ước tính 365 ngàn tấn, trị giá khoảng 290 triệu USD/năm.

Trong suốt quá trình Indonesia tiến hành điều tra, Bộ Công Thương đã theo dõi sát diễn biến vụ việc để bảo vệ lợi ích chính đáng của doanh nghiệp xuất khẩu. Chỉ đạo Thương vụ Việt Nam tại Indonesia tham dự các phiên điều trần công khai để bày tỏ ý kiến và hỗ trợ các doanh nghiệp Việt Nam đồng thời đề nghị KADI xem xét lại một số nội dung trong phương pháp tính toán, xác định biên độ phá giá chưa phù hợp với quy định của Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) và thông lệ quốc tế.

Sau gần 2 năm hợp tác và cung cấp đầy đủ thông tin theo yêu cầu của KADI, Indonesia đã quyết định không áp dụng biện pháp CBPG đối với một số sản phẩm thép mạ hợp kim nhôm kẽm có xuất xứ hoặc nhập khẩu từ Việt Nam.

Kết quả có được một lần nữa cho thấy nếu như có sự tham gia của các doanh nghiệp và sự đồng hành, hỗ trợ của các cơ quan chức năng, công tác xử lý các vụ việc điều tra phòng vệ thương mại sẽ đem lại hiệu quả tích cực.

Tuy nhiên, cần lưu ý rằng các mặt hàng thép vẫn là nhóm mặt hàng có tính chất nhạy cảm, dễ bị các nước tiến hành điều tra phòng vệ thương mại. Vì vậy, trong thời gian tới, Bộ Công thương sẽ tiếp tục phối hợp với Hiệp hội Thép Việt Nam và các doanh nghiệp liên quan theo dõi những diễn biến mới phát sinh tại các thị trường xuất khẩu nói chung và thị trường Indonesia nói riêng để có biện pháp xử lý kịp thời.

Mặt hàng ống đồng Việt Nam có thể bị áp thuế CBPG khi nhập khẩu vào Mỹ.
Mặt hàng ống đồng Việt Nam có thể bị áp thuế CBPG khi nhập khẩu vào Mỹ.

Liên quan đến vấn đề trên, cuối tháng 6 vừa qua, Bộ Thương mại Mỹ (DOC) đã ban hành kết luận cuối cùng vụ việc điều tra CBPG đối với sản phẩm ống đồng có xuất xứ từ Việt Nam. Vụ việc được DOC khởi xướng điều tra từ tháng 7 năm 2020.

Theo đó, DOC kết luận rằng ống đồng nhập khẩu từ Việt Nam bán phá giá tại Mỹ với biên độ 8,35%, thấp hơn đáng kể so với biên độ bán phá giá do ngành sản xuất trong nước của Mỹ cáo buộc (là 110%). Theo số liệu của Mỹ, kim ngạch xuất khẩu sản phẩm ống đồng của Việt Nam sang Mỹ trong năm 2019 và 2020 lần lượt là 146,3 triệu USD và 202,2 triệu USD, tương ứng 20,2 nghìn tấn và 29,1 nghìn tấn.

Theo kế hoạch, ngày 02 tháng 8 năm 2021 tới đây, Ủy ban Thương mại quốc tế Mỹ sẽ ban hành kết luận cuối cùng vụ việc điều tra CBPG đối với sản phẩm ống đồng có xuất xứ từ Việt Nam. Trong trường hợp xác định có thiệt hại nêu trên, lệnh áp thuế CBPG dự kiến sẽ được ban hành vào ngày 9 tháng 8 năm 2021.

Việc áp thuế CBPG nhằm bảo hộ cho ngành mía đường trong nước phát triển.
Việc áp thuế CBPG nhằm bảo hộ cho ngành mía đường trong nước phát triển.

Về phía Việt Nam, mới đây Bộ Công Thương vừa ban hành Quyết định 1578/QĐ-BCT, áp dụng biện pháp chống bán phá giá và thuế chống trợ cấp chính thức đối với một số sản phẩm đường mía có xuất xứ từ Vương quốc Thái Lan trong thời hạn 5 năm.

Nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng trên là do đường nhập khẩu được trợ cấp và bán phá giá từ Thái Lan tăng mạnh trong năm 2020, lên tới gần 1,3 triệu tấn, tăng 330,4% so với năm 2019.

Để có cơ sở xác định xuất xứ của hàng hóa nhập khẩu thuộc đối tượng áp dụng thuế chống bán phá giá và chống trợ cấp, cơ quan hải quan sẽ thực hiện kiểm tra chứng từ chứng nhận xuất xứ hàng hóa gồm: Giấy chứng nhận xuất xứ hàng hóa (C/O), hoặc chứng từ chứng nhận xuất xứ phù hợp Hiệp định thương mại hàng hóa ASEAN, Hiệp định đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương, Hiệp định thương mại tự do giữa Việt Nam và EU (EVFTA), UKVFTA…

Theo Xuân Quang/baodansinh.vn

Nguồn: https://baodansinh.vn/indonesia-huy-chong-ban-pha-gia-doi-voi-ton-lanh-cua-viet-nam-20210707132907518.htm