Hàng chục container vận chuyển chất thải sẽ được trả lại cho Pháp và các nước phát triển khác, đại diện của Indonesia cho biết hôm qua (2/7). Theo các quan chức hải quan trên đảo Batam, 49 container rác thải và các vật liệu không thể tái chế đang vi phạm quy định nhập khẩu rác của nước này.

“Chúng tôi đang phối hợp với nhà nhập khẩu xử lý rác thải để thực hiện tiến trình đưa đống rác này trở về”, phát ngôn viên cơ quan hải quan Sumarna chia sẻ với AFP. Những loại rác thải này đến từ Hoa Kỳ, Úc, Pháp, Đức và Hồng Kông, ông nói thêm.

Rác thải của các nước phát triển đang đổ dồn về Đông Nam Á

Rác thải của các nước phát triển đang đổ dồn về Đông Nam Á

Trước đây, Trung Quốc là nước nhập phế liệu nhiều nhất trên thế giới. Trung bình nước này nhập khẩu khoảng 9 triệu tấn phế liệu nhựa mỗi năm. Thậm chí một ngành công nghiệp tái chế rác thải quy mô lớn đã hình thành, nhưng việc xử lý không phù hợp và thiếu cơ chế giám sát hiệu quả góp phần đã dẫn tới ô nhiễm nghiêm trọng.

Tuy nhiên, khi đã trở thành một nước có nền kinh tế nhất nhì thế giới, Trung Quốc nỗ lực để làm sạch môi trường và ra quyết định cấm nhập khẩu 24 loại phế liệu từ nước ngoài. Lệnh cấm này khiến Trung Quốc sạch đẹp nhưng khiến cho quá trình tái chế rác thải trên toàn cầu bị hỗn loạn và các quốc gia phát triển đau đầu tìm nơi tiêu thụ rác thải. Họ bắt đầu tống rác đến khu vực các nước Đông Nam Á như Malaysia, Indonesia và Philipines, Thái Lan, Việt Nam.

Tháng 6 vừa qua, thủ đô Jakarta đã gửi trả lại 5 thùng rác cho Hoa Kỳ, khởi xướng cho những quốc gia Đông Nam Á đang dần “tuyên chiến” về việc là bãi rác của các nước phương Tây. Còn vào tháng 5, nước láng giềng Malaysia cũng tuyên bố sẽ gửi lại hàng trăm tấn rác thải nhựa. Philippines cũng đã trả lại khoảng 69 thùng rác cho Canada.

Theo Quỹ Tự nhiên Toàn cầu (WWF), khoảng 300 triệu tấn nhựa được sản xuất mỗi năm, phần lớn điểm kết thúc của các loại nhựa không thể tái chế là đổ ra biển khiến môi trường ô nhiễm nghiêm trọng.

Theo ông Lawrence Loh, giáo sư thuộc Đại học Quốc gia Singapore, các nước Đông Nam Á vốn đã đối mặt với tình trạng ô nhiễm không khí do cháy rừng, nên "họ sẽ không muốn làm cho vấn đề trở nên trầm trọng hơn bằng cách nhập khẩu rác". Và những nước phát triển cần nỗ lực và có biện pháp để giảm lượng rác thải nếu không muốn trong nay mai con người bị bao bọc bởi rác thải.

Theo Mộc My/Đô Thị Mới