Mức xử phạt liệu có thỏa đáng?

Ngày 5/3/2020, Thanh tra Sở Y tế Hà Nội đã ra Quyết định Xử phạt vi phạm hành chính về Y tế số 49/QĐ-XPVPHC đối với Chi nhánh Công ty cổ phần Bệnh viện Mắt Sài Gòn – Hà Nội, có địa chỉ tại số 532 đường láng, phường Láng Hạ, quận Đống Đa, thành phố Hà Nội với số tiền 8,7 triệu đồng.

Quyết định xử phạt vi phạm hành chính về Y tế của bệnh viện Mắt Sài Gòn - Hà Nội

Trong nội dung quyết định xử phạt có nêu rõ, bệnh viện đã có hành vi vi phạm hành chính không không đảm bảo điều kiện về nhân lực trong quá trình hoạt động và hồ sơ bệnh án không ghi chép đầy đủ theo quy định của pháp luật.

Như vậy có thể thấy, nội dung chị chị P. T. N có địa chỉ thường trú tại Long Biên, Hà Nội, nguyên Giám đốc phụ trách chuyên môn kỹ thuật Bệnh viện Mắt Sài Gòn – Hà Nội tố cáo Công ty Cổ phần Bệnh viện Mặt Sài Gòn – Hà Nội vi phạm Luật khám bệnh, chữa bệnh được chúng tôi phản ánh trong bài viết là có căn cứ và đúng sự thật.

Theo như chị N phản ánh, bệnh viện đã tự ý điều chuyển bác sĩ phẫu thuật cho bệnh nhân dù không có chứng chỉ hành nghề tại cơ sở được chỉ định phẫu thuật. Trong khi, tại thời điểm đó, chị N vẫn đang là người đứng tên trên giấy phép hoạt động của Bệnh viện tại cơ sở Nguyễn Du (số 72/BYT-GPHĐ) nhưng do hai quyết định miễn nhiễm và điều động ngày mùng 10/2/2020, chị đã không được quyền điều hành kiểm soát khám chữa bệnh tại bệnh viện đã dẫn tới những sự việc trái pháp luật.

Tất cả sự điều động này đều dẫn tới việc hồ sơ bệnh án của những bệnh nhân được mổ đều chỉ có chữ ký của bác sĩ khám, chữa bệnh chứ không có chữ ký của trưởng khoa hay giám đốc bệnh viện.

Điều này là vi phạm Luật số 40/2009/QH12 của Quốc hội: Luật Khám bệnh, chữa bệnh. Dựa vào căn cứ này, thanh tra đã đến làm việc và kiểm tra chi nhánh Công ty cổ phần Bệnh viện Mắt Sài Gòn – Hà Nội và đã xử phạt 8,7 triệu đồng.

Theo như quyết định xử phạt của Thanh tra Sở Y tế Hà Nội, bệnh viện đã không đảm bảo điều kiện về nhân lực trong quá trình hoạt động là hành vi vi phạm Quy định tại Điểm d, Khoản 2, Điều 29; Khoản 5, Điều 4 Nghị định số 176/2013/NĐ-CP ngày 14/11/2013 của Chính phủ quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực Y tế.

Hồ sơ, bệnh án không ghi chép đầy đủ theo quy định của pháp luật đã vi phạm Quy định tại Điểm a, Khoản 1, Điều 30; Khoản 5, Điều 4 của Nghị định số 176/2013/NĐ-CP ngày 14/11/2013 của Chính phủ quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực Y tế. 

Nhưng theo phân tích của luật sư, mức xử phạt này chưa đủ đối với những sai phạm của bệnh viện Mắt Sài Gòn - Hà Nội?

Với nội dung như chị P.T.N đã trình bày, bệnh viện này đã không chủ động chuẩn bị đủ các phương án, nhân lực khi đưa ra hai quyết định bãi nhiễm chức vụ và điều chuyển chị N dẫn tới tình trạng bệnh viện bị thiếu nhân lực.

Trong khi, căn cứ Thông tư số 41/2011/TT-BYT ngày 14/11/2011 của Bộ trưởng Bộ Y tế hướng dẫn cấp chứng chỉ hành nghề đối với người hành nghề và cấp giấy phép hoạt động đối với cơ sở khám bệnh, chữa bệnh thì những ai được cấp giấy phép hoạt động ở đâu chỉ được phép hành nghề tại đó.

Như vậy, mặc nhiên, bệnh viện này hiểu rõ quy định nhưng vẫn “bất thình lình” miễn chức vụ và điều chuyển chị N, vi phạm hành vi không xin giấy phép hoạt động khám, chữa bệnh cho bác sĩ thay thế chị N ở cơ sở 77 Nguyễn Du, Hai Bà Trưng, Hà Nội. Do đó đã vi phạm hành chính không không đảm bảo điều kiện về nhân lực trong quá trình hoạt động và bị thanh tra xử phạt.

Một vấn đề nghiêm trọng hơn đó là mỗi một ca phẫu thuật cần cả một ê kíp thực hiện nhằm chữa trị cho bệnh nhân nhưng nhiều hồ sơ chữa bệnh nhân tại bệnh viện này lại không hề có chữ ký của trưởng khoa hay giám đốc bệnh viện. Điều này đồng nghĩa với việc, những bệnh nhân này, cụ thể hơn là các ca phẫu thuật chị N đã nêu đều không có người đứng đầu giám sát và chịu trách nhiệm?

Vậy có hay chăng, bệnh viện Mắt Sài Sài Gòn – Hà Nội đang coi thường tính mạng của bệnh nhân bằng những hành vi vi phạm pháp luật?

Miễn nhiệm chức vụ người lao động không đúng quy định của pháp luật

Theo luật sư Nguyễn Ngọc Hùng - Trưởng Văn phòng Luật sư Kết Nối thuộc đoàn luật sư TP Hà Nội, khi sử dụng lao động làm việc tại doanh nghiệp, người sử dụng lao động và người lao động phải tuân thủ các quy định trong Bộ luật lao động năm 2012, không bên nào được vi phạm. Trường hợp người lao động vi phạm kỷ luật lao động có thể bị xử lý kỷ luật theo quy định tại Điều 125 Bộ luật lao động năm 2012: Khiển trách; Kéo dài thời hạn nâng lương không quá 06 tháng, cách chức; Sa thải.

Luật sư Nguyễn Ngọc Hùng - Trưởng Văn phòng Luật sư Kết Nối thuộc đoàn luật sư TP Hà Nội

Ngày 10/02/2020, Tổng giám đốc Công ty CP Bệnh viện Mắt Sài Gòn – Hà Nội ông Huỳnh Lê Đức ký quyết định miễn nhiệm chức vụ giám đốc phụ trách chuyên môn kỹ thuật của chị P. T. N, đây là hình thức xử lý kỷ luật lao động: Cách chức được quy định theo khoản 2 Điều 125 Bộ luật lao động năm 2012.

Tuy nhiên việc đưa ra quyết định xử lý kỷ luật này phải tuân theo quy định của Bộ luật lao động. Theo đó, trong trường hợp cách chức chị N thì Công ty CP Bệnh viện Mắt Sài Gòn – Hà Nội phải chứng minh được việc cách chức do lỗi của chị N gây ra vi phạm kỷ luật lao động, kỷ luật lao động này phải được quy định trong nội quy lao động.

Việc kỷ luật lao động phải được tiến hành theo trình tự thủ tục xử lý kỷ luật lao động theo quy định tại khoản 12 Điều 1 Nghị định 148/2018/NĐ-CP. Ở đây, chị N chỉ nhận được quyết định miễn nhiệm chức vụ do Tổng giám đốc ký. Như vậy, trình tự thủ tục quyết định về việc miễn nhiệm chức vụ, cách chức chị N của ông Huỳnh Lê Đức là không đúng quy định của pháp luật.

Ngoài ra, bên phía Bệnh viện Mắt Sài Gòn – Hà Nội không đưa ra được bất cứ hành vi vi phạm nào của chị N mà lại ra quyết định cách chức chị N, đây là hành vi bị cấm theo quy định tại khoản 3 Điều 128 Bộ luật lao động năm 2012: Xử lý kỷ luật lao động đối với người lao động có hành vi vi phạm không được quy định trong nội quy lao động.

Đối với quyết định điều chuyển vị trí làm việc của chị N, việc điều chuyển lao động làm công việc khác so với hợp đồng lao động được quy định tại Điều 31 Bộ luật lao động năm 2012: Khi tạm thời chuyển người lao động làm công việc khác so với hợp đồng lao động, người sử dụng lao động phải báo cho người lao động biết trước ít nhất 03 ngày làm việc, thông báo rõ thời hạn làm tạm thời và bố trí công việc phù hợp với sức khoẻ, giới tính của người lao động.

Theo quy định này, trong trường hợp điều chuyển công tác, bên phía Công ty CP Bệnh viện Mắt Sài Gòn – Hà Nội phải thông báo về việc chuyển vị trí làm việc cho chị N biết trước ít nhất 3 ngày làm việc. Thế nhưng ngày ra quyết định và ngày chị N nhận được quyết định đều là ngày 10/02/2020. Như vậy việc ra quyết định này là hoàn toàn không đúng.

Ngoài ra, việc điều chuyển vị trí làm việc phải được quy định trong nội quy lao động của công ty và không được phép quá 60 ngày làm việc trường hợp muốn tiếp tục chuyển vị trí làm việc phải có sự đồng ý của chị N thể hiện bằng văn bản, nếu chị N không đồng ý thì phải chuyển chị N về đúng vị trí làm việc trước đó của chị N tức vị trí giám đốc phụ trách chuyên môn kỹ thuật.

Ngoài ra, đối với việc khám chữa bệnh tại bệnh viện sau khi cách chức chị N, đơn vị cũng đã thực hiện không đúng, vi phạm pháp luật. Việc xử lý kỷ luật cách chức, miễn đảm nhiệm chức vụ của Công ty CP Bệnh viện Mắt Sài Gòn- Hà Nội đối với chị N là vi phạm quy định của pháp luật, hai bên đang tiến hành giải quyết vi phạm theo quy định do đó hiện tại vị bác sĩ nữa này vẫn là người có quyền điều hành kiểm soát khám chữa bệnh tại bệnh viện. Việc bệnh viện điều chuyển nhân viên sang cơ sở Nguyễn Du phẫu thuật khi không có chứng chỉ hành nghề là vi phạm quy định tại khoản 2, 3 Điều 6 Luật khám bệnh, chữa bệnh năm 2009:

Khám bệnh, chữa bệnh không có chứng chỉ hành nghề hoặc đang trong thời gian bị đình chỉ hành nghề, cung cấp dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh mà không có giấy phép hoạt động hoặc đang trong thời gian bị đình chỉ hoạt động; Hành nghề khám bệnh, chữa bệnh, cung cấp dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh vượt quá phạm vi hoạt động chuyên môn được ghi trong chứng chỉ hành nghề, giấy phép hoạt động, trừ trường hợp cấp cứu”.

Bệnh viện Mắt Sài Gòn - Hà Nội cơ sở 77 Nguyễn Du bị Thanh tra Sở Y tế Hà Nội xử phạt vì vi phạm hành chín

Được biết, bệnh viện Mắt Sài Gòn - Hà Nội thuộc hệ thống Bệnh viện Mắt Sài Gòn chuyên điều trị các bệnh về mắt như tật khúc xạ, đục thủy tinh thể, lé... Bệnh viện Mắt Sài Gòn thành lập và bắt đầu vào hoạt động từ tháng 8/2002 với tên gọi đầu tiên là Công ty TNHH Thái Thành Nam là một bệnh viện ngoài công lập về dịch vụ khám chữa bệnh cũng như chăm sóc khách hàng và có tổng cộng 9 chi nhánh từ Bắc vào Nam.

Theo Hồng Phong/Đô thị mới