Mới đây, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã lấy ý kiến dự thảo Thông tư sửa đổi Thông tư số 43/2016/TT-NHNN quy định về cho vay tiêu dùng của công ty tài chính. Một trong những nội dung mà dự thảo đưa ra đang gây tranh cãi đó là việc hạn chế giải ngân trực tiếp cho khách hàng của các công ty tài chính.

Cụ thể, dự thảo quy định dư nợ cho vay tiêu dùng giải ngân trực tiếp cho khách hàng vay không vượt quá 30% tổng dư nợ tín dụng tiêu dùng của công ty tài chính. Các công ty tài chính cũng chỉ được giải ngân trực tiếp cho khách hàng vay đối với khách hàng đã và đang vay tại công ty tài chính đó, được đánh giá có lịch sử trả nợ tốt theo quy định nội bộ của công ty tài chính và không có nợ xấu theo kết quả phân loại nhóm nợ của Trung tâm thông tin tín dụng quốc gia Việt Nam đến thời điểm gần nhất tính từ thời điểm ký kết hợp đồng cho vay tiêu dùng.

TS. Lê Xuân Nghĩa

Các chuyên gia nhận định, động thái quyết định siết chặt tín dụng tiêu dùng, mà đặc biệt là hạn chế nguồn tiền mặt là do NHNN kiểm soát mục đích sử dụng vốn của khách hàng. Quy định này hỗ trợ trong việc quản lý rủi ro tín dụng trên toàn lãnh thổ và trên toàn hệ thống cho vay tín dụng.

Nhiều chuyên gia cho rằng, dự thảo Thông tư mới là một động thái tích cực của NHNN khi quan tâm và sát sao trong việc quản lý chặt chẽ các hoạt động tín dụng tiêu dùng của các công ty tài chính thành khuôn khổ kiểm soát rủi ro cho công ty tài chính.

Tuy nhiên, các chuyên gia cũng nêu ý kiến, chủ trương quản lý thị trường cho vay tiêu dùng của NHNN là đúng nhưng cần cân nhắc lại tỷ trọng giải ngân tiền mặt ở mức hợp lý.

TS. Lê Xuân Nghĩa, thành viên Hội đồng tư vấn chính sách tài chính – tiền tệ quốc gia cho rằng, việc đưa ra hạn chế mà cụ thể là kiểm soát tỷ lệ tổng dư nợ cho vay tiêu dùng giải ngân trực tiếp cho khách hàng vay không được vượt quá 30% tổng dư nợ tín dụng tiêu dùng của công ty tài chính như dự thảo Thông tư sửa đổi Thông tư 43 là điều cần thiết và thực tế trong lĩnh vực tài chính, có rất nhiều giới hạn như vậy. Tuy nhiên, theo ông Nghĩa, việc đặt một giới hạn trong cho vay tiêu dùng cần thiết phải xem xét kỹ hơn, nhất là đặt một mức có thể gây nhiều tác động không có lợi tới hoạt động trong cho vay công ty tài chính.

Theo TS. Nghĩa, hạn chế này sẽ gây ra trở ngại đối với những khoản vay nhỏ nhưng số lượng mục đích sử dụng của khách hàng không hề nhỏ. Khi đó, thủ tục hành chính, chi phí hồ sơ, việc chứng minh mục đích sử dụng vốn sẽ trở nên vô cùng phức tạp. Thậm chí, sẽ đẩy chi phí vay lên cao hơn hoặc thậm chí, khách hàng sẽ không thể tiếp cận được với công ty tài chính.

Không những vậy, việc phân biệt hình thức giải ngân như dự thảo có thể trở thành kẽ hở cho những đối tượng xấu lợi dụng và trục lợi.

Ngoài ra, chính cơ quan hành chính Nhà nước sẽ rất khó để có thể thanh tra, giám sát được hoạt động cho vay sẽ được tiến hành theo hình thức nào. Điều đó là phi thực tế và hoàn toàn không thể kiểm soát được, nhất là trong bối cảnh, tín dụng tiêu dùng đang có tiềm năng phát triển mạnh mẽ.

Bên cạnh đó, trong điều kiện hiện nay của Việt Nam, phần lớn người nghèo đều không có tài khoản ngân hàng và không quen với giao dịch bằng tài khoản, nhất là với những người ở vùng sâu, vùng xa, vùng nông thôn. Vì vậy, theo TS. Nghĩa, quy định như dự thảo là chưa phù hợp với thực tiễn của Việt Nam.

Đồng quan điểm với TS. Lê Xuân Nghĩa, TS. Cấn Văn Lực, chuyên gia kinh tế trưởng Ngân hàng BIDV cũng cho rằng, chủ trương quản lý thị trường cho vay tiêu dùng của NHNN là đúng song cần cân nhắc lại tỷ trọng giải ngân tiền mặt ở mức hợp lý.

TS. Cấn Văn Lực

TS. Cấn Văn Lực

“Tại sao lại là 30%? Cơ quan quản lý đã khảo sát các công ty tài chính hay chưa? Việc đặt ra trần hạn mức giải ngân tiền mặt cần được đưa ra dựa trên khảo sát, tính toán cụ thể và đánh giá thực trạng của các công ty tài chính chứ không thể là một con số cảm tính. Hạn mức này không nhất thiết là 30% mà có thể cao hơn hoặc phù hợp hơn”, TS. Cấn Văn Lực đặt câu hỏi.

Cũng theo chuyên gia Lực, nếu có thể đưa ra một con số phù hợp thì quy định hạn mức cho vay tiền mặt sẽ đạt được cả 2 mục tiêu là vừa quản lý rủi ro, đồng thời đảm bảo khả năng tiếp cận tín dụng của người dân, đặc biệt là tín dụng nhỏ, một cách hiệu quả và triệt để.

Theo Bảo Linh (tổng hợp)/Đô Thị Mới