Ngân hàng TMCP Tiên Phong (TPBank) vừa công bố báo cáo tài chính 9 tháng năm 2022 với kết quả kinh doanh vượt trội, ấn tượng, các chỉ số hoạt động an toàn, vững mạnh. TPBank đã hoàn thành 72% kế hoạch lợi nhuận cả năm với lợi nhuận trước thuế lũy kế đạt 5.926 tỷ đồng tăng 1.532 tỷ đồng so với cùng kỳ. Chất lượng tài sản, sức mạnh nội tại, năng lực tài chính luôn nằm trong top đầu ngành, với việc tiên phong trong việc áp dụng theo chuẩn Basel III, các chỉ số về an toàn vốn và thanh khoản được ngân hàng quản lý rất chặt chẽ. Đó cũng là lý do TPBank là một trong 9 ngân hàng được Moody’s nâng xếp hạng là nhà phát hành và tiền gửi nội tệ, ngoại tệ dài hạn tốt, nhận định TPBank sở hữu khả năng sinh lời tốt, chất lượng tài sản an toàn, nền tảng vốn vững chắc và khả năng thanh khoản rất cao.
Tại TPBank, từ cuối năm 2021, nhà băng này đã hoàn thành toàn bộ các yêu cầu của Basel III, trở thành ngân hàng đầu tiên áp dụng thành công bộ tiêu chuẩn này tại thị trường Việt Nam. Đồng thời, TPBank cũng đưa vào áp dụng Chuẩn mực Báo cáo Tài chính Quốc tế (IFRS 9). Chỉ hai tiêu chuẩn rất cao của thị trường này cũng đã đủ để thấy được TPBank rất coi trọng quản trị rủi ro trong hoạt động kinh doanh, đảm bảo hoạt động theo các chuẩn mực quốc tế cũng như xây dựng niềm tin vững chắc cho nhà đầu tư, thị trường và đặc biệt là khách hàng.
Theo chia sẻ của ban lãnh đạo TPBank, ngân hàng luôn phải duy trì lượng vốn dự trữ nhiều hơn, nhưng đổi lại đảm bảo thanh khoản, có đủ đệm vốn dự trữ chống chịu với các biến động bất thường của thị trường, đặc biệt trong thời gian qua. TPBank đã chọn tiên phong áp dụng các chuẩn mực cao về quản trị rủi ro để hướng tới phát triển ngày càng bền vững hơn sau các năm.
Các tiêu chuẩn quản trị rủi ro quốc tế chặt chẽ cũng được áp dụng trong nhiều nghiệp vụ và hoạt động kinh doanh khách nhau, với các trái phiếu do TPBank phát hành, đây là khoản huy động tương tự như các hoạt động nhận tiền gửi của tổ chức,cá nhân và tiền gửi tiết kiệm từ dân cư… Bởi vậy không chỉ chịu sự kiểm soát chặt chẽ của NHNN mà việc đã áp dụng Basel III trong quản trị rủi ro càng đảm bảo cho TPBank nâng cao năng lực và chất lượng vốn, thanh khoản.
Việc mua bán, chuyển nhượng, mua lại trước hạn trái phiếu do TPBank phát hành cũng được TPBank thực hiện theo thỏa thuận tại cáo bạch phát hành trái phiếu ngay trước khi phát hành, theo đó “nhà đầu tư có thể bán lại trước hạn” hoặc “TBank có thể mua lại trước hạn” đều đã được công bố rõ ràng từ đầu. Tùy theo nhu cầu sử dụng vốn, lãi suất thị trường tại thời điểm được phép bán lại,mua lại mà nhà đầu tư hoặc TPBank có thể xem xét việc tiếp tục duy trì hay mua,bán lại trước hạn. Việc này hoàn toàn phù hợp với quy định của pháp luật và thông lệ thị trường.
Với các khoản Trái phiếu doanh nghiệp do TPBank nắm giữ, đây tương tự là các khoản vay nợ mà TPBank cấp cho các doanh nghiệp, đều đang được quản lý hiệu quả, an toàn, không phát sinh chậm trả hay nợ xấu. Tỷ lệ nắm giữ TPDN hay phát hành trái phiếu không mang nhiều ý nghĩa trong việc đánh giá “sức khỏe” hay sự vững mạnh của một ngân hàng như TPBank.
Báo cáo kết quả kinh doanh 9 tháng đầu năm 2022 của TPBank cũng cho thấy, các chỉ số về an toàn vốn và thanh khoản đang được quản lý rất chặt chẽ. Tỷ lệ an toàn vốn theo Basel III (CAR) tại thời điểm 30/6/2022 đạt 12,25% và tỷ lệ cho vay trên tiền gửi của khách hàng (LDR) tính đến hết tháng 9 đạt 60,91%.
Ngoài ra, việc sớm tuân thủ Based III còn giúp TPBank được Moody’s đánh giá xếp hạng tín nhiệm cao 2 lần trong chưa đầy một tháng. Trong bảng so sánh đánh giá khả năng đáp ứng rủi ro thanh khoản của 17 ngân hàng niêm yết dựa theo 6 tiêu chí của VnDirect, bên cạnh Vietcombank, Techcombank, HDBank, MSB…, TPBank nổi lên khi dẫn đầu tới 3/6 tiêu chí. Đó cũng là lý do dễ hiểu khi TPBank đồng thời được VNR xếp hạng là một trong 50 công ty đại chúng uy tín và hiệu quả, Tạp chí Forbes xếp hạng 50 công ty niêm yết tốt nhất trên thị trường.
Thực tế, với khả năng đáp ứng nghĩa vụ thanh khoản tốt và thanh khoản dồi dào như hiện tại trong hệ thống ngân hàng, việc đầu tư trái phiếu doanh nghiệp không đáng lo ngại. Thậm chí, đây là một kênh đầu tư sinh lời trong dài hạn đáng lưu tâm, trái phiếu doanh nghiệp là kênh dẫn vốn quan trọng cho nền kinh tế, giảm áp lực cung ứng vốn cho tín dụng ngân hàng. Các cơ quan quản lý cũng đang thực hiện siết chặt nhằm phát triển thị trường minh bạch, lành mạnh, an toàn và bền vững.
Chuyên gia Cấn Văn Lực từng nhận định, thị trường trái phiếu doanh nghiệp được dự báo sẽ phát triển nhờ một số yếu tố hỗ trợ như kinh tế Việt Nam trên đà hồi phục, môi trường lãi suất về cơ bản tăng không nhiều.
Nợ tiềm ẩn, không xấu, ngược lại lại tốt cho ngân hàng
Đến mùa công bố báo cáo tài chính, nhìn vào kết quả kinh doanh 9 tháng đầu năm 2022 của nhiều ngân hàng, dù báo con số lợi nhuận rất cao, nợ xấu ở mức rất thấp tuy nhiên nhiều ngân hàng tại Việt Nam hay bị hiểu lầm về con số hàng chục tới hàng trăm nghìn tỷ “nợ tiềm ẩn/tiềm tàng” như thể nợ bị mất vốn/nợ xấu, điều này là hoàn toàn không chính xác.
Nghĩa vụ nợ tiềm ẩn của các ngân hàng lớn trên thế giới thường ở mức khoảng 20% so với tổng tài sản, và ở Việt Nam, các ngân hàng tốt và có hoạt động dịch vụ phát triển thì tỷ lệ này trên 10% như tại VCB 10.45%., BIDV 16%, TCB 17.2%, TPB 10.56%... Thực tế, chỉ số này càng cao, lại càng mang lại hiệu quả cho ngân hàng.
Nhưng khi thông tin “nợ tiềm ẩn của ngân hàng hàng chục nghìn tỷ đồng” xuất hiện trên truyền thông, các ngân hàng đều có mong muốn sử dụng một cụm từ khác để tránh sự hiểu lầm. Tuy nhiên câu trả lời ở đây là không thể, vì quy định chuẩn mực kế toán là vậy, không thể vì tránh sự hiểu lầm mà gọi khác đi.
Theo hệ thống chuẩn mực kế toán Việt Nam, “nợ tiềm ẩn/tiềm tàng - contingent liability” được định nghĩa là nghĩa vụ nợ có khả năng phát sinh từ các sự kiện đã xảy ra, và sự tồn tại của nghĩa vụ nợ này sẽ chỉ được xác nhận bởi khả năng hay xảy ra hoặc không hay xảy ra của một hoặc nhiều sự kiện không chắc chắn trong tương lai. Một cách dễ hiểu, đây là các khoản bảo lãnh, các khoản mở LC có hệ số rủi ro thấp hơn nhiều so với các khoản mà Ngân hàng cho vay nợ, các nghĩa vụ nợ này đều được xem xét phê duyệt đầy đủ theo tiêu chuẩn của các khoản vay, đó cũng là lý dó các ngân hàng đều phát triển các khoản danh mục này cũng bởi rủi ro thấp mà lợi nhuận tốt.
Cũng theo đó, các ngân hàng chỉ phải có trách nhiệm trình bày các nghĩa vụ “nợ tiềm ẩn/tiềm tàng” và các cam kết sau: nội dung và giá trị của các cam kết cho vay không thể huỷ ngang; nội dung và giá trị của các nghĩa vụ “nợ tiềm ẩn” và các cam kết được trình bày ngoài bảng cân đối kế toán bao gồm các khoản liên quan đến cấp tín dụng gián tiếp (khoản bảo lãnh nợ, bảo lãnh thanh toán và thư tín dụng dự phòng có vai trò như là các khoản bảo lãnh tài chính cho các khoản vay và chứng khoán); các nghĩa vụ “nợ tiềm ẩn/tiềm tàng” liên quan đến các nghiệp vụ kinh tế, như bảo lãnh thực hiện hợp đồng, bảo lãnh dự thầu, các khoản đảm bảo khác và thư tín dụng dự phòng liên quan đến các nghiệp vụ đặc biệt...
Ở góc nhìn chuyên môn, giới kiểm toán cũng có những quan điểm rõ ràng về nợ tiềm ẩn, bà Nguyễn Thùy Dương, Phó Tổng giám đốc dịch vụ tài chính ngân hàng của kiểm toán EY trong một phát biểu gần đây, đã làm rõ: “Không ai coi ‘nợ tiềm ẩn/tiềm tàng’ như khoản nợ mất vốn, nợ nghi ngờ mất vốn và đặc biệt là gán cho chúng hàm ý xấu”.
Bà phân tích thêm, nghĩa vụ “nợ tiềm ẩn/tiềm tàng” được phát sinh khi ngân hàng và khách hàng ký các cam kết tín dụng, hạn mức thấu chi chưa sử dụng hoặc thư tín dụng...Với những cam kết này, đối tác chỉ phải trả một khoản phí cho ngân hàng nhưng cũng có ngân hàng yêu cầu đối tác phải ký quỹ một khoản tiền rất lớn, thậm chí bằng 100% so với khoản cam kết đã đưa ra.
Tất nhiên, mức phí và mức kỹ quý (nếu có) ở mức độ nào còn phụ thuộc vào mức độ rủi ro của đối tác mà ngân hàng đánh giá như thế nào. “Đấy là điều bình thường vì ngân hàng luôn muốn nắm đằng chuôi, đề phòng đối tác gặp rủi ro thì còn có một khoản là ký quỹ và/hoặc phí để bù đắp tổn thất khi bị vạ lây”, bà Thùy Dương giải thích.
Cũng theo bà Thùy Dương, vì lý do chỉ là cam kết cấp tín dụng chứ không phải là khoản cho vay nên chúng không được ghi nhận ở nội bảng mà chỉ có thể đưa ra ngoại bảng. Lúc đó, chúng được ghi nhận bằng thuật ngữ kế toán là “nợ tiềm ẩn/tiềm tàng”. Cũng vì thế, chuẩn mực kế toán chỉ yêu cầu ngân hàng thuyết minh và trình bày khoản nợ ngoại bảng, không phải làm gì thêm; trừ phi rủi ro phát sinh và ngân hàng phải trích lập dự phòng, bà Thùy Dương nói./.
Nguồn: https://dothi.reatimes.vn/toancanh/ket-qua-kinh-doanh-tpbank-quy-3-2022-20201231000008992.html