Lẽ ra, tôi không muốn nói tới chuyện Hồ Ngọc Hà ở thời điểm scandal nóng của cô. Nhưng vì tôi là một con nghiện facebook và báo mạng, nên ngày lại ngày, tôi bị nhồi vào đầu với hàng trăm cái tít, với hàng nghìn câu chuyện xung quanh nữ ca sĩ sáng giá của showbiz Việt.
Đến nỗi, dù không muốn để ý, nhưng vì cái bản tính tò mò cố hữu của con người, tôi không thể không click. Và từ chỗ không muốn nghe, không muốn thấy, không muốn nghĩ, tôi lại cảm thấy mình phải góp một tiếng nói.
Tôi cũng không thích vì cô Hà mà phải vứt đi đống dầu gội, bột giặt và hầm bà rằng các thứ có liên quan tới cô ấy. Tôi chưa bao giờ chọn sản phẩm vì cô Hà nên cũng không có lí do gì khước từ sản phẩm vì cô ta.
Tôi dùng bột giặt cô quảng cáo vì thấy áo quần sạch hơn. Tôi dùng nước rửa tay diệt khuẩn do cô làm đại diện vì nó làm tay con tôi thơm tho hơn. Bây giờ bỏ những thứ quen thuộc đi, tôi sẽ mất nhiều thời gian để thử nghiệm những sản phẩm mới. Thật chẳng đáng vì cô Hà mà làm thế.
Tôi cũng rất sợ gia nhập mấy hội tẩy chay cô Hà. Vì tôi thấy họ mất quá nhiều thời gian cho việc nói xấu cô ấy. Đã là nói xấu thì không thể biết đúng hay sai. Dựng chuyện nhiều khi cũng là có thể. Đúng hay sai tôi chẳng quan tâm. Tôi chỉ quan tâm làm sao nhiều mẹ dư dả thời gian vậy. Giá thời gian đó bỏ máy tính, bỏ smartphone xuống chơi với con. Hoặc là ra spa làm đẹp cho cái mặt, hoặc là ngồi makeup một chút để tan sở hẹn hò với chồng, có phải sẽ tốt cho mình hơn không?
Tôi cũng sợ lắm khi gõ bàn phím hay dùng miệng gọi cô Hà bằng những cái tên tục tĩu. Nhiều người sẽ đánh giá tôi là con người thiếu văn hóa. Bố mẹ chồng tôi, chẳng may nghe được, hay đồng nghiệp tôi chẳng may liếc thấy... Trời ơi, người ta sẽ nghĩ gì? Rằng tôi là một đứa con gái độc miệng? Vì cô Hà ư, chẳng đáng.
Nhìn từ góc độ thực tế thôi, tôi thấy cô Hà chẳng đáng để tôi chửi. Vì chửi cô khiến tôi mất nhiều thứ, chứ chẳng được gì. Hơn nữa, tôi có nghe nói rằng khẩu nghiệp không chỉ ảnh hưởng tới chúng ta ở đời này mà còn nhiều đời sau nữa. Mà trong các giới thì giới nữ càng dễ bị khẩu nghiệp nhất. Thôi thì tránh được chút nào, là giữ phúc được chút ấy.
Cũng từ cái vòng xoáy thông tin nhiều chiều về cô Hà, qua một người bạn rất sành sỏi trong giới phóng viên, tôi được biết giá tiền cho những page đang tẩy chay Hồ Ngọc Hà. Hóa ra là vậy. Tất cả tính toán bằng tiền.
Tôi ngẫm nghĩ thì thấy, có vẻ đúng. Bởi vì thời đại này là thời đại của truyền thông, không cần biết tốt hay dở, chỉ cần nhiều người quan tâm, sẽ là mảnh đất có lợi nhuận. Tự nhiên tôi nghĩ đến cảnh một người đàn bà đang ngồi rung chân, tay lật qua lật lại ngắm cái nhẫn kim cương, bộ móng đỏ, cười khẩy khi các mẹ hối hả chửi cô Hà.
Trong đầu chị ta đang ước chừng sẽ làm giá ra sao với ông chủ một nhãn hàng đối thủ mà cô Hà làm đại diện. Chị ta sẽ giơ máy tính ra cho ông chủ: Này, anh xem nhé, lại thêm 1000 mẹ bỉm sữa nha, chửi ghê hơn rồi nhá....
Các bà mẹ bỉm sữa cứ gõ bàn phím, để mặc bản báo cáo sếp đang gằn giọng nhắc, để mặc đứa con thơ thẩn với ipad, iphone, còn chị ta thì liếc đôi mắt sắc như dao cau thăm dò thái độ của ông chủ. Và khi các bà mẹ bỉm sữa nghe sếp mắng xối xả, thì là lúc chị ta cười mãn nguyện với vài nghìn hay thậm chí vài chục nghìn đô la dắt túi.
Có khi nào chúng ta chỉ như con rối bị giật dây?
Màn tưởng tượng ấy vừa khép lại, trong đầu tôi thoắt cái lại hiện lên hình ảnh một cô gái đang xa xả mắng một người phụ nữ khác. "Đưa chị bao tiền mà chị làm ăn vậy à? Sao nhãn hàng chưa thay đại diện? Phải chửi nhiều, nhiều nữa. Chị phải kích lên. Nghe đây, chị kể chuyện này ra cho tôi:...."
Nói rồi cô ta quay bộ hạ bỏ đi, ném lại sau lưng một câu nói đầy khinh miệt: "Có đám đàn bà bỉm sữa mà chị xử lý mãi chưa xong".
Tự nhiên, tôi thấy nóng mặt.
Chuyện của cô Hà, cô ta tự đi mà giải quyết.