Thật ra, từ khởi động lại mạnh mẽ có lẽ là từ đúng để chỉ một kiểu trạng thái của du lịch khi chuyển từ đóng cửa sang mở cửa tưng bừng. Còn trên thực tế, sự khởi động trở lại của du lịch cũng mới chỉ như một chiếc xe máy khi mới mua người ta phải chạy roda (chạy rà) để xe thích nghi được với sự vận động.
Ở góc độ của cơ quan quản lý nhà nước, Bộ VH-TT&DL đã công bố cuộc vận động “Người Việt Nam đi du lịch Việt Nam”. Chương trình này đã đem đến cho người Việt Nam một cơ hội du lịch có thể nói là quy mô chưa từng có ở chế độ ưu đãi với mức giá giảm rất sâu. Các chương trình kích cầu du lịch nội địa có thể cảm nhận rõ nhất ở các thị trường du lịch nổi tiếng. Tại Sa Pa (Lào Cai), một trong những địa chỉ du lịch nổi tiếng ở miền Bắc, rất nhiều chương trình khảo sát dành cho cả truyền thông lẫn đơn vị lữ hành du lịch đã được triển khai.
Rất nhiều cơ sở kinh doanh du lịch chắc chắn dù được trao cho nhiều cơ hội phát triển nhưng vẫn chưa thể hoạt động trơn tru về nguồn thu, khi lượng khách quốc tế vẫn chưa có mặt. Sự chuyển hướng mới mẻ này với họ sẽ còn cần thời gian để cạnh tranh với các đối thủ đã có thâm niên. Nhưng kể cả đối với các doanh nghiệp lữ hành vốn có thế mạnh phục vụ khách trong nước cũng miêu tả kết quả hoạt động của mình dịp này bằng câu nói: “Chỉ cần hòa đã là phát”.
Đôi khi chính tình huống thị trường tưởng như là thử thách lại tạo ra cơ hội để bứt phá. Du lịch Việt Nam vẫn đang dựa vào tình huống thị trường đó để mong mỏi tạo ra bứt phá cho du lịch nội địa. Dĩ nhiên, đó là điều rất đỗi cần thiết, nhưng đổi lại khi đòi hỏi sự thay đổi xu hướng du lịch của khách hàng thì bản thân những người làm du lịch cũng cần thay đổi quan điểm về phục vụ du khách. Hãy thực sự coi khách du lịch Việt Nam tại thị trường Việt Nam là những khách hàng tiềm năng và lâu năm thay vì một giải pháp thay thế để chờ trạng thái mới của du lịch: Trạng thái lại được đón khách quốc tế đến với Việt Nam.