PV: Ngày 14/2, Bộ Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) đã có hướng dẫn về “chế độ sử dụng đất và việc chứng nhận quyền sở hữu công trình xây dựng không phải nhà ở” cho condotel sau gần 5 năm kể từ thời điểm loại hình này ra đời. Ông nhận định như thế nào về thông tin này?

Luật sư Lê Văn Hồi: Trong những ngày đầu năm mới, việc Bộ Tài nguyên & Môi trường ban hành văn bản số 703/BTNMT-TCQLĐĐ gửi Sở Tài nguyên và Môi trường các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương hướng dẫn về “chế độ sử dụng đất và việc chứng nhận quyền sở hữu công trình xây dựng không phải nhà ở” là một động thái rất vui mừng, nhất là ngay sau cú sốc Cocobay vỡ tcam kết lợi nhuận vào cuối năm 2019, đẩy thêm sự ảm đạm, ngán ngẩm cho thị trường condotel vốn đang phải đối diện với hàng loạt khó khăn.

Điều này thể hiện sự nỗ lực của cơ quan quản lý trong việc giải quyết vấn đề pháp lý đã và đang tồn đọng trong một thời gian khá dài và đã tác động tiêu cực đến thị trường bất động sản nghỉ dưỡng Việt Nam.

Văn bản hướng dẫn mới được Bộ TN&MT đưa ra vẫn còn phụ thuộc khá nhiều vào Luật Du lịch và văn bản hướng dẫn trước đó của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch chứ không phải ban hành một khung pháp lý về condotel đồng bộ và hoàn chỉnh. Tôi cho rằng, đây mới chỉ là bước khởi đầu và chưa hẳn đã có thể ngay lập tức khiến cho thị trường condotel phát triển bùng nổ như ban đầu.

Luật sư Lê Văn Hồi, Giám đốc Công ty Luật My Way.

PV: Thị trường bất động sản đặc biệt là phân khúc bất động sản du lịch liệu có hửng sáng sau thông tin condotel được cấp “giấy khai sinh”?

Luật sư Lê Văn Hồi: Thời gian qua, phân khúc bất động sản du lịch và thị trường bất động sản trải qua nhiều biến động và có nhiều thời khắc khó khăn xảy ra đối với các nhà đầu tư. Khung pháp lý lúng túng, chủ đầu tư và nhà đầu tư hoang mang. Dư âm từ biến động trên thị trường bất động sản 2019 vẫn còn đó.

Tôi nghĩ việc condotel được cấp "giấy khai sinh" sẽ là một tín hiệu lạc quan trong những ngày đầu của năm 2020, giúp cho thị trường bất động sản nghỉ dưỡng có thêm những màu sắc tươi sáng, số lượng giao dịch sẽ tăng dần lên. Tuy nhiên, tại thời điểm này, tôi nghĩ thị trường bất động sản nói chung và phân khúc bất động sản du lịch nói riêng không có sự đột phá trong thời gian ngắn mà sẽ phát triển bền vững trong tương lai.

PV: Theo thống kê của Hội Môi giới Bất động sản, từ quý III/2018, lượng giao dịch liên quan đến condotel giảm đáng kể. Một phần xuất phát từ tâm lý e dè của nhà đầu tư khi loại hình này vẫn chưa được “điểm mặt đặt tên”. Thưa ông, với văn bản mới từ Bộ TN&MT, tâm lý của các nhà đầu tư sẽ thay đổi ra sao?

Luật sư Lê Văn Hồi: Tâm lý nhà đầu tư sẽ có sự khởi sắc mới khi có thông tin về việc condotel sẽ được cấp sổ đỏ. Đây chính là câu trả lời mà các nhà đầu tư trong thời gian qua đã phải mòn mỏi đợi chờ.

Đương nhiên, họ sẽ rất vui mừng khi Bộ TN&MT phát hành văn bản số 703/BTNMT-TCQLĐĐ. Tuy nhiên, việc xuống tay rót tiền vào bất động sản nghỉ dưỡng lại là một câu chuyện khác. Tôi cho rằng hàng nghìn nhà đầu tư vẫn còn rất hoang mang, lo lắng cho nên sẽ e dè trong việc đầu tư, nhất là trong mối cảnh dịch bệnh COVID-19 đang bùng phát làm cho bối cảnh nền kinh tế nói chung rất ảm đạm, đặc biệt lĩnh vực du lịch vốn bị ảnh hưởng lớn do ảnh hưởng của dịch bệnh.

Đối với những khách hàng trước đây chịu ảnh hưởng từ việc siêu dự án Cocobay vỡ trận, thông tin bất động sản nghĩ dưỡng ''được cấp sổ đỏ'' sẽ không đủ để lấy lại sự tin tưởng của họ đối với thị trường.

(Ảnh minh họa)

PV: Ông dự báo thế nào về khả năng hút dòng tiền của loại hình condotel trong tương lai cũng như phân khúc bất động sản nghỉ dưỡng?

Luật sư Lê Văn Hồi: Trong tương lai, tôi cho rằng loại hình Condotel sẽ là một sản phẩm bất động sản nghỉ dưỡng hút dòng tiền. Nhưng khả năng tăng trưởng không nóng như trước đây. Thị trường chững lại một thời gian và sẽ phát triển bền vững, không có các đột phá mạnh mẽ như chúng ta đã từng chứng kiến vào thời điểm 3 - 4 năm trước đây.

PV: Theo ông, quy định về loại hình condotel đã “đủ” cho loại hình này phát triển như tiềm năng vốn có của nó?

Luật sư Lê Văn Hồi: Thực chất, Bộ TN&MT ban hành văn bản số 703/BTNMT-TCQLĐĐ vẫn còn phụ thuộc khá nhiều vào Luật Du lịch và văn bản hướng dẫn trước đó của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, văn bản này “không có tính mới” và không phải không phải động thái xây dựng hành lang pháp lý đồng bộ cho condotel mà chỉ đưa ra một giải pháp để giải quyết một trong các vấn đề nhức nhối nhất ở thời điểm hiện tại.

Ngoài ra vẫn cần có các văn bản pháp luật để điều chỉnh các vấn đề như: chưa ban hành các tiêu chuẩn, quy chuẩn đặc thù cho condotel; quy định không rõ ràng trong vấn đề quyền sử dụng đất, quyền sở hữu bất động sản du lịch của người nước ngoài…

Các quy định pháp luật hiện hành cho loại hình condotel là chưa đủ để định hình khung pháp lý sao cho xứng đáng với tiềm năng của condotel. Thiết nghĩ trong tương lai các cơ quan quản lý cần có phương án xây dựng pháp luật sao cho pháp lý condotel đồng bộ và theo kịp sự phát triển của thị trường các nhà đầu tư an tâm rót tiền.

- Cảm ơn chia sẻ của ông!

Theo Hải Nam (thực hiện)/Reatimes