Thiết kế đô thị ở Việt Nam phát triển rất chậm chạp, sự lộn xộn trong kiến trúc đô thị khá phổ biến, các khu đô thị xây dựng mới thiếu bản sắc, các quảng trường xây dựng hình thức, thiếu các không gian công cộng, các không gian mở. Các đặt hàng cho đồ án thiết kế đô thị khá ít và cũng được triển khai rất ít. Những dự án có nội dung thiết kế đô thị như chỉnh trang 2 bên trục đường mặc dù đã làm nhiều nhưng không có hiệu quả. Công tác quản lý kiến trúc đô thị thực sự đang là một thách thức.

Nhìn về Hà Nội, đã lâu rồi những nét đẹp dường như đã được giới hạn và chỉ còn bản sắc trong một phạm vi nhỏ, gói gọn trong những khu phố cổ, phố Pháp, Hồ Tây. Trong khi đó, các làng xã ven đô đang dần không giữ được bản sắc truyền thống với mái đình, ao làng mà đô thị hóa biến đổi quá nhanh. Điều dễ nhận thấy tại các làng nội đô hiện nay là những con đường ngõ hẹp, xe cộ đông đúc chật chội, nhà cửa xây dựng lộn xộn, như bị chèn ép trong cuộc sống đương đại.

Tại các khu vực mới của Hà Nội đã có nhiều tòa cao ốc đẹp, những khu ở sang trọng, những tượng đài hoành tráng nhưng cũng ở đó còn thiếu những đường phố đẹp, thiếu những không gian công cộng có cả giá trị sử dụng và giá trị thẩm mỹ, giá trị xã hội cao, tạo nên tính nơi chốn cho một đô thị.

Thực tế hiện nay, người dân rất cần các không gian công cộng, nơi để tập thể dục buổi sáng, ngồi đánh cờ hay chuyện trò mà không phải ngồi vào hàng quán, không phải tận dụng vỉa hè; các phường, xóm không phải ngăn một đoạn phố lại để làm sân khấu sinh hoạt văn nghệ mỗi khi có ngày lễ, ngày hội.

nhiều đô thị lớn ở Việt Nam hiện nay, trong đó có Hà Nội, diện tích đất dành cho không gian công cộng đang thiếu cả về lượng và chất.

Hà Nội đang thiếu các không gian công cộng cả về lượng và chất.

Thành phố Hà Nội còn thiếu những quảng trường văn hóa, nơi cần phải thực sự là “phòng khách của đô thị”. Đây không chỉ là sân để mít tinh mang tính chính trị, mà còn phải là nơi sinh hoạt của cộng đồng dân cư, nơi tổ chức các hoạt động văn hóa kết hợp thương mại như quảng bá sản phẩm, kết nối tuyến phố đi bộ. Đa dạng chức năng, tận dụng cho mọi thời gian trong ngày, đó cũng là mục tiêu mà các không gian công cộng như quảng trường văn hóa, thương mại cần hướng tới.

Tính văn hóa của các không gian công cộng ở Hà Nội hiện nay cũng có nhiều điều cần suy nghĩ. Thành phố ngàn năm tuổi, có bao dấu ấn lịch sử của vùng đất linh thiêng đáng được giữ gìn, khơi gợi lại. Một cổng làng cổ, một lũy tre xanh, hoa đào Nhật Tân, bến Trúc Nghi Tàm, rừng Bàng Yên Thái, rừng Mơ Hoàng Mai, dấu tích các cửa ô, dấu tích các cuộc chiến tranh. Rồi còn nhiều làng cổ, làng nghề..., trải dài lên tất cả là những không gian cảnh quan văn hóa đặc thù Hồng Hà, Hồ Tây, Hồ Gươm… cho đến Sóc Sơn, Ba Vì, Hương Tích…

Không cần gì to tát, hoàng tráng, nhưng đối xử như thế nào với những đặc thù đô thị là trách nhiệm của nhiều thế hệ. Mỗi giải pháp quy hoạch, từng bản thiết kế công trình, những hạng mục kỹ thuật đô thị… đều không được làm lu mờ, hay biến dạng những không gian đặc thù đó. Đôi khi chỉ cần là những bức tượng nhỏ bên hè phố hay đầu khu đô thị, một giếng cổ, cây đa được giữ lại.

Văn hóa Hà Nội rất đáng tự hào vậy mà nhiều khu đô thị phải vay mượn những hình ảnh của văn hóa phương Tây xa lạ đặt vào. Hay tại làng xã, các không gian như sân đình, đài liệt sỹ cũng cần giữ gìn như một không gian công cộng, sao cho nó được người dân sử dụng hàng ngày chứ không chỉ là một không gian tưởng niệm. Hà Nội cũng cần phải mở các không gian cộng cộng đã có, khắc phục việc không gian công cộng đã hiếm hoi nhưng lại bị quây kín.

Hà Nội còn có một lợi thế là vùng đất đô thị với rất nhiều ao hồ và sông. Các hồ đã tạo nên nhiều không gian có giá trị, hiện đã và đang được cải tạo, chỉnh trang. Đây cũng chính là yếu tố cảnh quan quan trọng góp phần tạo nên bản sắc đô thị Hà Nội rất cần được gìn giữ, cần có các dải cây xanh, có không gian công cộng kề bên.

PGS.TS Phạm Hùng Cường, Đại học xây dựng Hà Nội

 

Theo Reatimes.vn