Trạng thái bình thường mới, như lời Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, đó là mỗi người dân, mỗi DN cần đưa cuộc sống và các hoạt động kinh tế - xã hội dần trở lại bình thường.

Với trạng thái bình thường mới, việc đẩy mạnh phục hồi kinh tế, xây dựng đất nước là nhiệm vụ ưu tiên quan trọng, cần tập trung ở mọi cấp, mọi ngành song cũng không được chủ quan, coi thường dịch bệnh Covid-19. Thực hiện hiệu quả nhiệm vụ “kép” - vừa phòng chống dịch Covid-19, vừa phát triển kinh tế - xã hội cũng là vấn đề đang được TP Hà Nội đặc biệt quan tâm hiện nay.

 Ảnh mang tính chất minh họa. Nguồn: Internet.

Còn nhớ, ngay khi dịch bệnh Covid-19 lan rộng, đã có dự đoán thế giới sẽ thay đổi nhiều sau khi đại dịch qua đi, mà một trong những thay đổi đó là lối sống. Trong những ngày phòng chống dịch, nhiều thói quen hành vi mới hình thành, được mọi người tự giác thực hiện: Đeo khẩu trang khi đến nơi công cộng, rửa tay thường xuyên, không tụ tập đông người, giữ vệ sinh nơi ở, làm việc, vứt rác đúng nơi quy định, không khạc nhổ bừa bãi…

Một trong những khẩu hiệu của những ngày giãn cách xã hội là “Không ra khỏi nhà khi không thật cần thiết!”. Thực hiện tốt khẩu hiệu nói trên là yêu nước, chung tay phòng chống dịch bệnh. Tất nhiên, khi không ra khỏi nhà nếu không thật cần thiết cũng có nghĩa là tăng cường gặp gỡ, trao đổi công việc, tình cảm… qua internet, điện thoại.

Thực tế thời gian qua cho thấy, hình thức làm việc trực tuyến đã tỏ ra rất có tác dụng, hiệu quả. Rất nhiều cuộc họp, hội nghị quan trọng trong nước và quốc tế do Việt Nam chủ trì được tổ chức theo hình thức này, mà gần đây nhất là Hội nghị “Thủ tướng Chính phủ gặp doanh nghiệp: Cùng nỗ lực, vượt thách thức, đón thời cơ, phục hồi nền kinh tế” theo hình thức trực tiếp và trực tuyến ngày 9/5 hay các cuộc họp thượng đỉnh của Hiệp hội các nước Đông Nam Á (ASEAN), ASEAN + 3 bàn về dịch bệnh Covid-19 …

Cũng với phương châm hành động trên, thời gian giãn cách xã hội nhiều cơ quan, đơn vị, tổ chức… đã thực hiện chế độ làm việc, giao dịch trực tuyến mà hiệu quả công việc vẫn rất cao. Đó là chưa kể các dịch vụ mua hàng, khám bệnh online… đang phát triển, chứng tỏ tính ưu việt không chỉ với việc phòng chống dịch bệnh.

Cũng có một thực tế là qua thời gian giãn cách xã hội nhiều người trong chúng ta mới ngộ ra một điều, đó là rất nhiều việc không cần phải trực tiếp gặp nhau mà vẫn có thể giải quyết một cách hiệu quả. Thậm chí, có những việc trước đây vẫn phải gặp trực tiếp nay chỉ cần trao đổi qua điện thoại là có thể giải quyết được.

Tinh thần chống dịch đã giúp mọi người gỡ bỏ tâm lý quan phương, rào cản lễ nghi thường thấy để cùng nhau giải quyết việc chung, dần hình thành một cách nghĩ, cách làm mới: Làm việc trực tuyến, và chỉ gặp gỡ, hội họp trực tiếp khi thật cần thiết! Và việc thực hiện khẩu hiệu “Không ra khỏi nhà khi không thật cần thiết!” không ảnh hưởng quá nhiều đến đời sống xã hội, xét về phương diện công việc cùng những nhu cầu thiết yếu.

Ở một góc độ khác cũng cho thấy lợi ích của cách sống và làm việc theo phương châm không có việc gì thật cần thiết thì không ra khỏi nhà. Đó là tiết kiệm thời gian đi lại, công sức, tiền bạc. Về mặt cộng đồng, điều đó giúp cho lượng người và phương tiện di chuyển trên đường giảm đáng kể, giảm thiểu tai nạn, ùn tắc giao thông và ô nhiễm môi trường, đặc biệt là với Hà Nội, TP Hồ Chí Minh và một số TP lớn khác. Rõ ràng, bên cạnh tác dụng như một biện pháp phòng chống dịch bệnh hữu hiệu, phương châm đó còn mang đến nhiều lợi ích khác không thể không thừa nhận.

Nghĩ cho kỹ, đây cũng là điều mà chúng ta vẫn cần thực hiện trong thời điểm hiện nay, khi cả nước bước sang trạng thái bình thường mới, thậm chí cần duy trì trong tương lai khi mà dịch bệnh đã qua đi, như là một nét đẹp của đời sống xã hội. Trong giai đoạn thực hiện trạng thái bình thường mới, có rất nhiều thói quen mới được hình thành trong thời gian phòng chống dịch bệnh Covid-19 cần được duy trì, mà trong đó, phương châm “Không ra khỏi nhà khi không thật cần thiết!”, là điều rất nên làm.

Theo Kinh tế & Đô thị