Covid-19 là đại dịch gây nỗi hoang mang, lo sợ trên toàn cầu nên việc tự trang bị cho mình khẩu trang đi ra đường, tránh tiếp xúc ở nơi đông người, rửa tay sát khuẩn thường xuyên và nhu cầu mua sắm các mặt hàng tiêu dùng (ăn gì, uống gì) để tăng sức đề kháng chống lại dịch bệnh cũng rất được chú trọng, dần dần trở thành thói quen của người tiêu dùng. Chính vì thế, hàng loạt các mặt hàng, sản phẩm, dịch vụ tiêu dùng vẫn duy trì được "phong độ" cả trong và sau dịch.

Theo khảo sát của PV,  người tiêu dùng Việt Nam tại khu vực thành thị của các thành phố lớn có xu hướng ưa chuộng 3 nhóm hàng hóa: nhóm hàng thực phẩm - nhóm hàng nhu yếu phẩm - nhóm hàng các sản phẩm vệ sinh cá nhân, gia đình nhằm giữ gìn vệ sinh và diệt khuẩn. Điều này có thể lý giải do tâm lý lo lắng hoang mang của người tiêu dùng trước những diễn biến phức tạp của dịch bệnh.

1. Thực phẩm 

Một trong những mặt hàng mà không thể thiếu trong các siêu thị, cửa hàng tiện lợi chính là hàng thực phẩm. Đây là loại hàng có thể bán lẻ và có giá trị nhỏ. 

Thực phẩm ở đây gồm: Thực phẩm khô như mì tôm, phở, miến, bánh đa, nguyên liệu khô (nấm, mộc nhĩ…), cá khô, mực khô, thịt bò khô nguyên liệu khô (mộc nhĩ, hành, tỏi,…); thực phẩm đóng hộp như pate, xúc xích, thịt xay,…; các loại đồ uống như bia, rượu, nước ngọt, sữa nước hay sữa bột, các loại trà (túi lọc, trà hòa tan, trà khô,…); các loại đồ ăn nhanh như bim bim, bánh, kẹo…; các loại đồ ăn lạnh như sữa chua, kem…; gia vị như bột canh, bột nêm, mì chính, nước mắm, xì dầu…; lương thực như gạo, khoai mì, ngô…

Thực phẩm - nhóm hàng không thể thiếu tại các hệ thống siêu thị, siêu thị mini, cửa hàng tiện ích,...

Đây là nhóm hàng đắt khách và luôn duy trì được lượng tiêu thụ đáng kể cả trước và sau dịch. Trong số thực phẩm trên, đồ đông lạnh, đồ hộp, mì gói các loại được coi là các sản phẩm tiêu biểu đạt mức tăng trưởng ấn tượng trong mùa dịch.

Mặc dù không yêu cầu quá cao về phương thức bảo quản nhưng người tiêu dùng vẫn nên cẩn trọng, lưu tâm nhiều về hạn sử dụng của mỗi mặt hàng để bảo đảm sức khỏe.

Thực phẩm hay còn được gọi là thức ăn là bất kỳ vật phẩm nào, có thể ăn hay uống được, với mục đích cơ bản là thu nạp các chất dinh dưỡng nhằm nuôi dưỡng cơ thể hay vì sở thích. Các thực phẩm có nguồn gốc từ thực vật, thực phẩm có nguồn gốc động vật, vi sinh vật hay các sản phẩm chế biến từ phương pháp lên men như rượu, bia. 

2. Nhu yếu phẩm 

Nhu yếu phẩm là những vật dụng được sử dụng thường xuyên rộng rãi trong cuộc sống sinh hoạt hàng ngày. Thường những mặt hàng nhu yếu phẩm như: Chổi, cây lau nhà, bàn chải, bao rác, sọt rác, lau kính, giấy vệ sinh, sáp thơm, xịt muỗi, giấy cuộn, khăn hộp và còn nhiều nhu yếu phẩm khác…

Nhu yếu phẩm, hóa mỹ phẩm đạt mức tăng trưởng ấn tượng trong suốt thời gian qua.

Theo khảo sát của PV tại một số các siêu thị, cửa hàng tiện ích trên địa bàn Hà Nội, các mặt hàng nhu yếu phẩm như dầu ăn (51.000 đồng/chai/l), nước mắm (35.000 - 55.000 đồng/chai tùy loại), hạt nêm (28.000 đồng/gói)...; hóa mỹ phẩm (giấy vệ sinh, kem đánh răng, dầu gội, dầu tắm...) được tăng thêm số lượng để đảm bảo nhu cầu với mức giá giữ nguyên trong suốt thời gian qua.

Các mặt hàng nhu yếu phẩm duy trì bình ổn giá suốt thời gian qua

Song song với việc bình ổn giá, các siêu thị thuộc các chuỗi bán lẻ lớn, các cửa hàng tiện ích cũng triển khai thêm các chương trình khuyến mại hấp dẫn trong và sau dịch, rất nhiều mặt hàng có giá bán ưu đãi thậm chí thấp hơn ngày thường.

Chương trình khuyến mại vẫn được duy trì cả trong và sau dịch

"Thời gian đầu khi dịch bệnh mới bùng phát, gia đình tôi cũng có dự trữ từ thực phẩm đến nhu yếu phẩm nhưng sau khi Chính phủ, cơ quan chức năng khuyến cáo, người dân đã không còn tình trạng đó, hàng hóa luôn có đầy đủ, giá vẫn ổn định nên không cần tốn công dự trữ nữa" - chị L.K (Hoàng Mai, Hà Nội) chia sẻ.

3. Khẩu trang, nước rửa tay

Ngoài những mặt hàng trên thì khẩu trang, nước rửa tay nổi lên là một trong những sản phẩm "đắt khách" nhất trong suốt thời gian qua. Nhu cầu người tiêu dùng tìm đến khẩu trang, nước rửa tay tăng đột biến; thói quen bảo hộ khi ra đường dần "ngấm" và thành thói quen của mỗi người dân Việt Nam nên dù thời điểm hiện tại, dịch bệnh cơ bản được kiểm soát nhưng mặt hàng này vẫn chưa ngừng "hot", vẫn duy trì được lượng tiêu thụ đều tại các siêu thị, cửa hàng tiện ích. Điều này không khó để lý giải bởi nó xuất phát từ nhu cầu an toàn, bảo vệ bản thân. 

Tính đến thời điểm hiện tại, mức giá khẩu trang, nước rửa tay đã bình ổn hơn, duy trì ở mức 3.000 đồng/1 chiếc khẩu trang y tế và 7.000 - 10.000 đồng đối với khẩu trang vải, khẩu trang kháng khuẩn; nước rửa tay duy trì ở mức giá trung bình 35.000 - 55.000 đồng/1 chai.

Khẩu trang không còn là mặt hàng quá hiếm, đáp ứng được nhu cầu sử dụng lớn của người tiêu dùng

Theo ghi nhận của PV, từ các chuỗi bán lẻ lớn nhất Việt Nam trên địa bàn Hà Nội đến các hệ thống cửa hàng tiện ích, tiện lợi vẫn luôn duy trì các mặt hàng ở mức giá ổn định, thậm chí sản lượng các sản phẩm còn được tăng lên để dự trù, phục vụ thêm cho người dân trong mùa dịch.

Lượng hàng hóa dồi dào tại các siêu thị, siêu thị mini, cửa hàng tiện ích trong thời gian vừa qua.

Số liệu do Tổng cục Thống kê (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) vừa công bố đầu tháng 5/2020 cho thấy, trong tháng 4 vừa qua - giai đoạn đỉnh dịch của nước ta, nhóm hàng hóa tiêu dùng và dịch vụ ăn uống tăng 0,66%, nhóm thiết bị và đồ dùng gia đình tăng 0,06% do giá các thiết bị bảo hộ vệ sinh (các loại xà phòng và chất tẩy rửa) tăng 0,11%. CPI bình quân 4 tháng đầu năm 2020 tăng 4,9% so với bình quân cùng kỳ năm 2019; CPI tháng 4/2020 giảm 1,21% so với tháng 12/2019 và tăng 2,93% so với cùng kỳ năm trước. 

Lý giải cho điều này, Tổng Cục thống kê cho biết, giai đoạn vừa qua áp dụng giãn cách xã hội, người dân có xu hướng mua các sản phẩm tiêu dùng dự trữ nhiều hơn để hạn chế tối đa việc ra ngoài, tiếp xúc.

Ngoài ra, mặc dù giãn cách xã hội được nới lỏng, dịch bệnh cơ bản được kiểm soát nhưng các siêu thị, cửa hàng tiện lợi vẫn trang bị nước rửa tay sát khuẩn ở cửa ra vào để phòng dịch - điều này sẽ giúp người tiêu dùng phần nào yên tâm hơn khi mua sắm.

Theo Trúc An/Đô thị mới