Việc dùng túi ni-lon, hộp nhựa... là một trong những phát kiến quan trọng của nhân loại trong thế kỷ 20, làm thay đổi hàng loạt những thói quen của con người bởi sự tiện dụng của nó. Tuy nhiên, sự thay đổi tích cực đó, đến lúc này đang quay trở lại để tàn phá môi trường sống của con người.
Theo thống kê ban đầu, trung bình mỗi hộ gia đình Việt Nam thường sử dụng 5 - 7 túi ni-lon/một ngày, bao gồm cả túi to, túi nhỏ và những túi siêu nhỏ... Như vậy, hàng triệu túi ni-lon được sử dụng và sau đó thải ra môi trường hàng ngày. Các số liệu thống kê khác cho thấy tình trạng rác thải nhựa, ni-lon và sản phẩm nhựa sử dụng một lần đang là áp lực tác động đến môi trường ngày càng lớn.
Thời gian qua, đồng loạt các giải pháp đã triển khai để hạn chế rác thải nhựa, sản phẩm nhựa và túi ni-lon khó phân hủy. Quốc hội, Chính phủ và Bộ TN&MT đã ban hành và thực thi các chính sách, quy định liên quan trực tiếp đến vấn đề quản lý chất thải nhựa và túi ni-lon. Bộ TN&MT đã xây dựng trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án tăng cường kiểm soát ô nhiễm môi trường do sử dụng túi ni-lon khó phân hủy trong sinh hoạt đến năm 2020 (Quyết định số 582/QĐ-TTg). Đặc biệt đã tham mưu Chính phủ phê duyệt Điều chỉnh Chiến lược quốc gia về quản lý tổng hợp chất thải rắn đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2050 (Quyết định số 491/QĐ-TTg ngày 07/5/2018).
Trong đó, đề ra một số mục tiêu cụ thể như: đến năm 2025, sử dụng 100% túi ni-lon thân thiện với môi trường tại các Trung tâm thương mại, siêu thị phục vụ cho mục đích sinh hoạt thay thế cho túi ni-lon khó phân hủy; hạn chế và tiến tới chấm dứt việc nhập khẩu, sản xuất và cung cấp các loại túi ni-lon khó phân hủy kể từ năm 2026 tại các trung tâm thương mại, siêu thị phục vụ cho mục đích sinh hoạt…
Việc sử dụng ni-lon tái chế phải mất hàng trăm năm mới phân hủy hoàn toàn trong tự nhiên. Ảnh tư liệu |
Bộ TN&MT cũng đã phối hợp với Bộ Tài chính tham mưu Chính phủ trình Quốc hội thông qua Luật Thuế bảo vệ môi trường, trong đó quy định túi ni-lon không thân thiện với môi trường là một trong những đối tượng chịu thuế bảo vệ môi trường. Tới đây sẽ tiếp tục tham mưu bổ sung các bao bì nhựa vào đối tượng chịu thuế và nâng cao mức thuế suất để hạn chế việc sản xuất, tiêu dùng. Đồng thời, quy định túi ni-lon thân thiện với môi trường là đối tượng được miễn thuế bảo vệ môi trường.
Có thể nói công cụ để thay đổi thói quen bằng lợi ích thường thấy chính là thuế. Nếu tăng thuế đối với các sản phẩm bao gói, chứa đựng bằng ni-lon, nhựa, giá thành của túi ni-lon, hộp nhựa sẽ tăng, dẫn đến việc người dùng phải cân nhắc. Tuy nhiên, rủi ro vẫn có khi việc sử dụng túi, hộp ni-lon, nhựa đã trở thành một thói quen lâu dài, bền vững thì người ta vẫn sẵn sàng tiết giảm chi tiêu khác để sử dụng chúng với chi phí cao, như một cách để mua sự tiện dụng, như con nghiện bán nhà mua ma túy. Vì thế, thuế chỉ nên được nhìn nhận như một công cụ hỗ trợ. Song song với nó là ngăn chặn từ các nguồn cung cấp túi ni-lon, hộp nhựa thường xuyên.
Dễ nhận thấy khó khăn trong quản lý, hạn chế sử dụng rác thải nhựa hiện nay là do thói quen sản xuất, tiêu dùng, nhận thức của người dân cùng với công tác tuyên truyền, phổ biến, nâng cao nhận thức cộng đồng chưa liên tục, đồng bộ, hiệu quả chưa cao nên hiện nay tỷ lệ sử dụng các sản phẩm nhựa, túi ni-lon khó phân hủy còn cao.
Việc thu thuế môi trường đối với túi ni-lon khó phân hủy còn gặp nhiều khó khăn trong khi giá thành túi ni-lon thân thiện với môi trường còn cao nên người dân, đặc biệt là khu vực nông thôn hầu hết vẫn sử dụng túi ni-lon khó phân hủy. Các cơ sở tái chế chất thải nhựa hiện còn nhỏ lẻ, phân tán và sử dụng công nghệ đơn giản, có khả năng gây ô nhiễm môi trường. Hoạt động điều tra, thống kê còn hạn chế dẫn đến thông tin, số liệu chưa đầy đủ về việc sản xuất, tiêu thụ và xử lý túi ni-lon để phục vụ công tác quản lý.
Để hạn chế túi ni-lon, hộp nhựa, ở Việt Nam hiện nay mới chỉ áp dụng các giải pháp truyền thông, kêu gọi mọi người tự giác hạn chế. Đơn cử như việc vận động các DN, thương mại, dịch vụ hạn chế sử dụng túi ni-lon 1 lần thông qua hình thức cung cấp thay bằng các túi sử dụng nhiều lần, đồng thời họ cũng tham gia vào việc tuyên truyền, hướng dẫn những người đi mua sắm, thông qua việc nâng giá sử dụng túi ni-lon sử dụng 1 lần.
Điều này có những tác dụng nhất định đối với nhận thức của cộng đồng, song để chuyển hóa từ nhận thức tới hành động, truyền thông là không đủ. Đã đến lúc cần có kháng sinh liều cao cho một thứ thói quen đã thành bệnh mạn tính. Đã đến lúc cần giải pháp khiến người dân nhận biết một cách trực tiếp rằng sử dụng túi ni-lon, hộp nhựa không còn tiện lợi và rẻ tiền. Chỉ có lợi ích trực tiếp mới có thể trực tiếp thay đổi hành vi.