Khu dân cư mật độ cao là các ổ dịch
Ngoài những rủi ro về thiên tai và tác hại từ ô nhiễm môi trường không khí, dịch bệnh cũng là một trong những hiểm họa có nguy cơ cao đối với các đô thị đông dân cư nhưng môi trường sống không đảm bảo. Điều này đã và đang được minh chứng thông qua những diễn biến phức tạp của dịch bệnh Covid-19 tại các thành phố lớn không chỉ ở Việt Nam mà cả các quốc gia trong khu vực và trên thế giới.
Đơn cử như các thành phố ở Đông Nam Á - hiện được coi là tâm điểm của dịch bệnh Covid-19 đều có dân số trên dưới 10 triệu người, như Bangkok (11 triệu người), TP.HCM (13 triệu người), Manila (11,5 triệu người), Jakarta (12,5 triệu người).
Những điểm bùng dịch và nhanh chóng trở thành điểm nóng là các quận có mật độ dân cư rất cao, thường là 20.000 - 25.000 người/km2, thậm chí cao hơn nữa như ở TP.HCM, mật độ dân số trung bình ở quận 10 là 65.000 người/km2, quận 11 là 64.000 người/km2, quận 4 là 48.500 người/km2.
Nhìn nhận về điều này, chia sẻ tại Hội thảo trực tuyến "Thành phố cho mọi người: Công bằng, sống khỏe và nhân văn", ông Vũ Chí Kiên, Phó Chủ tịch UBND quận Bình Tân, TP.HCM cho biết: “Qua quá trình nghiên cứu, chúng tôi nhận thấy việc phát triển đô thị, cụ thể là các khu nhà trọ, khu nhà ở giá rẻ, nhà ở công nhân và việc bùng phát Covid-19 có mối liên hệ chặt chẽ với nhau. Những khu vực tập trung số lượng nhà trọ lớn cũng là nơi tập trung ca nhiễm Covid-19 cao nhất.
Đơn cử như quận Bình Tân - nơi có dân số cao nhất nhì thành phố và có khoảng 200.000 người lao động đang tạm trú là một trong những địa phương đang có mức độ lây lan dịch bệnh rất nhanh chóng. Điều này chứng tỏ rằng, khi đại dịch ập đến, các đô thị lớn đang dần bộ lộ những khía cạnh không mấy tốt đẹp.
Đồng quan điểm, PGS.TS Nguyễn Đức Lộc, Viện trưởng Viện nghiên cứu Social Life cũng bày tỏ, không khó để thấy hình ảnh dòng người lao động TP.HCM hồi hương trong mấy tháng vừa qua. Có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng này. Bên cạnh công việc phải tạm dừng do các hoạt động dãn cách xã hội, không có thu nhập, tốn kém sinh hoạt phí thì không gian cư trú chật hẹp của các nhà trọ cũng là một yếu tố.
“Rất khó để con người có thể sống trong một căn phòng bó hẹp, thiếu ánh sáng, thiếu sự lưu thông không khí trong 4 tháng liên tục. Chưa kể, mỗi căn phòng không chỉ một người ở mà có khi là cả một gia đình gồm hai vợ chồng trẻ và các con nhỏ. Điều này sẽ ảnh hưởng rất lớn đến sức khoẻ, sức đề kháng của cơ thể. Từ đó khiến nguy cơ nhiễm Covid-19 của người dân sẽ tăng cao hơn”, PGS.TS Nguyễn Đức Lộc nhìn nhận.
Vì vậy, cũng theo chuyên gia, việc thay đổi trong nhận thức, thái độ và hành động là điều bắt buộc phải làm trong tất cả các lĩnh vực từ hệ thống chính trị đến cấu trúc kinh tế, từ hoạt động tôn giáo đến y tế - giáo dục... vì một xã hội an toàn hơn. Các kiến trúc sư, các nhà quy hoạch và quản trị đô thị cần thiết phải bàn đến câu chuyện thay đổi cho một thành phố bền vững, không chỉ về tổ chức không gian mà cả về đời sống xã hội.
Tuy nhiên, khi làn sóng Covid-19 đi qua, nhiều người lo sợ rằng, việc hồi hương của người lao động sẽ còn tiếp diễn và rất khó để định được ngày quay trở lại thành phố. Mơ mộng về các đô thị lớn là nơi an toàn đã chợt mất trong suy nghĩ của nhiều người. Vì vậy việc thay đổi, kiến tạo đô thị là cần thiết.
“Bản chất việc bám trụ lại các thành phố lớn của người lao động không đơn thuần vì thu nhập kinh tế mà còn vì một thế hệ phía sau. Đa số trong họ đều có mong muốn đem đến những điều kiện phát triển tốt nhất cho con cái, đặc biệt là vấn đề học tập. Do đó, các thành phố lớn vẫn sẽ là điểm đến của nhiều người lao động. Nên vấn đề quan trọng lúc này là hãy đảm bảo rằng, khi người lao động quay trở lại, các đô thị, thành phố sẽ đáp ứng được những nhu cầu sống mà họ cần”, PGS.TS Nguyễn Đức Lộc, Viện trưởng Viện nghiên cứu Social Life khẳng định.
Như vậy, với tính nghiêm trọng của đại dịch Covid-19, nhiều vấn đề về an sinh xã hội ở các thành phố lớn được bộc lộ ra, trong đó có quy hoạch và phát triển các đô thị. Không biết đến thời điểm nào dịch sẽ chấm dứt và liệu còn những đại dịch khác hay không, song cần thiết phải bàn đến các giải pháp cho một đô thị an toàn, nhân văn và bền vững.
Thu hút doanh nghiệp cùng xây dựng đô thị an toàn, nhân văn và bền vững
Phát triển đô thị giờ đây không chỉ gắn liền với phát triển kinh tế, gìn giữ văn hoá, bản sắc dân tộc, mà hơn hết, câu chuyện này phải được gắn liền với bảo vệ sức khoẻ, tính an toàn và không gian sống cho mọi tầng lớp dân cư.
Theo bà Nguyễn Xuân Ngọc Hoa, chuyên gia cao cấp Chính sách Quy hoạch enCity, sau cơn đại dịch, điều đầu tiên mà nhiều người rút ra là việc quy hoạch và phát triển đô thị.
“Bởi vì, kể cả khi thực hiện mô hình 3 tại chỗ (ăn ngủ tại chỗ, sản xuất tại chỗ, cách ly tại chỗ) ở các tâm dịch thì vẫn ảnh hưởng rất nhiều đến vấn đề sức khoẻ, sinh hoạt, năng suất lao động của người dân. Vì vậy phải có những giải pháp mang tính bền vững hơn, hiệu quả hơn”, bà Nguyễn Xuân Ngọc Hoa bày tỏ.
Cũng theo quy hoạch gia Ngọc Hoa, giải pháp này phải chia ra các giai đoạn ngắn hạn, trung hạn và dài hạn để khi mở cửa kinh tế, các hoạt động dần được quay trở lại, con người dễ dàng thích ứng, đô thị cũng xoay mình nhanh chóng.
Cụ thể trong ngắn hạn, để mở cửa lại các khu sản xuất, việc quản lý nhà máy cần có những giải pháp tức thì nhằm đảm bảo sức khoẻ cộng đồng. Để làm được điều này cần thiết phải đảm bảo 5 yếu tố: Thiết kế công việc, giãn cách xã hội, chăm sóc y tế, môi trường làm việc và thiết kế không gian.
Trong trung hạn, cần đề xuất thiết kế nhà ở giá rẻ hậu Covid-19 với các trọng tâm mới gồm: Mô hình làm việc mới, đảm bảo sức khoẻ, quy hoạch tích hợp, thiết kế nguyên đơn và không gian công cộng.
Không vì định danh là nhà ở giá rẻ mà chất lượng không đảm bảo. Ngược lại, dù giá bán thấp song chất lượng nhà ở vẫn phải đảm bảo khi trao tay người sử dụng. Phải linh hoạt với những mô hình làm việc mới của người lao động trong nhiều diễn biến khác nhau; đảm không gian đủ rộng, sạch giúp bảo vệ sức khoẻ; biết tích hợp các hạ tầng xung quanh, cung cấp dịch vụ cần thiết cho cư dân và cuối cùng là yếu tố không gian công cộng - điều rất quan trọng. Từ đó, khi dịch quay trở lại, mỗi mô hình nhà ở này sẽ là một pháo đài vừa giúp cách ly chống dịch, vừa đảm bảo không gian tích hợp đáp ứng đầy đủ nhu cầu cơ bản của người dân.
Trong dài hạn, cần định hướng phát triển đô thị theo hướng bền vững giúp đảm bảo sức khoẻ cộng đồng.
“Khi dịch được kiểm soát trong 6 tháng hay một năm, cần phải nghĩ ngay đến việc tái phát triển đô thị lâu dài, cần có những chính sách, chiến lược hợp lý nhằm gia tăng nguồn lực để thực hiện một đô thị an toàn, nhân văn”, chuyên gia cao cấp enCity bày tỏ.
Đồng quan điểm, ông Vũ Chí Kiên, Phó Chủ tịch UBND quận Bình Tân cũng cho rằng, phát triển đô thị đặt trong các giai đoạn ngắn hạn, trung hạn và dài hạn là cần thiết trong bối cảnh đang có nhiều diễn biến phức tạp. Tuy nhiên nên ưu tiên đến câu chuyện dài hạn nhiều hơn để đảm bảo tính bền vững cho đô thị.
“Đơn cử như quận Bình Tân hiện nay, do có nhiều khu công nghiệp mọc lên, trong khi hơn một nửa dân số của quận là nhập cư nên sức ép về nhà trọ là rất lớn. Vì vậy vấn đề quy hoạch phát triển đô thị, tạo các không gian sống, khu nhà ở giá rẻ, nhà ở xã hội cho người có thu nhập thấp là hết sức cần thiết.
Ngoài ra, chúng ta không nên tập trung phát triển nhà ở chỉ riêng cho công nhân mà phải mở rộng ra là phát triển mô hình nhà trọ. Làm sao để khuyển khích chủ đầu tư về sau sẽ cho ra những nhà trọ tốt hơn, với các nhà trọ hiện tại thì cải tạo mới để đảm bảo không gian sống, sức khoẻ cho người thuê trọ”, Phó Chủ tịch UBND quận Bình Tân, TP.HCM khẳng định.
Tuy nhiên khi nói về định hướng phát triển mô hình nhà ở này, ông Vũ Chí Kiên cũng bày tỏ quan ngại, quận Bình Tân đang rà soát lại nhà ở cho công nhân tại các khu công nghiệp. Song có một thực tế, hầu hết các chủ đầu tư khu công nghiệp đang e ngại việc phát triển mô hình này.
"Khi đặt mục tiêu kinh tế lên hàng đầu, chủ đầu tư sẽ thấy những dự án này kém hấp dẫn. Nhưng chúng tôi thấy rằng, đây là trách nhiệm của doanh nghiệp; vì bên cạnh tạo ra các khu công nghiệp, doanh nghiệp cũng cần quan tâm đến không gian sống của lao động", ông Kiên nói.
Ngoài ra, để thu hút các nhà đầu tư, ông Vũ Chí Kiên cũng đề xuất, Nhà nước cũng cần có những quan tâm đặc biệt như giảm thuế, hỗ trợ vốn vay, đặc biệt là giải phóng mặt bằng, thủ tục pháp lý nhanh gọn.
Nguồn: https://reatimes.vn/kien-tao-do-thi-hau-covid-19-nhan-van-va-ben-vung-20201224000007732.html