Ngay cả khi đất nước bị chia cắt, kiến trúc sư ở cả hai miền Bắc – Nam đều hướng tới những giải pháp thiết kế hiện đại mang tính dân tộc, gắn bó với thiên nhiên và con người Việt Nam. Bước vào thời kỳ hội nhập quốc tế, kiến trúc Việt Nam đương đại vừa tiếp nhận những thành tựu và kinh nghiệm của kiến trúc thế giới, vừa tiếp tục gắn liền với dân tộc, đồng hành cùng dân tộc, tạo ra những tác phẩm đa sắc màu nhưng vẫn mang bản sắc riêng.

Tự hào công trình kiến trúc Việt thời kỳ kháng chiến

Sau ngày giải phóng, từ 1954 miền Bắc bước vào giai đoạn xây dựng chủ nghĩa xã hội, đấu tranh thống nhất đất nước đến năm 1965. Tiếp đến là cuộc chiến chống lại chiến tranh phá hoại của đế quốc Mỹ, đồng thời tiếp tục cùng đồng bào miền Nam đấu tranh, giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước vào ngày 30/4/1975. Do vậy, nguồn lực dành cho việc xây dựng đô thị không nhiều, thiếu thốn vật liệu và công nghệ xây dựng hiện đại, sự giao lưu với kiến trúc thế giới còn hạn chế.

Các công trình tiêu biểu được xây dựng trong giai đoạn này là Lễ đài Ba Đình, Hội trường Ba Đình, trụ sở Tổng cục Thống kê, trường Nguyễn Ái Quốc, Đại học Thủy lợi, Bảo tàng Việt Bắc, Đại học Bách khoa, Nhà khách Chính phủ, Khách sạn Thắng Lợi, Cung Thiếu nhi Hà Nội.

Trong số đó, Bảo tàng Việt Bắc do kiến trúc sư Hoàng Như Tiếp thiết kế, xây dựng năm 1962 tại Thái Nguyên, thủ phủ khu tự trị Việt Bắc được coi là công trình kiến trúc đồ sộ hoành tráng bậc nhất ở giai đoạn này. Các khối nhà của bảo tàng được nối với nhau bởi hành lang cầu, đưa sân vườn lồng vào trong quần thể kiến trúc, kết hợp với địa hình và cảnh quan xung quanh tạo ra những tầng bậc đầy gợi cảm.

Các tòa nhà có tỷ lệ hài hòa và được trang trí bằng nhiều họa tiết truyền thống các dân tộc vùng núi Việt Bắc với điểm nhấn là khu sảnh long trọng ở trung tâm. Sự đan xen, hòa quyện giữa kiến trúc hiện đại, kiến trúc truyền thống các dân tộc Việt Bắc và không gian thiên nhiên xung quanh là nét độc đáo của bảo tàng. Công trình được tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh về kiến trúc và là niềm tự hào của ngành Kiến trúc - Xây dựng Việt Nam.

Ngoài ra, Cung Thiếu nhi Hà Nội do kiến trúc sư Lê Văn Lân thiết kế năm 1974, hoàn thành xây dựng năm 1976 được coi là sự “tự khẳng định” của nền kiến trúc hiện đại Việt Nam.

Ngôn ngữ hình khối của công trình hiện đại, đơn giản, bố cục chặt chẽ, thoát ly hoàn toàn khỏi ngôn ngữ kiến trúc thuộc địa Pháp cổ, hay những xu hướng kiến trúc trước đó. Tổ hợp công trình được xây dựng trên khu đất của Ấu trĩ viên thời Pháp thuộc, bao gồm rạp chiếu bóng và nhà sinh hoạt thiếu nhi 5 tầng với tỷ lệ hài hòa gắn với thiên nhiên, có hành lang cầu gắn với tòa nhà cũ. Công trình đã chứng tỏ sự thành công của tác giả trong việc nhiệt đới hóa kiến trúc hiện đại với sự kết hợp các mảng đặc, rỗng và xuyên sáng, cùng một tỷ lệ hài hòa gắn liền với thiên nhiên Hà Nội.

Kiến trúc hướng về bản sắc dân tộc Việt
Kiến trúc hướng về bản sắc dân tộc Việt

Ở miền Nam sau năm 1954, quá trình đô thị hóa gia tăng mạnh mẽ, khả năng tiếp xúc với văn hóa, kỹ thuật phương Tây tạo điều kiện cho thể loại công trình và hình thức kiến trúc phát triển đa dạng. Vật liệu nhập khẩu dồi dào và công nghệ xây dựng hiện đại giúp giới kiến trúc sư miền Nam có nhiều thuận lợi trong thiết kế. Đa phần các kiến trúc sư đều cố gắng đưa các yếu tố văn hóa dân tộc vào hình thức công trình, tìm tòi các giải pháp thiết kế hiện đại phù hợp khí hậu và cảnh quan địa phương, từ đó tạo ra một trào lưu kiến trúc hiện đại nhiệt đới đặc sắc, sánh ngang các nước trong khu vực. Các công trình tiêu biểu như Dinh Độc Lập, Thư viện Quốc gia, Bệnh viện Vì Dân, khách sạn Caravelle, Ngân hàng Việt Nam Thương Tín, Chợ Đà Lạt.

Dinh Độc Lập do kiến trúc sư Ngô Viết Thụ thiết kế, xây dựng năm 1966 trên khu đất rộng tới 120.000m2, giới hạn bởi 4 trục đường lớn ở trung tâm Sài Gòn. Kiến trúc của Dinh là sự kết hợp hài hòa giữa giải pháp kiến trúc hiện đại với truyền thống, mọi sự sắp đặt từ không gian nội thất tới các mặt đứng công trình đều mang ý nghĩa triết lý Phương Đông. Bức rèm đá mang hình những đốt trúc thanh cao trên mặt đứng vừa có tác dụng che nắng vừa đón ánh sáng và không khí tự nhiên ùa vào hành lang làm cho công trình thêm gần gũi với thẩm mỹ của người Việt.

Bệnh viện Vì Dân do kiến trúc sư Trần Đình Quyền thiết kế, xây dựng năm 1971 ở Sài Gòn. Bệnh viện được xây dựng kiểu hợp khối bao gồm hai khối nhà chính được nối với nhau bởi các hành lang cầu, dây chuyền công năng theo xu hướng hiện đại. Kiến trúc bệnh viện mang tính công nghiệp, cân đối nhưng cũng rất biểu cảm. Tính bản địa của công trình thể hiện ở việc tổ chức tránh hướng Tây cho các không gian chủ đạo, sử dụng các mảng tường hoa che nắng trên mặt đứng và tạo sân trong lớn để lấy ánh sáng và thông gió tự nhiên.

Bước nhảy vọt thời kỳ đương đại

Sau khi đất nước thống nhất năm 1975, kinh tế nước ta bước vào một giai đoạn khó khăn, một mặt do sự cấm vận của các nước phương Tây, mặt khác là cuộc chiến tranh chống chủ nghĩa bành trướng, đồng thời với chính sách quản lý kinh tế kế hoạch hóa tập trung, bao cấp. Năm 1986, đất nước bước vào thời kỳ Đổi mới, nền kinh tế có bước phát triển vượt bậc tạo điều kiện cho việc xây dựng rất nhiều công trình kiến trúc đa dạng về công năng. Nền kiến trúc nước nhà đã có những bước tiến nhảy vọt, các xu hướng sáng tác trong kiến trúc trở nên phong phú, đa dạng, đa sắc thái.

Các sáng tác theo xu hướng hiện đại mới tìm tòi phương cách biểu hiện hình thái kiến trúc bằng những giải pháp công nghệ hiện đại. Bên cạnh đó là sự nhấn mạnh vào những giải pháp kiến trúc phù hợp với văn hóa và khí hậu Việt Nam làm cho hình thức công trình mang màu sắc bản địa độc đáo. Các công trình tiêu biểu giai đoạn này là: Nhà Quốc hội Việt Nam, Trung tâm Hội nghị Quốc tế Hà Nội, Khách sạn Sofitel Plaza Hanoi, Đại học RMIT TP Hồ Chí Minh, Tòa nhà Diamond Plaza, Đài truyền hình TP Hồ Chí Minh.

Nhà Quốc hội Việt Nam do nhóm kiến trúc sư M.Von Gerkan, N.Goetze, D.Heller và J.Ortmann thiết kế, xây dựng năm 2014 tại trung tâm chính trị Ba Đình, Hà Nội. Tòa nhà có hai khối chính: Phòng họp ở giữa hình tròn và khối nhà bao xung quanh hình vuông tạo ra hình tượng “Trời tròn Đất vuông”, bên cạnh đó là việc sử dụng các hình thức che nắng bằng các lam bê tông kết hợp với cây xanh theo phương đứng và các giải pháp tận dụng ánh sáng tự nhiên cho thấy công trình mang xu hướng hiện đại mới mang tính bản địa.

Trong giai đoạn này, xu hướng High-Tech đã được chú trọng khai thác thể hiện. Đặc điểm nổi bật của các công trình High-Tech là việc sử dụng hệ thống kết cấu hiện đại như một ngôn ngữ biểu cảm chính, dẫn tới những ấn tượng mạnh về mặt cảm thụ thị giác hình khối công trình theo phương đứng hoặc phương ngang, những vật liệu cao cấp được sử dụng nhiều trong việc trang trí mặt ngoài công trình. Xu hướng High-Tech trong kiến trúc Việt Nam đương đại thường thấy nhất ở những công trình siêu cao tầng hay những công trình đòi hỏi không gian lớn. Các công trình tiêu biểu: Khách sạn JW Marriott Hà Nội, Tòa nhà Bitexco Financial, Lotte Center Hà Nội, Tòa nhà The Landmark 81, Nhà thi đấu Phú Thọ - TP Hồ Chí Minh, Khách sạn Sapaly Lào Cai, các Ga hàng không Quốc tế Nội Bài, Tân Sơn Nhất, Liên Khương.

Khách sạn JW Marriott Hà Nội do kiến trúc sư C.Zapata thiết kế, xây dựng năm 2013 tại Hà Nội là một công trình điển hình cho xu hướng này. Lấy cảm hứng từ hình ảnh con rồng huyền thoại trong dân gian nằm bên bờ biển, kiến trúc sư tác giả đã tạo ra một công trình gây ấn tượng mạnh mẽ bởi giải pháp cấu trúc đặc biệt theo đường cong xoắn ốc với những khối bọc kính nhô mạnh ra khỏi phần đế. Mặc dù sử dụng hệ thống cấu trúc hiện đại như một ngôn ngữ biểu cảm chính, khách sạn vẫn tạo ra cảm giác gần gũi nhờ sự kết hợp với không gian cây xanh, hồ nước xung quanh. Công trình đã nhận giải “Khách sạn có thiết kế và xây dựng đẹp nhất” khu vực châu Á – Thái Bình Dương.

Đặc biệt, xu hướng Biểu hiện mới cũng được thể hiện rõ nét trong các công trình kiến trúc thời kỳ này. Kiến trúc Biểu hiện không có gì xa lạ ở Việt Nam, ngôi chùa Một Cột độc đáo gợi lại hình ảnh của một bông sen vươn lên từ mặt nước đã được xây dựng từ thời Lý hay Gác chuông chùa Keo mang đậm chất điêu khắc được xây dựng từ thời Lê.

Có thể nói, từ xa xưa Việt Nam đã có chủ nghĩa biểu hiện trong kiến trúc và xu hướng Biểu hiện mới trong kiến trúc Việt Nam đương đại là sự tiếp nối ngoạn mục cho một phong cách nghệ thuật đầy cá tính và hấp dẫn này. Các công trình sáng tác theo chủ nghĩa Biểu hiện mới thường có cấu trúc không gian mang tính biểu tượng mà ít lệ thuộc vào công năng, chú trọng việc tạo ra ấn tượng mạnh mẽ về thị giác của công trình, tính liên tưởng và tính ẩn dụ tiếp tục được phát huy. Các công trình tiêu biểu: Đài Tưởng niệm liệt sĩ Bắc Sơn, Đài Tưởng niệm Tuyên Quang, Bảo tàng Đắk Lắk, Bảo tàng Chiến thắng Điện Biên Phủ, Bảo tàng Quảng Ninh, Crazy House, Nhà Trăm mái.

Đài tưởng niệm liệt sĩ Bắc Sơn do kiến trúc sư Lê Hiệp thiết kế, xây dựng năm 1994 trên đường Bắc Sơn, đối diện Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh. Đài tượng niệm là một khối hộp vuông ốp đá hoa cương với khối tích và kích cỡ phù hợp với không gian cảnh quan xung quanh. Điểm độc đáo của công trình là việc sử dụng hình tượng một ngôi miếu thờ truyền thống khắc âm vào trong khối hộp. Hình tượng ngôi miếu với phần mái mô phỏng hình đầu đao uốn lượn dát vàng tương phản mạnh mẽ với khối hình hộp giản dị ốp đá màu xám, tạo cảm giác về âm - dương tương hỗ trong triết lý phương Đông, gợi lên hình ảnh kiến trúc đình chùa rất quen thuộc và gắn với đời sống tâm linh người Việt.

Ngoài ra, xu hướng kiến trúc Sinh thái cũng được chú trọng tìm tòi thể hiện. Xu hướng này xuất hiện từ những năm đầu thế kỷ XXI ở Việt Nam với chủ đích là đưa công trình kiến trúc gắn liền với tự nhiên, tích hợp với các đặc điểm cơ bản của tự nhiên, tận dụng năng lượng tự nhiên, giảm thiểu ô nhiễm. Chính nhờ sự gắn bó hữu cơ với tự nhiên nên kiến trúc Sinh thái Việt Nam dễ dàng tạo dựng tính độc đáo cho riêng mình do các điều kiện tự nhiên ở mỗi nước đều có đặc điểm riêng, không có sự trùng lặp. Một số công trình tiêu biểu cho xu hướng này như: Nhà hiệu bộ trường đại học FPT Hà Nội, Nhà Việt Nam tại Milan Expo 2015, Nhà trẻ Farming Kindergarten, Nhà cộng đồng Cẩm Thanh, trường liên cấp Quốc tế Sentia, trụ sở Công ty Xổ số kiến thiết TP Hồ Chí Minh.

Nhà hiệu bộ trường Đại học FPT do kiến trúc sư Võ Trọng Nghĩa thiết kế, xây dựng năm 2015 tại Khu công nghệ cao Hòa Lạc. Nằm trong tổng thể khu đại học FPT có không gian cây xanh và mặt nước rộng rãi, công trình được thiết kế theo phong cách kiến trúc Sinh thái với các khoảng sân rộng trồng cỏ trên mái và cây xanh trên mặt đứng. Hình khối uốn lượn với số tầng cao biến đổi, thiết kế các ô rỗng nhằm đưa gió, ánh sáng vào các không gian bên trong tạo cảnh quan sinh động cho công trình và cải thiện mối quan hệ của con người với thiên nhiên.

Cùng với sự phát triển của đất nước, kiến trúc Việt Nam qua các giai đoạn lịch sử đã có bước phát triển đột phá, không chỉ về quy mô mà cả về chất lượng. Dù thời đại nào, kiến trúc vẫn luôn gắn liền với con người sáng tạo ra tác phẩm kiến trúc. Do đó, những sáng tạo để kiến trúc Việt không bị đồng hóa, quốc tế hóa, để bản sắc văn hóa của dân tộc Việt Nam được đọng lại trong tác phẩm kiến trúc là đòi hỏi bức thiết trong giai đoạn hiện nay.

Theo Kinh tế Đô thị

Nguồn: https://kinhtedothi.vn/kien-truc-huong-ve-ban-sac-dan-toc-viet.html