“Cú quay xe” đầy bất ngờ vào cuối năm
Theo báo cáo vừa công bố của HSBC, cuối năm 2021, Việt Nam ghi nhận một “cú quay xe” đầy bất ngờ khi mức tăng trưởng quý IV đạt 5,2% so với cùng kỳ năm trước, bỏ xa các mức dự báo của thị trường(HSBC: 3,8%; Bloomberg: 3,9%). Nhờ vậy, tăng trưởng GDP cả năm đạt 2,6% trong 2021. Con số này phản ánh một kết quả tích cực trong một năm quá nhiều thách thức dù đây là mức tăng trưởng thấp nhất trong vòng 30 năm qua.
Hoạt động sản xuất phục hồi tích cực cũng phản ánh sự cải thiện trong lĩnh vực xuất khẩu. Sau giai đoạn giãn cách nghiêm ngặt trong quý III, xuất khẩu của Việt Nam đã phục hồi nhanh chóng, tăng gần 19% trong quý IV so với cùng kỳ năm trước.
Trong khi đó, xuất khẩu dệt may và da giày mặc dù bị ảnh hưởng nặng nề nhưng cũng đã lấy lại phong độ như thời điểm trước khi xuất hiện biến chủng Delta. Tính chung cả năm 2021, xuất khẩu Việt Nam tăng 19% nhờ xuất khẩu điện tử và máy móc, cho thấy nhu cầu trên thế giới vẫn gia tăng và chuỗi cung ứng ổn định ở phía Bắc nơi hội tụ các tập đoàn công nghệ lớn.
GDP sẽ tăng tốc lên 6,5% trong năm 2022
Nhận định về nền kinh tế Việt Nam năm 2022, các chuyên gia HSBC cho rằng, Việt Nam sẽ phục hồi vững vàng sau giai đoạn ‘chạm đáy’ tồi tệ nhất, nền kinh tế Việt Nam sẽ sớm lấy lại đà tăng trưởng vững vàng trên mọi mặt.
Một là, sản xuất và xuất khẩu kỳ vọng sẽ tiếp tục vị thế dẫn đầu, một phần là nhờ những cam kết FDI ổn định.
Hai là, nhu cầu trong nước nhiều khả năng sẽ phục hồi thêm khi các biện pháp hạn chế hiện tại dần được gỡ bỏ và thị trường lao động phục hồi.
"Sau hai năm tăng trưởng chậm lại, chúng tôi kỳ vọng Việt Nam sẽ tăng tốc tăng trưởng lên 6,5% trong năm 2022. Chính phủ cũng đã đặt mục tiêu GDP năm 2022 tăng 6,5%-7%, tương đương với tốc độ tăng trưởng trước đại dịch,” chuyên gia HSBC nhấn mạnh.
Mặc dù vậy, HSBC tin rằng đại dịch vẫn là rủi ro lớn nhất đối với tăng trưởng của Việt Nam. Sau khi "chạm đáy" trong tháng 11/2021, số ca nhiễm mới mỗi ngày của Việt Nam đã tăng cao trở lại. Kết quả của “trận chiến” ứng phó với đợt bùng dịch thứ năm của Việt Nam sẽ quyết định tốc độ phục hồi của nhu cầu trong nước và hoạt động đi lại quốc tế.
Tuy nhiên, không giống như năm 2020, Việt Nam tại thời điểm hiện tại đã triển khai tốt chương trình tiêm chủng, giúp Chính phủ có thể linh hoạt hơn giữa hai mục tiêu bảo vệ sức khỏe người dân và hồi sinh nền kinh tế.
Doanh nghiệp Việt cần nắm bắt cơ hội để phục hồi
Ông Andrew Jeffries, Giám đốc Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) tại Việt Nam lưu ý năm 2022, khu vực châu Á sẽ chứng kiến sự phục hồi xuất khẩu vượt trội và Việt Nam là quốc gia tiếp tục tận dụng được cơ hội để tăng tốc xuất khẩu. Do đó, các doanh nghiệp Việt Nam cần nhanh chóng nắm bắt cơ hội này để đẩy mạnh xuất khẩu trong năm 2022, nâng cao chất lượng hàng hóa để tiến sâu vào nhiều thị trường lớn, tiềm năng hơn.
Đồng quan điểm, TS. Lê Duy Bình Giám đốc Economica Việt Nam cho rằng, năm 2022, xuất nhập khẩu sẽ tiếp tục là điểm sáng, đóng góp quan trọng vào đà tăng trưởng kinh tế của đất nước, nhất là trong bối cảnh nhu cầu nội địa và ngành bán lẻ ghi nhận sự sụt giảm trong năm qua.
“Tôi không nghĩ nhu cầu nội địa và ngành bán lẻ sẽ phục hồi mạnh mẽ trong năm 2022. Thay vào đó, xuất nhập khẩu sẽ tiếp tục là động lực tăng trưởng quan trọng, đảm bảo công ăn việc làm cho người lao động. Ngoài ra, chi tiêu công, chi tiêu Chính phủ và chi tiêu cá nhân đều tăng trong năm tới”, ông Bình nói.
Nguồn: https://kinhtemoitruong.vn/kinh-te-viet-nam-se-but-pha-sau-giai-doan-kho-khan-63205.html