Xuất khẩu tiếp tục là động lực tăng trưởng cho kinh tế Việt Nam năm 2022
Bức tranh kinh tế Việt Nam năm 2021 đã khép lại ở con số tăng trưởng 2,58%, lạm phát bình quân tăng 1,84%. Đó là những nỗ lực không nhỏ của cả nước trong một năm kinh tế - xã hội đầy thách thức để có thể đạt được mức tăng trưởng dương trong cả năm. Đồng thời là kết quả đáng khích lệ trong bối cảnh kinh tế toàn cầu vẫn đang tiếp tục chịu tác động bất lợi của đại dịch Covid-19.
Trong bức tranh kinh tế năm 2021, mức tăng trưởng âm trong quý III do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19 đã kéo tăng trưởng tổng sản phẩm trong nước (GDP) cả năm xuống mức thấp nhất trong thập kỷ qua. Tuy nhiên, xuất nhập khẩu là điểm sáng nhất khi tổng kim ngạch đạt hơn 668 tỷ USD, tăng 22,6% so với năm trước. Trong đó, xuất khẩu tăng 19%, nhập khẩu tăng 26,5% và cán cân thương mại quý IV đã đổi chiều từ nhập siêu sang xuất siêu, qua đó giúp cán cân thương mại hàng hóa cả nước thặng dư khoảng 4 tỷ USD.
Tính chung năm 2021, cán cân thương mại hàng hóa ước tính xuất siêu 4 tỷ USD (năm trước xuất siêu 19,94 tỷ USD). Trong đó, khu vực kinh tế trong nước nhập siêu 25,36 tỷ USD; Khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (kể cả dầu thô) xuất siêu 29,36 tỷ USD.
Với kim ngạch xuất khẩu hàng hóa cả năm ước đạt 336,25 tỷ USD, tăng 19% so với năm trước, không những xuất khẩu đã “xô đổ” kỷ lục 282,65 tỷ USD của cả năm 2020, mà còn đưa Việt Nam trở thành nền kinh tế có quy mô xuất khẩu đứng thứ 22 trên thế giới. Theo nhiều chuyên gia kinh tế, với kết quả đáng khích lệ này, xuất khẩu sẽ tiếp tục là động lực tăng trưởng cho nền kinh tế Việt Nam trong năm 2022 và tạo ra nhiều tiềm năng cho các doanh nghiệp thúc đẩy xuất khẩu trong thời gian tới.
Bước qua năm 2021 đầy khó khăn, biến động, hướng đến năm 2022, nhiều tổ chức, thể chế kinh tế - tài chính và giới chuyên gia vẫn tỏ ra lạc quan về triển vọng tăng trưởng của kinh tế Việt Nam.
Trong ấn bản bổ sung thường kỳ của Báo cáo Triển vọng phát triển châu Á (ADO) 2021 công bố gần đây, Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) vẫn giữ nguyên mức dự báo tăng trưởng kinh tế của Việt Nam năm 2022 ở mức 6,5% cho năm 2022. Giám đốc Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) tại Việt Nam, ông Andrew Jeffries đánh giá, Việt Nam là nền kinh tế có độ mở lớn nên ảnh hưởng của dịch Covid-19 rất nặng nề và rõ rệt, nhưng đến nay, các đối tác thương mại lớn của Việt Nam đang trên đà phục hồi nhanh chóng, từ đó, thúc đẩy giao thương mạnh mẽ hơn. Đặc biệt, nhờ vào tỷ lệ tiêm vaccine Covid-19 tăng cao tạo điều kiện sớm mở cửa nền kinh tế, góp phần tăng trưởng trở lại.
Năm 2022 sẽ là năm quan trọng, đặc biệt khu vực châu Á sẽ chứng kiến sự phục hồi xuất khẩu vượt trội và Việt Nam là quốc gia tiếp tục tận dụng được cơ hội để tăng tốc xuất khẩu. Lĩnh vực phục hồi nhanh sẽ là điện tử, hàng hóa liên quan tới phòng chống dịch bệnh, như điện tử, vật tư, thiết bị y tế, máy móc thiết bị, đồ gỗ, dệt may, giày dép... Do đó, các doanh nghiệp Việt Nam cần nhanh chóng nắm bắt cơ hội này để đẩy mạnh xuất khẩu trong năm 2022, nâng cao chất lượng hàng hóa để tiến sâu vào nhiều thị trường lớn, tiềm năng hơn.
Mặc dù diễn biến dịch Covid-19 vẫn là một ẩn số với sự xuất hiện của biến chủng Omicron, tuy nhiên, nhiều chuyên gia kinh tế vẫn khá lạc quan khi cho rằng năm 2022 sẽ là bức tranh với gam màu tươi sáng đối với nền kinh tế Việt Nam. Bởi Việt Nam đã thay đổi chiến lược trong phòng, chống Covid-19, khi Nghị quyết 128/NQ-CP sẽ đi vào cuộc sống xã hội một cách nhuần nhuyễn và sát thực tế hơn, tiếp tục cởi trói tinh thần cho doanh nghiệp. Đó là giải pháp linh hoạt, thích ứng, an toàn với dịch bệnh hỗ trợ cộng đồng doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh hiệu quả.
Cơ hội tăng trưởng trong năm 2022
Trong bối cảnh khó khăn, nền kinh tế Việt Nam được đánh giá vẫn đang trên đà ghi nhận mức tăng trưởng tích cực vào năm 2022.
Ông Jacques Morisset - chuyên gia kinh tế trưởng và quản lý Chương trình kinh tế vĩ mô, thương mại và đầu tư, Ngân hàng Thế giới (WB) tại Việt Nam cho rằng, vẫn còn đó những cơ hội sẵn có từ trước tới nay và Việt Nam vốn rất giỏi trong việc nắm bắt các cơ hội.
Theo đó, cơ hội đầu tiên là trong lĩnh vực xuất khẩu. Xuất khẩu chủ yếu phụ thuộc vào các quốc gia trên thế giới, vào vốn FDI vì 80% doanh nghiệp xuất khẩu tại Việt Nam đều là doanh nghiệp có vốn FDI.
Đại dịch Covid cho thấy chúng ta cần đa dạng hóa chuỗi cung ứng và Việt Nam là một trong những ứng cử viên sáng giá cho việc này, do đó nhiều doanh nghiệp lớn đã chuyển tới Việt Nam với mục tiêu đa dạng hóa chuỗi cung ứng nhằm đảm bảo hoạt động xuất khẩu cho nhiều quốc gia khác.
Đó là cơ hội thứ nhất và Việt Nam sẽ tiếp tục tận dụng được lợi thế cạnh tranh của mình. Bên cạnh đó, Việt Nam cũng có thể tận dụng cơ hội từ kinh tế xanh, kinh tế ứng phó với biến đổi khí hậu.
Theo đó, Việt Nam là một trong những quốc gia chịu tác động lớn của biến đổi khí hậu, trong đó tại Hà Nội cũng ghi nhận tình trạng ô nhiễm đáng báo động, hay đồng bằng sông Cửu Long cũng chịu tác động từ việc mực nước biển dâng cao. Do đó có thể nói Việt Nam là một trong những nạn nhân của biến đổi khí hậu, nhưng cũng có thể tận dụng chính cơ hội này.
Vào năm 2020, Chính phủ đã triển khai trợ giá cho năng lượng mặt trời, hỗ trợ các doanh nghiệp đầu tư vào năng lượng mặt trời và khu vực tư nhân cũng phản hồi rất tích cực. Tổng mức đầu tư của trong 8 tháng năm 2020 vào điện mặt trời cao hơn tổng mức đầu tư của toàn bộ các quốc gia ASEAN hay toàn bộ châu Phi.
Đó là một ví dụ cho thấy Việt Nam có tiềm năng về phát triển năng lượng sạch bởi Việt Nam có thể nhân rộng kịch bản đã thực hiện với năng lượng mặt trời cho năng lượng gió, pin và các sản phẩm xanh khác. Điều này cho thấy sự năng động của khu vực tư nhân và đây là một thế mạnh của nền kinh tế.
Liên quan đến vấn đề này, Tổng Giám đốc HSBC Tim Evans mới đây dự báo, kinh tế Việt Nam có thể lấy lại nhịp tăng trưởng GDP ở mức 6,8% trong năm 2022, chủ yếu nhờ đầu tư nước ngoài (FDI) mạnh mẽ trở lại, tập trung nhiều vào lĩnh vực sản xuất, từ đó thúc đẩy xuất khẩu. Điều này đặc biệt có ý nghĩa trong bối cảnh các hiệp định thương mại.
Còn theo PGS.TS Đinh Trọng Thịnh - Chuyên gia kinh tế, Giảng viên cao cấp tại Học viện Tài chính cho rằng, một trong những động lực tăng trưởng của nền kinh tế năm 2022 đến từ vốn FDI. Trong khi tổng vốn đầu tư nước ngoài của nhiều nơi trên thế giới có dấu hiệu suy giảm mạnh do ảnh hưởng từ dịch Covid-19, thì hoạt động thu hút FDI của Việt Nam trong năm qua vẫn được duy trì ổn định so với các năm trước đây.
“Xuất nhập khẩu sẽ tiếp tục là động lực tăng trưởng chính cho nền kinh tế Việt Nam vào năm 2022, đặc biệt là khi các DN tận dụng được cơ hội từ các hiệp định thương mại. Bên cạnh đó, triển vọng năm 2022 lạc quan còn đến từ "sức bật" của nền kinh tế, mặc dù sản xuất kinh doanh trong năm đối mặt với nhiều khó khăn, nhưng ngay khi chúng ta mở cửa sống chung với đại dịch thì nền kinh tế đã nhanh chóng phục hồi trở lại”, PGS. TS. Đinh Trọng Thịnh nhận định.
Nguồn: https://kinhtemoitruong.vn/nam-2022-se-la-buc-tranh-tuoi-sang-voi-nen-kinh-te-viet-nam-62884.html