Thời gian qua, lợi dụng những diễn biến phức tạp của dịch Covid-19, nhiều cá nhân đã đưa ra những thông tin sai sự thật, giật gân, câu like trên các trang mạng xã hội. Hành vi này không chỉ làm nhiễu loạn thông tin, tạo tâm lý hoang mang mà còn gây nhiều khó khăn cho công tác phòng, chống dịch. 

Trao đổi với chúng tôi về những trường hợp bị xử phạt vì đưa tin sai sự thật trên mạng xã hội, Trung tá Chu Nhất Lâm, Đội trưởng đội an ninh CA quận Đống Đa cho biết: Sau khi được gọi lên làm việc, đa số những trường hợp vi phạm đều nhận thức được việc làm của mình là sai trái nên đã tự nguyện khai báo, thành khẩn nhận lỗi và kịp thời gỡ bài viết để giảm hậu quả xảy ra.

“Người dân vì nhiều lý do có thể vì hiếu kỳ, thấy hay thì chia sẻ, cũng có người "copy" về trang cá nhân của mình để gây sự chú ý nhằm mục đích bán hàng, câu like mà quên kiểm tra tính xác thực của nguồn tin. Đa số những trường hợp này đều là người trẻ tuổi, vì hành động theo cảm tính mà sa đà”, Trung tá Lâm cho biết.

Thông tin giả... gây hậu quả thật

Nói đến công tác đấu tranh với tội phạm trên mạng, anh Lâm cho biết đó môi trường có diễn biến nhanh và phức tạp. Một thông tin sai lệch trong thời gian ngắn có thể được chia sẻ với tốc độ chóng mặt và gây những hậu quả khôn lường. Vì vậy, áp lực đối với anh và các đồng đội là không nhỏ bởi nếu chỉ cần lỡ một nhịp thôi, nhiều khi là nửa phút, đối tượng sẽ tẩu tán, xóa sạch dữ liệu thì coi như mất hết dấu vết.

Duy trì chốt trực và phòng chống dịch trong tình hình mới.

“Đội của tôi có hơn 40 CBCS và có tới 15 CBCS là nữ giới, hầu hết đều còn trẻ và chưa lập gia đình nên cũng có cái thuận là xông xáo trong công việc, nắm bắt thông tin nhanh nhưng lại có mặt hạn chế là kinh nghiệm làm việc chưa nhiều. Một cán bộ làm công tác an ninh mạng thì năng lực lọc thông tin hội nhóm rất quan trọng. Để phát hiện các thông tin vi phạm, ảnh hưởng đến chính trị và dư luận, ngoài sự tỉ mỉ còn là khả năng phán đoán của trinh sát”, anh Lâm cho biết.

Vậy là trước thực tế về sự bùng nổ công nghệ thông tin, đặc biệt là mạng xã hội như facebook, số người sử dụng lớn; các thông tin trên facebook theo cơ chế đặc thù, không chịu sự quản lý của Nhà nước Việt Nam; một số thông tin mang tính chủ quan, có thông tin xấu, độc, sai lệch, gây hoang mang dư luận và ảnh hưởng trực tiếp đến cách nhìn của người dân đến nhiều mặt của xã hội và cơ chế chính sách, các sự kiện; thông tin không chính thống, không được kiểm duyệt, vi phạm pháp luật của Nhà nước nên công việc của những trinh sát của đội anh Lâm càng thêm vất vả. Vừa phải thường xuyên nắm tình hình để thu thập thông tin vừa phải đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ được giao nhất là trong thời điểm phòng chống dịch covid -19, hầu như các CBCS của đội lúc nào cũng kè kè cái điện thoại bên người để cập nhật thông tin liên tục và báo cáo ngay về lãnh đạo, nhận lệnh xử lý...

Chia sẻ về công việc của mình, Trung tá Chu Nhất Lâm cho biết: “Khâu quan trọng nhất vẫn là tìm kiếm trên không gian mạng, tìm mối liên hệ với các tài khoản. Quá trình xác minh từ tài khoản facebook ảo đến việc tìm ra một con người thật không đơn giản. Nếu tội phạm truyền thống có người chứng kiến, người biết việc và các mối quan hệ xã hội thì trên không gian mạng đó là một thế giới ảo. Người sử dụng có thể dùng tên giả, địa chỉ giả để lập tài khoản facebook phục vụ cho ý đồ cá nhân của mình. Với môi trường mạng xã hội facebook, việc chia sẻ nhanh và dễ, số lượng bài càng lớn thì việc ngăn chặn càng khó khăn”.

Và tất nhiên, đồng nghĩa với điều đó là cường độ làm việc của anh em trong đội an ninh phải tăng rất nhiều lần. Thế nhưng trong hàng nghìn bài viết có tính vi phạm ấy, các anh phải lựa chọn các bài viết điển hình để xử lý mang tính răn đe. Tất cả chỉ nhằm một mục đích là góp phần nâng cao nhận thức của người dân trước các thông tin sai sự thật, chưa kiểm chứng.

Phòng chống dịch Covid-19 trong tình hình mới

Dịp covid-19 vừa qua, anh chị em đi lại như con thoi, xuống cơ sở tuyên truyền, vận động lại ra điểm chốt trực lại đi nắm bắt thông tin. Sau khi hết giãn cách xã hội, các hoạt động trở lại bình thường thì thay vì có mặt ở chốt trực, mọi người lại chia nhau tới các khu vực trường học, nhà ga, bến xe và các cơ sở kinh doanh để nhắc nhở người dân thực hiện công tác phòng chống covid-19 trong tình hình mới.

Những ngày tăng cường chống dịch, mắt ai cũng trũng sâu hơn nhưng giờ nụ cười đã vui trở lại, không còn lo lắng, căng thẳng như hơn một tháng trước nữa. Tuy nhiên, theo Trung tá Nguyễn Tiến Đạt, Phó trưởng CA quận Đống Đa, Hà Nội thì việc phòng chống dịch bệnh đã chuyển sang một giai đoạn mới đòi hỏi các anh phải có biện pháp phù hợp với tình hình hiện nay.

Trung tá Nguyễn Tiến Đạt, Phó trưởng CA quận Đống Đa, Hà Nội: Triển khai đồng bộ các biện pháp phòng ngừa nghiệp vụ, phòng ngừa xã hội trấn áp các loại tội phạm không để phức tạp ANTT sau dịch bệnh...

“Trên địa bàn chúng tôi hiện có hơn 1.400 người nước ngoài đang lưu trú. Số người nhiễm, tiếp xúc gần và trở về từ vùng dịch là 19 người, chưa kể số người nhập cảnh về nước từ ngày 7-3 chưa qua cách ly là 246 trường hợp. Nhưng ngay từ khi thiết lập vùng cách ly tại bệnh viện Bạch Mai và bệnh viện Thận Hà Nội, CA quận Đống Đa đã xây dựng phương án bảo vệ, cắt đặt người và thiết lập thêm chốt kiểm soát, giám sát tại khu vực ga Hà Nội nên đã góp phần khoanh vùng và khống chế được số người lây nhiễm. Thời gian tới để phòng chống dịch bệnh trong tình hình mới, chúng tôi tiếp tục duy trì công tác rà soát, nhất là đối với người nước ngoài cư trú trên địa bàn, người từ nước ngoài về để bắt buộc họ phải khai báo y tế đồng thời thực hiện các công tác thường xuyên khác như triển khai đồng bộ các biện pháp phòng ngừa nghiệp vụ, phòng ngừa xã hội trấn áp các loại tội phạm không để phức tạp ANTT sau dịch bệnh”, Trung tá Nguyễn Tiến Đạt cho hay.

(Còn nữa)

Theo Pháp luật & Xã hội