Đã tròn 10 ngày Ngọc cùng các bạn trong nhóm thực sự hòa vào công việc phòng, chống dịch như các y, bác sỹ thực sự. Mới chỉ có thế thôi, mà thời gian còn cặm cụi lý thuyết như đã xa lắm, thời gian của các em bây giờ là lấy mẫu bệnh phẩm, hỗ trợ các y, bác sỹ trong phòng xét nghiệm… Dù không phải điều trị cho bệnh nhân, nhưng số lượng bệnh phẩm quá nhiều cũng khiến các em đôi khi không có thời gian để nghỉ.
Ngọc cho biết, buổi sáng các em bắt đầu từ lúc 6g30 sáng, những buổi sáng “được” bắt đầu công việc từ lúc 8g đã không còn. Đến địa điểm làm việc, chỉ kịp mặc, đeo đủ các trang bị bảo hộ là bắt tay vào việc. Bạn bè có nhìn thấy nhau thì cũng chỉ kịp mỉm cười hoặc gật đầu chào, những câu chuyện phiếm hay lời hỏi han nhau mọi người bỏ qua hết. Làm một mạch đến khi hết việc, cũng chẳng phân biệt lúc nào là trưa, lúc nào là giờ nghỉ.
Bữa trưa có khi là 12g, cũng có lúc 2, 3g chiều. Ăn quấy quá cho xong chứ chẳng còn thời gian mà nhâm nha, mệt quá thì tranh thủ ít phút vào phòng chợp mắt tí để lấy lại sức để bắt đầu vào việc tiếp.
Dấu hằn trên khẩu trang là niềm tự hào của các sinh viên y. Ảnh: Trường ĐH Y Hà Nội |
Ngọc cho biết, đấy là không phải trực, còn nếu đến lịch trực thì hết ngày lại tiếp tục làm đêm. Công việc vẫn còn nhiều lắm, vì quá nhiều mẫu bệnh phẩm chuyển về. Các mẫu từ các khu cách ly, từ các trạm, các trung tâm y tế phường, xã.
Có những cô bạn Ngọc thời gian đầu vì công việc quá nhiều, quá mệt mỏi nên đã bật khóc. Sinh viên trường Y vốn quen với cường độ học tập, quen với các công việc lâm sàng, quen với việc trực đêm… mà khi vào chiến dịch phòng, chống Covid còn áp lực như thế, đổi lại nếu là sinh viên trường khác khó mà trụ. Thế nhưng rồi dần dần cũng quen, đến giờ các em đã bắt được nhịp, đã thích nghi với thời gian biểu… chẳng giống ai của đội ngũ nhân viên y tế trong cuộc chiến này.
Ngày trước, khi nhìn thấy hình ảnh các đồng nghiệp của mình ở Vũ Hán với gương mặt ngang dọc những vết hằn, Ngọc cũng chỉ thấy đồng cảm. Nhưng cho đến khi em khoác bộ quần áo đó rồi, lúc đấy em mới thấy thương. Trước khi vào làm việc, Ngọc và các bạn cùng nhóm được hướng dẫn mặc đúng, đủ đồ bảo hộ. Cái khuyến cáo nên đi vệ sinh, uống đủ nước trước khi mặc trang phục tưởng chỉ do mấy anh chị cẩn thận quá. Nhưng hóa ra không phải…
Trời Hà Nội không còn lạnh nữa, cũng có những hôm trời đã nắng, nhiệt độ đã lên đến 27, 28 độ. Mặc bộ đồ bảo hộ lên, có nghĩa các em khoác trên mình đến… 3 lớp quần áo. Quả thực mặc đồ bảo hộ không hề dễ chịu, Ngọc cho biết. Nóng và bí lắm.
Có những khi các em làm việc, mồ hôi trong người túa ra, mồ hôi nhỏ tí tách, nhòa xuống mắt cay xè nhưng không được phép đưa tay lên lau, chùi. Lớp đệm mũ thít trên trán, viền khẩu trang bít dưới mặt cùng với nhạt nhòa mồ hôi khiến da mặt em ngứa ngáy, đau dứt khó chịu. Chưa hết, đó còn là khi đã khoác bộ quần áo bảo hộ lên, có nghĩa tất cả các nhu cầu cá nhân đều… dừng lại hết. Có muốn đi vệ sinh cũng cố mà chịu cho đến hết giờ.
Và đến lúc cởi được bộ đồ bảo hộ ra, Ngọc đã thấy mình có dấu vết chẳng khác gì những y, bác sỹ tại Vũ Hán mà em đã xem hình ảnh từ trước. Những vết hằn ngang dọc trên mặt, những phờ phạc thấm đẫm mồ hôi… Nhưng dấu ấn đó, với em nó là sự khẳng định, các em đã thực sự vào cuộc.
Kể về câu chuyện những ngày lấy mẫu, Ngọc nói, cũng ít còn thời gian để nghĩ đến chuyện vui hay buồn. “Ở các đơn vị cách ly bọn em đã làm thì đa phần người Việt mình rất hợp tác. Chỉ có người ngoại quốc có vẻ họ không hài lòng, nhưng việc lấy mẫu rất nhanh nên họ chẳng có nhiều thời gian ở đó, còn bọn em thì cũng không có thời gian để mà nhạy cảm, suy nghĩ”, Ngọc nói.
Trong nhóm các em không phải ai cũng may mắn như Ngọc, bởi gia đình em ở Hà Nội, hết giờ làm, em có nơi để về chứ không phải trọ. Chứ các bạn em đi làm, sau khi về còn phải tránh né sự dò xét của chủ nhà. Trong thời điểm mà y, bác sỹ đều được ghi nhận, nhưng ai ai cùng e ngại khi tiếp xúc vì lo sợ phơi nhiễm Covid, thì việc tìm nhà của các em là vô cùng khó. Thế nên các em đều đã chủ động lên những “kịch bản” dạt sang nhà các bạn khác… ở nhờ.
“Bố mẹ em cũng lo cho em nên hay nhắn tin xem em đang ở đâu, ăn uống gì chưa, đã được nghỉ chưa. Biết là đây là công việc bọn em phải làm nên bố mẹ chỉ căn dặn chuyện cố gắng giữ sức khỏe. Nhưng em cũng phải dặn bố mẹ không nên để hàng xóm láng giềng biết việc em đi tình nguyện, bởi nhỡ các bác ấy không thông cảm thì phiền cho bố mẹ”, Ngọc nói. Em cũng cho biết, ngoài công việc em cũng còn rất lo cho khóa luận. Năm nay ra trường rồi, thời gian cũng chẳng còn nhiều thế nên cũng phải tranh thủ tất cả những thời gian rảnh.
Sữa, bánh mỳ, bánh ngọt, dầu gội đầu, bàn chải, kem đánh răng… là những đồ luôn được chị gái Ngọc chuẩn bị sẵn trong balo của em. Những mệt mỏi trong thời gian này với các em chẳng ăn thua gì so với bao chiến sỹ ngoài kia. Thế nên, việc của các em hôm nay, với Ngọc, đó là việc nên và phải làm, bởi các em là sinh viên y khoa.
(Còn nữa)