Bé gái chào đời khoẻ mạnh khi mẹ vẫn hôn mê
Chiều 22/8, Bệnh viện Thanh Nhàn đã mổ bắt thai thành công, đón bé Cốm - tên gọi yêu thương của con gái chị Quỳnh Anh - chào đời ở tuần thai thứ 38. Đáng nói, chị Quỳnh Anh là thai phụ hôn mê 3 tháng (điều trị tại BV Thanh Nhàn) sau vụ tai nạn giao thông hồi tháng 5/2018.
Tháng 5/2018, khi chị Quỳnh Anh được đưa vào viện vì chấn thương sọ não vì tai nạn giao thông, bệnh nhân dù chưa có thân nhân xác nhận, các bác sĩ BV Thanh Nhàn vẫn tiến hành hội chẩn toàn viện và bệnh nhân có chỉ định mổ cấp cứu ngay lập tức.
Bé Cốm hiện đã 4 tháng tuổi, được nuôi dưỡng bởi sữa của nhiều người "mẹ". Ảnh: TL
Sau phẫu thuật bệnh nhân vẫn phải thở máy, hôn mê, phản xạ hầu như không có, tuy nhiên tình trạng sức khoẻ của thai nhi ổn định. Và, sau khi mổ xong người nhà bệnh nhân mới biết tin và tìm đến viện.
Một điều nữa cũng làm các bác sĩ lo lắng đó là người mẹ vừa trải qua một cuộc đại phẫu sẽ có rất nhiều nguy cơ sau mổ như viêm phổi, bị loét do tì đè, thiếu dinh dưỡng, mất máu sau phẫu thuật…
Với bệnh nhân Quỳnh Anh, thời gian đầu, chị mê man ý thức, nhiều lần sốt cao tưởng không thể qua khỏi... Nhưng điều bất ngờ đã xảy ra, chị dần chuyển biến tích cực, các cơ mềm mại, biết co duỗi ngón, nắm tay người thân, mở được mắt và đang có nhiều phản xạ cho thấy có sự nhận biết về tri giác.
Đặc biệt, bé Cốm trong bụng chị phát triển rất bình thường, với tốc độ và cân nặng như những thai nhi bình thường khác.
Không một ai nghĩ rằng với bao nhiêu lần chụp CT, Xquang... như thế, mẹ thiếu oxy não, thuốc men nhiều, cháu bé 19 tuần thai lại vẫn khoẻ mạnh bình thường. Các bác sĩ nhiều lần nghĩ đến, tiên lượng những điều xấu hơn. Nhưng 19 tuần nữa trôi qua, điều kỳ diệu đã đến.
"Trước mổ lấy thai, bác sĩ đã đứng tại giường và trao đổi với người nhà về kế hoạch mổ lấy thai, lúc đó nhịp tim của người mẹ và thai nhi bỗng nhiên thay đổi, nhịp tim nhanh hơn. Khi em bé cất tiếng khóc chào đời 14h ngày 22/8 cũng là lúc ý thức của người mẹ có những cải thiện đáng ngạc nhiên. Có những cảm xúc trào dâng, cảm thương, khâm phục. Nhưng có lẽ vẫn là tình mẫu tử thiêng liêng làm lên kỳ tích này! ”, BSCK2 Trần Viết Thắng, trưởng khoa Sản I, BV Thanh Nhàn chia sẻ.
Ngày 22/8, bé Cốm ngay sau khi chào đời đã được gần mẹ, được cho bú sữa ngoài. Hiện bé Cốm đang được người thân nuôi dưỡng, bé được dùng sữa của người thím (sinh con trước Cốm 1 tháng) và các "mẹ" khác. Chị Quỳnh Anh đã được đưa về nhà để tiện chăm sóc.
Đẻ xong bé thứ 3 mới biết mình mang tam thai hiếm gặp
Khoảng 22 giờ ngày 1/12, khoa Sản, Bệnh viện Sản Nhi Nghệ An tiếp nhận sản phụ Cao Thị Th ( 24 tuổi, trú tại huyện Yên Thành, Nghệ An) nhập viện trong tình trạng mang thai ở tuần thứ 35, đau bụng chuyển dạ sinh.
Thăm khám cho thấy bệnh nhân có ngôi thứ nhất ngồi ngược. Qua thăm khám, nhận thấy tình trạng sức khoẻ của thai phụ, các bác sĩ đã nhanh chóng quyết định phẫu thuật. Ngay lập tức bệnh nhân được chuyển lên phòng mổ của khoa.
3 bé gái chào đời khoẻ mạnh, hồng hào trong sự ngạc nhiên của cả bác sĩ và... mẹ đẻ
Sau khi đón thành công hai bé gái, bác sĩ rất ngạc nhiên khi bụng của sản phụ vẫn.. to như chưa đẻ, hoá ra, vẫn còn một bé gái trong bụng mẹ. Điều này không chỉ khiến bác sĩ mà bản thân sản phụ cũng rất ngạc nhiên. Bởi sản phụ trong thời gian mang thai chưa từng siêu âm thấy 3 thai.
Sau 40 phút, ca phẫu thuật của ê-kíp gồm 3 bác sĩ và 2 hộ sinh đã giúp chị Th vượt cạn thành công. Hai bé gái cân nặng 2,2 kg và 1 bé gái nặng 2kg chào đời với sức khoẻ ổn định, da hồng hào, khóc to, thở đều tự nhiên không cần hỗ trợ, phản xạ bú tốt.
Người nhà của sản phụ Th cho biết, đây là lần thứ 2 chị Th mang thai và được dự sinh vào cuối tháng 12. Tuy nhiên, trưa cùng ngày chị Th đau bụng có dấu hiệu chuyển dạ sinh non nên được gia đình đưa vào bệnh viện. Trước đó, chị Th đã có một cậu con trai. Hiện sức khoẻ của sản phụ Th và ba bé gái ổn định, được xuất viện sau vài ngày sinh.
Kỳ diệu mẹ suy thận giai đoạn cuối sinh con khoẻ mạnh
Chị Lương Thị Th (SN 1991, xã Trực Đại, huyên Trực Ninh, Nam Định) lấy chồng 3 năm nhưng chưa con, chị còn mang trong mình căn bệnh suy thận giai đoạn cuối. Tưởng chừng ước mơ làm mẹ đã khép cửa, nhưng điều kỳ diệu đã đến, chị có thể mang bầu, tháng 9/2018, chị còn sinh con khoẻ mạnh tại Bệnh viện Phụ sản Hà Nội.
Tháng 1/2018, chị Th rất bất ngờ trong hạnh phúc vì đã mang thai tự nhiên. Lần đầu làm mẹ, cùng với bệnh nặng trong mình, chị không thôi lo lắng. Bản thân chị đã và đang điều trị bằng phương pháp thẩm phân phúc mạc tại Bệnh viện Thận Hà Nội.
Em bé con của người mẹ bị suy thận giai đoạn cuối đã chào đời khoẻ mạnh ở BV Phụ sản Hà Nội
Hơn 8 tháng thai kỳ, thai phụ Th được BSCK2 Đỗ Khắc Huỳnh, Phó Giám đốc BV Phụ sản Hà Nội theo dõi sát sao. Vị bác sĩ này luôn nhắc nhở nhân viên, ê-kíp của mình rằng bệnh nhân còn tiếp tục điều trị suy thận giai đoạn cuối nên tất cả những gì có thể làm được từ phía bác sĩ sản khoa sẽ cố gắng làm tốt nhất có thể vì sức khỏe người bệnh.
Chị Th được bác sĩ theo dõi chặt chẽ từng giai đoạn, đo huyết áp hàng tuần, theo dõi chức năng thận mỗi tháng, cân nặng, theo dõi từng chỉ số, tình trạng nước ối, siêu âm theo dõi sự phát triển của thai nhi, rau thai, duy trì chế độ ăn hạn chế muối, kiểm soát tốt huyết áp…
Khi thai được 34 tuần, chị Th thấy có dấu hiệu trở dạ. Ngày 24/9, các chuyên gia của Bệnh viện Thận Hà Nội và Bệnh viện Phụ Sản Hà Nội hội chẩn liên viện, chỉ định mổ lấy thai cho sản phụ này.
14h ngày 27/9, các bác sĩ đã thực hiện ca mổ bắt con. Sau 30 phút thực hiện, các bác sĩ đã lấy ra bé gái sơ sinh nặng 2,1kg. Sản phụ sau đó được theo dõi tại Khoa Gây mê hồi sức (BV Phụ sản Hà Nội) 12 tiếng rồi chuyển sang Bệnh viện Thận Hà Nội.
Các chuyên gia y tế cho biết, khả năng mang thai của phụ nữ mắc bệnh thận là khó, thậm chí là không thể có thai. Bệnh thận mạn tính dẫn đến rất nhiều rối loạn trong cơ thể, do đó khi mang thai ở bệnh nhân thận sẽ gây ra nhiều rối loạn, giảm chức năng thận và là yếu tố thúc đẩy dẫn đến suy thận mạn tính giai đoạn cuối và phải lọc máu sau này.
Chào đời nặng 500gr, được nuôi sống khoẻ mạnh
Bé gái sinh non hồi cuối tháng 1/2018 nặng 500gr, là con đầu lòng của vợ chồng chị V.T.D ở Cầu Giấy, Hà Nội sau 4 năm điều trị hiếm muộn. Sau 4,5 tháng được chăm sóc tại Bệnh viện Phụ sản T.Ư, bé đã lên được 2,65kg, tự bú được và được ra viện.
Vợ chồng chị D rất xúc động khi đứa con đầu lòng cuả anh c hị chào đời chỉ nặng 500gr đã được nuôi sống thành công. Ảnh: Zing
Trước đó, sau 4 năm chữa hiếm muộn, chị D đã mang thai. Khi thai nhi ở tuần thứ 26, chị D có dấu hiệu chuyển dạ và bị sinh non, em bé chào đời chỉ nặng 500 gram trong tình trạng hệ thống hô hấp còn rất yếu ớt và chưa hoàn thiện. Ngoài ra, bé còn có hiện tượng thở thoi thóp, tim rời rạc và phản xạ yếu.
Ngay sau khi sinh, cháu bé đã được các bác sĩ Trung tâm Chăm sóc và điều trị sơ sinh điều trị, theo dõi, chăm sóc kết hợp dinh dưỡng từ sữa mẹ. Bác sĩ Lê Minh Trác, Giám đốc Trung tâm cho hay đây là trẻ sơ sinh có trọng lượng 500 gr thứ 3 mà trung tâm đã nuôi dưỡng thành công trong 8 năm qua. Hai em bé cũng chào đời 500 gr năm 2010 và 2015 hiện đều đã lớn khỏe mạnh như các em bé khác
Quỳnh An