Ngày 28/9, Bệnh viện Phụ sản Hà Nội cho biết viện này vừa mổ bắt con thành công cho một sản phụ mắc suy thận giai đoạn cuối.

Sản phụ là chị Lương Thị Th (SN 1991, xã Trực Đại, huyên Trực Ninh, Nam Định). 4 năm trước, chị Th lập gia đình nhưng chưa có con. Phát hiện suy thận giai đoạn cuối, chị đã tưởng chừng không thể mang thai, làm mẹ.

Gia đình sản phụ suy thận giai đoạn cuối đón con gái mơi sinh từ nhân viên y tế.

Gia đình sản phụ suy thận giai đoạn cuối đón con gái mới sinh từ nhân viên y tế.

Nhưng rồi may mắn mỉm cười, hơn 8 tháng trước, chị đã mang thai tự nhiên. Lần đầu làm mẹ, cùng với bệnh nặng trong mình, chị không thôi lo lắng. Bản thân chị đã và đang điều trị bằng phương pháp thẩm phân phúc mạc tại Bệnh viện Thận Hà Nội.

Hơn 8 tháng thai kỳ, thai phụ Th được BSCK2 Đỗ Khắc Huỳnh, Phó Giám đốc BV Phụ sản Hà Nội theo dõi sát sao. Vị bác sĩ này luôn nhắc nhở nhân viên, ê-kíp của mình rằng bệnh nhân còn tiếp tục điều trị suy thận giai đoạn cuối nên tất cả những gì có thể làm được từ phía bác sĩ sản khoa sẽ cố gắng làm tốt nhất có thể vì sức khỏe người bệnh.

Chị Th được bác sĩ theo dõi chặt chẽ từng giai đoạn, đo huyết áp hàng tuần, theo dõi chức năng thận mỗi tháng, cân nặng, theo dõi từng chỉ số, tình trạng nước ối, siêu âm theo dõi sự phát triển của thai nhi, rau thai, duy trì chế độ ăn hạn chế muối, kiểm soát tốt huyết áp…

Khi thai được 34 tuần, chị Th thấy có dấu hiệu trở dạ. Ngày 24/9, các chuyên gia của Bệnh viện Thận Hà Nội và Bệnh viện Phụ Sản Hà Nội hội chẩn liên viện, chỉ định mổ lấy thai cho sản phụ này.

14h ngày 27/9, các bác sĩ đã thực hiện ca mổ bắt con. Sau 30 phút thực hiện, các bác sĩ đã lấy ra bé gái sơ sinh nặng 2,1kg. Sản phụ sau đó được theo dõi tại Khoa Gây mê hồi sức (BV Phụ sản Hà Nội) 12 tiếng rồi chuyển sang Bệnh viện Thận Hà Nội.

Các chuyên gia y tế cho biết, khả năng mang thai của phụ nữ mắc bệnh thận là khó, thậm chí là không thể có thai. Bệnh thận mạn tính dẫn đến rất nhiều rối loạn trong cơ thể, do đó khi mang thai ở bệnh nhân thận sẽ gây ra nhiều rối loạn, giảm chức năng thận và là yếu tố thúc đẩy dẫn đến suy thận mạn tính giai đoạn cuối và phải lọc máu sau này.

Tiến triển của bệnh thận mạn khi mang thai tuỳ thuộc vào độ nặng của bệnh thận sẵn có. Ngoài ra, tiên lượng thai tùy vào mức chức năng thận vào lúc bắt đầu có thai. Khi có thai, nếu bị tăng huyết áp, có tiền sản giật, protein niệu là các yếu tố nguy cơ làm cho bệnh thận mạn tiến triển ngày càng xấu đi.

Các bệnh nhân suy thận khi quyết định sinh cần hết sức cân nhắc và được theo dõi, tư vấn bởi các bác sĩ chuyên khoa để có thể quản lý và duy trì thai nghén an toàn cho cả mẹ và con.

T.Nguyên

Theo Giadinh.net.vn