Có thể nói, điều kiện tiên quyết để One Mount trở thành một lãnh địa hội tụ nhân tài nhiều nơi trên thế giới, chính là tầm nhìn khác thường. Trước khi Tập đoàn này chính thức chào đời, những nhà sáng lập đã quyết định, đứa con của mình phải mang ADN và vóc dáng của người khổng lồ: Trở thành số 1 Việt Nam ở lĩnh vực lựa chọn, giải quyết được những "điểm nghẽn, điểm đau" của nền kinh tế cũng như nhu cầu thiết yếu của hàng chục triệu người dân. Những nhà sáng lập tin rằng, dù không coi doanh thu – lợi nhuận là đích đến đầu tiên, nhưng nếu tìm ra đáp án cho bài toán lớn này, việc nhanh chóng trở thành công ty tỷ đô (Kỳ Lân) là điều tất yếu.

Khát vọng lớn cộng với thế và lực "hơn người", đã dẫn đội ngũ sáng lập One Mount thẳng đường tới trụ sở của một trong 3 tập đoàn tư vấn chiến lược lớn nhất thế giới. Sau hơn một năm tham chiến cật lực, nhà tư vấn và đội ngũ sáng lập đã lựa chọn một đường băng thông minh nhất nhưng cũng thách thức nhất cho tập đoàn khởi động và cất cánh.

Có một câu hỏi thi thoảng vẫn được nhân viên và đối tác đặt ra với lãnh đạo One Mount: Tại sao một Tập đoàn được thai nghén bởi hai tỷ phú hàng đầu Việt Nam với vô số quân hùng tướng mạnh, lại phải mời tư vấn nước ngoài? 

"Nhà tư vấn quốc tế có được bức tranh toàn cảnh bởi họ quét được hệ thống toàn cầu. Họ nhìn được năng lực và cơ hội của người Việt trong đất nước Việt Nam cũng như họ nhìn thấy được cơ hội của người Việt so với thế giới. Đánh giá của họ trung lập và khách quan, có so sánh với mô hình đã thành công của nước khác, cũng như lý giải tại sao nên chọn con đường này mà không chọn hướng đi khác. Ban lãnh đạo One Mount đã mất một năm cùng đối tác tư vấn chiến lược đánh giá cơ hội cạnh tranh cũng như lợi thế của mình để tìm xem One Mount có gì để tạo nên lợi thế vượt trội" - Một lãnh đạo của One Mount chia sẻ. 

Trước thời điểm thành lập One Mount, đầu năm 2018, câu hỏi quan trọng đầu tiên đã được cả bên tư vấn và đội ngũ sáng lập đặt ra: người Việt đã có khả năng giải được những bài toán ở tầm khu vực và toàn cầu hay không? 

Câu trả lời của Nhà tư vấn chiến lược quốc tế là: Tạm thời CHƯA. Người Việt thông minh, nhạy bén, có thể làm tất cả những lĩnh vực mà thế giới đang làm, nhưng chưa đủ thế và lực để tạo ra những sản phẩm công nghệ đột phá góp phần thay đổi nhân loại như Google, Facebook. Vì thế One Mount nên định vị trở thành một thế lực kinh doanh hàng đầu ở Việt Nam.

Câu hỏi quan trọng thứ hai đặt ra là: One Mount nên đột phá khởi nghiệp ở lĩnh vực nào? Với một xã hội đang phát triển như Việt Nam thì bất cứ lĩnh vực nào từ dược phẩm, y tế, giáo dục, cơ sở hạ tầng… cũng đều có cơ hội. Nhưng các lĩnh vực trên, One Mount không có ưu thế để trở thành thế lực số 1. Muốn tạo giá trị đủ lớn cho xã hội, cần phải tìm ra lợi thế vượt trội để trở thành người dẫn dắt. 

Thương hiệu của 2 vị tỷ phú sáng lập, vị thế tài chính, hệ thống khách hàng, lĩnh vực kinh tế nắm thị phần chi phối, giá trị thương hiệu các sản phẩm hai tỷ phú đã tạo cho thị trường Việt Nam… là tài sản rất lớn cho One Mount. Giữa hàng chục lĩnh vực cân nhắc, lựa chọn cuối cùng cho One Mount được đưa ra: Bất động sản, bán lẻ hàng tiêu dùng và dịch vụ tài chính. 

Nhưng để trở thành một hệ sinh thái chiếm lĩnh thị trường, thành "xương sống" cho các doanh nghiệp khác cơ hội cùng phát triển - phải là một nền tảng công nghệ cực mạnh, có cơ sở dữ liệu ôm trọn thị trường, và hệ thống ấy phải được vận hành bởi những con người có tố chất đặc biệt.

Và thế là One Mount đã ra đời với 3 chân kiềng: OneHousing (hệ sinh thái bất động sản toàn diện cho mọi nhu cầu về nhà ở); VinShop (nền tảng chuyên dụng cho tạp hóa Việt) và VinID (siêu ứng dụng và hệ thống quản lý khách hàng thân thiết lớn hàng đầu Việt Nam).

Nguyễn Kỳ Thanh (Giám đốc Marketing One Mount), sang Hoa Kỳ từ rất nhỏ và anh gần như là một người Mỹ hoàn toàn, trừ khuôn mặt và dòng máu Việt. 

Dù là 3 năm trước hay 3 năm sau, thì hồ sơ của Thanh vẫn là thứ mà không ít tập đoàn hàng đầu săn tìm. Tại sao người ở vị trí sáng láng như vậy lại quyết định trở về đầu quân cho một tập đoàn mới chỉ vừa thành lập trên giấy?

"Tôi luôn có một điều thôi thúc âm thầm trong huyết quản: Muốn một ngày nào đó được về đóng góp chút gì cho quê hương Việt Nam" – Nguyễn Kỳ Thanh nhớ lại - "Khi tôi tiếp xúc với lãnh đạo và được chia sẻ tầm nhìn - sứ mệnh lớn của One Mount, rồi được cam kết một môi trường làm việc cởi mở, sáng tạo, không kỳ thị thất bại, cùng nhau dốc sức kiến tạo một tương lai tốt đẹp cho người Việt, tôi đã quyết định trở về". 

One Mount là công ty của người Việt, muốn chinh phục thị trường Việt, tại sao lại chọn một người chưa từng có kinh nghiệm làm việc ở Việt Nam làm Giám đốc Marketing? 

"Mình phải chọn được những chuyên gia giỏi nhất, đẳng cấp thế giới ở những lĩnh vực chuyên môn mà tập đoàn cần. Còn những gì họ thiếu, như kinh nghiệm thực chiến tại thị trường Việt Nam, thì mình sẽ bổ trợ cho họ. Và quả thực, có những người như Thanh, One Mount có mã gen và nhận diện thương hiệu ở chuẩn mực quốc tế" – Lãnh đạo One Mount khẳng định.

Vào một ngày của mấy năm trước, Trần Hoài Việt Anh, 30 tuổi, đang làm Giám đốc một quỹ đầu tư lớn quy mô hàng trăm tỷ đô tại Hoa Kỳ, góp mặt trong hội thảo tìm kiếm nhân tài tại New York. Khán phòng hội thảo hôm đó có một nhân vật bay sang từ Việt Nam. Chị vừa là lãnh đạo vừa là chuyên gia "săn đầu người" của One Mount. Lập tức, chàng trai Việt đang làm việc ở Mỹ được "thợ săn" này quan tâm đặc biệt với những điểm tốc ký... trong đầu. Thứ nhất, dù là người phụ trách quỹ đầu tư rất lớn, nhưng Việt Anh luôn thể hiện thái độ khiêm tốn. Thứ hai, trụ lại được ở vị trí giám đốc quỹ đầu tư vài trăm tỷ đô, ngoài giỏi thì tính cách chàng trai này phải cực kỳ cẩn thận, chắc chắn, chi tiết thì mới có thể "cân" được cả hội đồng quản trị quỹ.

Cuộc tiếp xúc 1 – 1 với Việt Anh diễn ra ngay sau đó. "Dù làm ở đâu, lúc nào đó em vẫn muốn về Việt Nam" – bày tỏ đó đã chạm ngay vào ăng ten của nữ lãnh đạo, chị nhìn thẳng vào mắt người đối diện, nói: "Chị và Việt Anh có rất nhiều điểm chung. Chị cũng là một người Việt được tin cậy và có tiếng nói ở các tập đoàn nước ngoài, nhưng xét cho cùng, nếu mãi ở đó, mình chỉ là một con ốc vít trong cỗ máy lớn của họ. Chị em mình khó có thể tự tay gây dựng ra những thứ tự hào và quan trọng nhất là không cảm thấy đóng góp được điều gì đáng kể cho đất nước. Vị trí Giám đốc Tài chính One Mount đang đợi em". 

Một tuần sau kể từ cuộc gặp ở New York, Việt Anh xách ba lô rời nước Mỹ, về thẳng tổng hành dinh One Mount ở 458 Minh Khai, Hai Bà Trưng, Hà Nội. Khi đó, vợ anh vừa mới sinh con nhỏ chưa lâu.

Ken – là cái tên mà cộng sự dùng để gọi thân mật Nguyễn Phú Cường - Giám đốc Công nghệ One Mount. Trước khi về Việt Nam, Ken là kiến trúc sư trưởng Oracle - Tập đoàn phần mềm lớn thứ 2 thế giới tính theo doanh thu và vốn hóa thị trường. Ở Oracle, Ken có đội ngũ kỹ sư công nghệ lên đến 45.000 người. Anh đóng vai trò nhân sự then chốt trong việc cung cấp phần mềm nền tảng cho rất nhiều ông lớn thế giới như WeChat, WeBank, Tencent...

Ken nói, anh nhận thấy một số điều đặc biệt của Trung Quốc: Họ có một số tập đoàn đủ sức xây nên những hệ sinh thái công nghệ lớn để rất nhiều công ty start-up khác có thể bám vào và phát triển mạnh mẽ. Ở Việt Nam, chưa xuất hiện những tập đoàn kiểu như vậy, dù ý tưởng, nhân tài hay năng lực của người Việt không hề thua kém. 

Chính tầm nhìn "đủ lớn và đủ xa" của One Mount đã chinh phục Ken ở lại Việt Nam, nơi anh cùng One Mount quyết tâm trở thành người tiên phong trong việc xây hệ sinh thái công nghệ lớn nhất Việt Nam, làm "xương sống" kết nối doanh nghiệp và người tiêu dùng, giúp các start-up có cơ hội phát triển. 

Dù mới chỉ có trong tay 1.000 chiến binh, nhưng theo Ken "về trình độ, kỹ năng và sản phẩm thì chỉ 2,3 năm nữa kỹ sư công nghệ One Mount sẽ đạt trình độ toàn cầu".

Vì sao một công ty khởi nghiệp lại có thể đẩy nhanh trình độ đến như vậy? Giám đốc Công nghệ One Mount đưa ra 3 động lực cốt lõi: 

Thứ nhất là "mô hình đào tạo và thực hành ở One Mount không khác gì những công ty ở Silicon Valley". Mô hình ấy đi cùng văn hóa "fail fast" ở One Mount – chấp nhận sai nhanh, sửa sai nhanh. Không cần đau buồn khi sai, mà coi đó là cơ hội để nhìn lại sản phẩm và cách làm để tiến nhanh nhất về phía Đúng. Đó cũng là một cách khác để giữ chân người tài. 

Thứ hai, One Mount tạo lập được môi trường mà người làm công nghệ luôn tìm kiếm, đó là có mentor giỏi dẫn dắt và có cơ hội thực chiến. "Chúng tôi tạo ra mô hình kỹ sư "thợ cả", tức là tạo ra những linh hồn thực sự. Rất nhiều bạn trẻ tài năng tìm đến One Mount để được làm việc với những người rất giỏi này. Những năm đầu anh em thức cùng nhau đến 3 - 4h sáng để tranh cãi và cùng làm việc. Rất nhiều sáng kiến, ý tưởng đến từ các bạn trẻ đã được áp dụng để phát triển cho VinShop và OneHousing. Tôi tự hào mà nói rằng, những kỹ sư phát triển sản phẩm, trải nghiệm người dùng ở One Mount đã ở trình độ rất khó kiếm trên thị trường Việt Nam".

Điều thứ ba, nhưng lại tiên quyết, đó là tinh thần "chơi lớn". Khi vẽ kiến trúc công nghệ của hệ sinh thái One Mount, Ken đưa ra 3 phương án với 3 quy mô phát triển, nhà sáng lập One Mount chọn luôn phương án làm lớn nhất. Điều này đồng nghĩa One Mount có thể đi nhanh nhất, nhưng cũng tốn kém nhất. "Em cứ go for the best option (lựa chọn cách tốt nhất)!" - thông điệp ấy đã được lãnh đạo nói không chỉ 1 lần. "Sếp nhắc tới có những thứ phải tập trung đầu tư mới ra, không tằn tiện được. Nên ở One Mount, công cụ chúng tôi dùng hàng ngày, điều kiện cho đội công nghệ rất bài bản, có thể nói ngang điều kiện các tập đoàn toàn cầu" - Ken tự hào chia sẻ.

Nhiều lãnh đạo và nhân viên One Mount nhận xét: Nguyễn Phú Cường là một trong những người hạnh phúc và thăng hoa nhất trong công việc. "Tôi nghĩ rằng, nếu mình muốn làm điều gì đó đóng góp cho Việt Nam thì không có một cơ hội nào tốt hơn là ở One Mount. Các sếp không chỉ nhìn ra đường dài và khả năng tác động mạnh mẽ của công nghệ để thay đổi thị trường, góp phần biến chuyển nền kinh tế - mà còn đủ tầm vóc tài chính để chi trả cho giấc mơ rất đắt đỏ ấy." – Ken kết luận.

Mùng 4 tháng 5 năm 2021 là một ngày không thể quên đối với Trần Quang Trung - Giám Đốc phát triển Kinh doanh của OneHousing (sản phẩm thuộc One Mount). Đấy là ngày Trung chính thức về One Mount. Sẽ có rất ít người nhớ được chính xác ngày gia nhập công ty, nhưng Trung thì khác, vì ngay từ thời điểm đó anh buộc - phải - đếm - từng - ngày để hoàn thành một KPI "sấm sét". 

OneHousing có nhiệm vụ trọng tâm là bán nhà, nhưng khi Trung về, công ty đang tập trung toàn bộ vào làm chiến lược – nghĩa là chủ yếu mới làm trên giấy - còn mảng thực bán gần như chưa thành tựu gì. Cấp trên yêu cầu Trung: Trong thời gian ngắn nhất OneHousing phải chứng minh năng lực vượt trội với đối tác là nhà phát triển BĐS hàng hiệu Masterise Homes. "Tôi trả lời: Nếu để setup hệ thống bán hàng em cần tối thiểu 2 đến 3 tháng". CEO chốt: "Em chỉ có 1 tháng!". Thái độ quyết liệt đó của cấp trên khiến tôi hiểu rằng gần như không có lựa chọn khác" – Trung nhớ lại.

Đúng 16 ngày sau, 20/5/2021, sau khi làm tất cả những gì có thể một cách quyết liệt nhất, thông minh nhất, lượng bán của OneHousing đã vọt lên là đại lý dẫn đầu cho hai dự án Masteri Waterfront và Masteri West Heights. "Chúng tôi đã trở thành nhà phân phối số 1 của Masterise Homes tại Miền Bắc và luôn giữ vững vị trí đó cho tới bây giờ. OneHousing đã bán được có lúc lên đến 70 - 80% thị phần của Masterise Homes miền Bắc, quỹ hàng còn lại chia cho 34 đại lý lâu năm tại Hà Nội". 

Ở tuổi thứ 2 non trẻ của OneHousing, họ đã làm nên một kỳ tích mà Trần Quang Trung gọi là "trận đánh không thể nào quên trong đời!". Đó là sự kiện OneHousing mở bán quỹ căn đại dự án Vinhomes Ocean Park 2. Khu đô thị này được coi là một trong những dự án lớn nhất từ trước tới nay ở miền Bắc lên đến 12.000 căn thấp tầng.

"Đêm trước ngày mở bán chúng tôi thức đến tận 4h00 sáng để hoàn thiện bước cuối tất cả quy trình phục vụ khách hàng. 8h sáng thứ 7, dòng người xếp hàng mua kín đặc từ trụ sở One Mount tới tận cổng khu đô thị Times City - một cảnh tượng chưa từng có. Chúng tôi bán với tốc độ choáng váng. Tới 11h đêm mà vẫn còn rất nhiều khách hàng ở lại muốn được mua buôn, nhưng chúng tôi không bán buôn vì ưu tiên hàng cho số khách book chờ. Tối thứ 7 đó cả công ty và Tổng Giám đốc tập đoàn làm việc đến 2h giờ sáng, rồi 8h sáng hôm sau chúng tôi lại bắt đầu bán hàng đến tận 2h sáng hôm sau nữa. Trong vòng 2 ngày gần như không nghỉ ấy, OneHousing bán được gần 1.000 căn thấp tầng. Con số ấy, lịch sử trong nghề môi giới bất động sản Việt Nam chưa từng có" – giọng Trần Quang Trung vẫn đầy âm sắc rổn rảng khi kể lại.

Trước khi về OneHousing, Trần Quang Trung là giám đốc một khu nghỉ dưỡng ở Cam Ranh - Khánh Hòa. Sự bứt phá "khó tưởng tượng được" của Trung và cộng sự là một trong những minh chứng cho thấy "công thức" mà những người lãnh đạo One Mount đã chủ trương: Biến áp lực thành động lực, biến công ty thành bệ phóng, biến việc tạo giá trị cho đất nước thành lý tưởng, sẽ giúp nhân sự cống hiến hết mình và thăng hoa hết mức. 

"Kiếm tiền là điều vô cùng quan trọng, thành công cũng là điều vô cùng quan trọng - nhưng quan trọng hơn là chúng ta tạo ra một cái giá trị tốt đẹp cho xã hội. Đương nhiên việc gì ích nước lợi dân thì cá nhân mình cũng hưởng sự thành công đó" – Trung kết luận.

Ở mảng bán lẻ hàng tiêu dùng cũng chứng kiến rất không ít việc biến áp lực xứng tầm thành chinh phục xứng tầm. Nhiều người ở One Mount vẫn nhớ rất rõ một KPI được coi là "cực kỳ điên rồ" nhưng lại thành công ngoài mong đợi. Tháng 5/2020, VinShop vừa mới ra đời chỉ đạt doanh thu khiêm tốn. Yêu cầu được ban lãnh đạo đưa ra: Tháng 7/2020, VinShop phải cán mốc tăng trưởng 100 lần! 

Nhưng lẽ thường, ở đâu có áp lực rất lớn và có khoảng đất mênh mông để nhân tài dụng võ, thì ở đó sẽ bật ra những giải pháp rất khác biệt. Cứ cuối giờ chiều hàng ngày, các lãnh đạo của VinShop lại lên phòng CEO tập đoàn để cùng bày binh bố trận. Nhịp độ tác chiến căng như dây đàn. Tất cả guồng máy đều hiểu rằng mình đã ngồi lên lưng hổ và con hổ ấy đang phi với tốc độ cực đại.

Cuối tháng 7 đó, có một bữa tiệc nhỏ được tổ chức ở tầng hai trụ sở One Mount. Trong bữa tiệc ấy, "món ngon nhất" lại không thể gắp được bằng đũa, bởi nó chính là con số vượt mức 100 lần. "Dù sau này, có người không còn tiếp tục đồng hành cùng One Mount nữa, nhưng họ vẫn rất cám ơn những năm tháng cày ải không thể quên này, bởi ở đó họ đã được lãnh đạo tạo cho những thách thức thực sự xứng tầm để vượt qua giới hạn" - Giám đốc Đối tác nhân sự One Mount Trần Thị Thanh Hương nhớ lại. 

Một trong những điều mà người One Mount tâm đắc nhất, chính là văn hóa Agile đã tạo ra môi trường làm việc khuyến khích tư duy phản biện, kích thích góc nhìn đa chiều và chấp nhận biên độ đổi mới cực đại. Thiếu môi trường linh hoạt như vậy, One Mount không thể dung chứa được nhiều nhân tài đến từ nhiều nền văn hóa doanh nghiệp – văn hóa đất nước hoàn toàn khác nhau. Không có một môi trường coi đổi mới sáng tạo như việc sống còn, One Mount khó có thể kiến tạo được những con đường mới chưa từng có tiền lệ ở Việt Nam.

Đối với Nguyễn Mạnh Hà, một người thuộc thế hệ 9x, việc One Mount Distribution (công ty sở hữu thương hiệu VinShop) đặt mục tiêu đạt giá trị vốn hóa 4 tỷ đô la, là điều “điên rồ với người ngoài và vô cùng thách thức với người One Mount”. Nhưng với Hà, thách thức đó tuy lớn nhưng không lạ lùng, bởi 4 năm qua, Hà và cộng sự “không còn đếm những thách thức bọn em đã cùng nhau vượt qua”. Nguyễn Mạnh Hà cùng nhiều nhân tài “quốc nội” khác ở One Mount là ví dụ sinh động về một môi trường làm việc có thể giúp người trẻ bứt phá, vượt qua giới hạn hiệu quả như thế nào. 

30 tuổi, nhưng Hà đang nắm một vị trí rất quan trọng trong One Mount Distribution - Giám đốc kế hoạch và tối ưu chuỗi cung ứng. Có tối ưu được chuỗi cung ứng, đặc biệt là Logistic, thì VinShop mới có thể hiện thực hóa mục tiêu: tiết kiệm 10 - 15% cho toàn chuỗi; là "bà đỡ" của các nhà sản xuất, nhà cung cấp trong nước, đưa hàng hóa của họ đến với 75% gia đình Việt qua mạng lưới phân phối của tạp hóa.

Hà tự nhận mình đã thất bại nhiều lần ở One Mount, đặc biệt là trong 1 - 2 năm đầu tiên, "vì khi đó cái tôi của em chưa thuần, nên không làm việc được với những người tài khác". May mắn của Hà cũng là may mắn của những người trẻ ở One Mount: Khi họ có dấu hiệu quỵ ngã, sẽ được các mentors đỡ dậy, chỉ đường và quan trọng hơn, vẫn được tin tưởng giao trọng trách kiến tạo những thành công mới.

"Em đến với One Mount vì tin vào "tương lai Thánh Gióng" của Tập đoàn nên cũng sẽ tiếp tục chiến đấu vì tương lai ấy. Đó là điều khiến em quyết tâm từ chối các lời mời làm việc khác với mức lương gấp rưỡi. Với em bây giờ, công việc cũng là cuộc sống, cuộc sống cũng là công việc." – Hà nói.

Hồ sơ của Liêu Tú Trang - Giám đốc Quản trị hiệu quả kinh doanh VinShop cũng được săn lùng trên thị trường nhân sự. Tú Trang bắt đầu là một trưởng bộ phận, chỉ sau 4 năm Trang là người "có tác động quan trọng tới doanh thu của VinShop" như đánh giá của Lãnh đạo One Mount. "Nói thật nhé, bây giờ công ty nào gọi cho em, đặt vấn đề lương thưởng lên như là ưu tiên số 1, em cũng lắc đầu từ chối. Vì điều em quan tâm hơn là lý tưởng & tầm nhìn của công ty cũng như môi trường, công việc, đồng đội & mentor của mình. Dù họ có thể trả mình lương thật cao, nhưng 5 năm, 10 năm nữa nếu công ty ấy không bứt phá về tầm vóc thì bản thân mình đâu thể phát triển theo" – Trang chia sẻ.

"Để giữ chân nhân sự trụ cột ở One Mount, không phải là vấn đề tiền bạc. Người tài thường nhìn vào đích xa hơn rất nhiều cái công việc hàng ngày, hàng tháng. Điều khát khao lớn của họ là: Cái mình đang làm có thực sự tốt, thực sự nhân văn, thực sự phục vụ cho xã hội hay chỉ thỏa mãn lợi ích một vài ông chủ? Và họ vững tin nền tảng công nghệ cực mạnh mà One Mount đang sở hữu – nền tảng sẽ giúp họ hiện thực hóa khát khao. Khi còn tin tưởng vào điều mình làm, khi còn được đóng góp vào lý tưởng lớn, người ta sẽ còn ở lại. Đấy chính là một phần của triết lý của One Mount: Kết nối con người và doanh nghiệp tại nơi giao thoa giữa công nghệ và nhân văn" – Trần Thị Thanh Hương kết luận.

 

Theo Bùi Hải (Nhịp sống thị trường)

Nguồn: https://cafef.vn/ky-luc-san-dau-nguoi-cua-tap-doan-viet-nam-4-tuoi-188231003093111301.chn