Hà Nội vắng người trong những ngày kháng chiến chống thực dân Pháp
Kế “thanh dã” bỏ ngỏ thành Thăng Long “đón lõng” giặc
Thăng Long là kinh đô của Đại Việt trong gần 800 năm, từ năm 1010 đến năm 1802. Là kinh đô nên nơi đây là đầu não của nhà nước phong kiến. Xưa với các cuộc chiến tranh, kinh đô bao giờ cũng là nơi dừng chân cuối cùng, chiếm được kinh đô là chiến thắng và kinh đô Thăng Long không phải là ngoại lệ. Trong vòng 30 năm, từ năm 1258 đến 1288, đế chế Nguyên Mông đã 3 lần xâm lược Đại Việt.
Lần thứ nhất, quân giặc đã chiếm thành Thăng Long 11 ngày và sau đó bị đánh bật ra bằng trận Đông Bộ Đầu ngày 29-1-1258. Đó là trận quyết chiến chiến lược đầu tiên trên đất Thăng Long kể từ khi nước Đại Việt ra đời. Thua trận nhưng giặc không từ bỏ tham vọng làm bá chủ thế giới, họ tiếp tục đưa quân xâm lược. Trước sức mạnh và sự hung bạo của giặc Nguyên, triều Trần ra lệnh cho hoàng cung và dân chúng tạm rút khỏi kinh thành.
Người đứng ra lo việc sơ tán hoàng cung là Linh Từ quốc mẫu Trần Thị Dung, vợ của Thái sư Trần Thủ Độ, người sáng lập ra triều Trần và cũng là linh hồn của cuộc kháng chiến. Bà đã tổ chức cho hoàng gia và các gia đình tướng sỹ đang chiến đấu ngoài mặt trận rời khỏi kinh thành một cách an toàn. Bà cũng tổ chức cất giấu và phân tán của cải, lương thực trong kho để không lọt vào tay giặc. Khi bà chết được phong là Quản Chưởng quốc khố công chúa Châu Nương, dân gian quen gọi là Bà Chúa kho, nơi thờ bà là đình làng Giảng Võ (quận Ba Đình).
Cùng với sơ tán hoàng cung, triều đình nhà Trần còn ra lệnh cho dân chúng ở 61 phường trong kinh thành sơ tán để thực hiện kế “thanh dã”. Thành Thăng Long hoang vắng, không có sự sống. Quân Nguyên Mông đã dễ dàng chiếm được kinh thành vì không gặp phải sự kháng cự nào, nhưng Thăng Long chỉ còn là tòa thành trống rỗng và chúng chỉ tìm thấy những tên sứ giả bị trói chặt bằng thừng tre. Sự hoang vắng có chủ đích đã khiến quân Nguyên Mông lo sợ. Và đúng như vậy, đội quân hùng mạnh đánh từ Á sang Âu giờ rơi vào tình trạng binh lính thiếu lương, ngựa thiếu cỏ nên sức chiến đấu yếu dần. Chỉ chờ có thế, binh lính nhà Trần phản công và giành chiến thắng.
Bệnh viện Bảo hộ (Nhà thương Phủ Doãn) tức Bệnh viện Hữu nghị Việt-Đức ngày nay
Những lần Thăng Long hoang vắng vì chạy giặc
Đầu thế kỷ 15, giặc Minh xâm lược Đại Việt, lần này nhà Hồ yếu đuối nên nhanh chóng đầu hàng. Trước sự tàn ác của giặc Minh, dân chúng đã chạy trốn khỏi kinh thành, phố phường 20 năm giặc chiếm rất ít dân và xơ xác. Khi đại quân của Lê Lợi bao vây kinh thành, quân Minh đã phải ký thỏa ước rút quân cuối năm 1427. Đầu năm 1428, Lê Lợi vào thành, dân chúng đi sơ tán cũng đã theo về, Thăng Long đông vui trở lại.
Cuối thế kỷ 18, giặc Thanh xâm lược Đại Việt, chúng chiếm Thăng Long nhưng kinh đô cũng vắng lặng vì dân chúng chạy giặc. Khi Pháp đánh thành Hà Nội lần thứ nhất năm 1873 và đánh thành lần thứ hai năm 1882 phố xá cũng vắng teo, buôn bán đình trệ. Và Hà Nội vắng lặng còn vì lý do khác, đó là sự cướp bóc của quân Cờ Đen. Ca dao xưa có câu:
Cờ Đen cho chí cờ vàng
Làm cho trăm họ khóc than đứng ngồi
Thế kỷ 20, Hà Nội cũng mấy lần vắng lặng khi thực dân Pháp tái chiếm Hà Nội từ cuối năm 1946. Đại diện Việt Minh và chính quyền Pháp thỏa thuận tạm ngừng bắn cho dân chúng tản cư. Tết Đinh Dậu năm 1947, chợ hoa Hàng Lược không mở, nhiều gia đình cúng ông Công, ông Táo trên đường gồng gánh tản cư. Các hiệu buôn đóng cửa, phố xá vắng lặng, ở lại chỉ có các chiến sỹ tự vệ Thủ đô.
Chiến sự xảy ra trên các con phố không người mà trước đó còn tấp nập kẻ mua, người bán. Sau 60 ngày đêm đánh Pháp, Trung đoàn Thủ đô rút ra khỏi nội thành, phố xá tiêu điều và đổ nát. Thực trạng này kéo dài cho đến hết năm 1947, đầu năm 1948 mới lục đục có gia đình trở về. Và rồi trong những ngày tháng Mỹ ném bom miền Bắc mà trọng điểm là Hà Nội, dân chúng Thủ đô đã 2 lần sơ tán, đèn tín hiệu giao thông không cần bật, tầu điện vẫn leng keng nhưng vắng khách.
Quân dân Hà Nội sơ tán trong chiến dịch 12 ngày đêm chống cuộc tập kích đường không chiến lược của Mỹ
Nếm trải những trận dịch bệnh lịch sử
Trận dịch bệnh đầu tiên được “Đại Việt sử ký” chép là năm 1100, đời vua Lý Nhân Tông. Từ năm này kéo dài đến thế giữa kỷ 18 có khoảng 9 trận dịch. Có lẽ thực tế còn cao hơn do sử chép không đầy đủ, sử biên niên lúc đó chủ yếu chép việc làm của vua quan và những sự kiện chính của triều đình.
Nhưng dịch xảy ra nhiều nhất có lẽ là thế kỷ 19. Theo “Đại Nam thực lục”, từ năm 1820-1895 xảy ra 75 trận dịch lớn nhỏ là đậu mùa, tả, thương hàn... trên nhiều tỉnh thành Việt Nam. Sử chép Nguyễn Du chết vì dịch tả năm 1820. Trong những trận dịch đó, không ít lần xảy ra ở Hà Nội. Thời kỳ này Hà Nội không còn là kinh đô, chỉ là một trấn, rồi một tỉnh, nhưng lại là đô thị đông dân nhất nước, mật độ dân cũng đông nhất nước nên mỗi lần xảy ra dịch là dân chúng không khỏi hoang mang, lo lắng.
Năm 1888 dịch tả lây lan mạnh ở Hà Nội, bị bệnh không chỉ có dân mà còn có binh lính nên chính quyền khi đó phải tổ chức cách ly lính Pháp trong “Trường thi Hương” (nay là Thư viện quốc gia ở phố Tràng Thi). Chính quyền cũng cách ly dân ở các phố bị bệnh trong khu vực 36 phố phường. Trong cuốn “Lịch sử Hà Nội”, tác giả Phillip Papin thống kê có khoảng 6.000 người chết, đó là con số lớn vì giai đoạn này dân số Hà Nội chỉ khoảng 10 vạn.
Nhà văn Nguyễn Ngọc Tiến
Trong cuốn “Xứ Đông thuộc Pháp - Những kỷ niệm” của Toàn quyền Đông Dương Paul Doumer (1897-1902) đã viết về trận dịch hạch năm 1902-1903. Lo sợ bệnh dịch, nhiều gia đình đã đưa con cái và cha mẹ già về quê, lao động nhập cư các tỉnh cũng trốn khỏi Hà Nội. Một cuốn sách khác là “Kẻ chinh phục” (Le Conquérant) của Herbert Wild viết về kinh tế Hà Nội những năm đầu thế kỷ 20.
Tác giả đã đánh giá vai trò của lao động nhập cư đến từ các tỉnh khi họ làm phu ở các xí nghiệp, nhà máy, cơ sở dịch vụ, các cửa hiệu buôn bán, giúp việc cho nhiều gia đình và những người sống bám vào mặt đường. Nhưng tác giả cũng đưa ra mặt trái là khi thành phố này có dịch dịch tả năm 1910, năm 1914, thì khá đông trong số họ đã trở về quê khiến phố xá thưa vắng và thành phố thiếu hụt lao động.
Sự xuất hiện các vaccine chữa trị đậu mùa, tả do Viện Paster Hà Nội sản xuất đã ngặn chặn được một số bệnh dịch. Thành phố cũng có quy định chặt chẽ về vệ sinh nên hàng năm vào tháng 7 đến tháng 9 cũng ít dịch bệnh hơn. Với người bị bệnh, họ đã được chữa trị trong các khoa truyền nhiễm của Bệnh viện Phủ Doãn (nay là Bệnh viện hữu nghị Việt-Đức) và Robin (nay là Bệnh viện Bạch Mai) nên không còn gây ra tình trạng hoảng loạn bỏ phố về quê.
Dịch bệnh xuất hiện rất khó đoán trước, ví dụ như dịch bệnh Covid-19 đang diễn ra. Virus gây bệnh cũng biến đổi nhanh chóng sang các thể mới khiến việc dập dịch không dễ dàng dù y học ngày nay rất hiện đại. Bởi vậy tuân thủ nghiêm túc những quy định của Chính phủ về chống dịch cũng là liều thuốc để hạn chế lây lan và dập tắt dịch bệnh.