Tại buổi họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 3 vừa qua, Phó Thống đốc NHNN Đào Minh Tú đã đưa ra thông điệp: "Quan điểm điều hành chính sách tiền tệ của NHNN là tạo sự ổn định, tiếp tục duy trì ổn định cả lãi suất huy động và cho vay. Cùng với đó, nếu diễn biến thị trường thuận lợi sẽ tiếp tục giảm lãi suất để giảm chi phí, hỗ trợ người dân".
Phó Thống đốc NHNN cho rằng, nếu các chỉ số GDP, CPI diễn biến tích cực, thời gian tới NHNN có thể sẽ tiếp tục giảm lãi suất cả huy động và cho vay để hỗ trợ nền kinh tế. Cùng với đó là yêu cầu các tổ chức tín dụng tiếp tục giảm chi phí để giảm lãi suất hỗ trợ người dân.
Tuy nhiên, cũng phải cảnh giác với những dấu hiệu tác động của kinh tế thế giới (như giá nguyên liệu được dự đoán tăng 30% trong năm nay) hoặc một số lĩnh vực khác, kể cả việc dịch chuyển giữa các dòng vốn từ thị trường tiền tệ sang thị trường trái phiếu, thị trường vốn hoặc thị trường chứng khoán, thị trường bất động sản… để điều hành chính sách lãi suất một cách hợp lý.
Báo cáo mới nhất của Công ty cổ phần Chứng khoán SSI cũng đưa ra dự báo, mặt bằng lãi suất tiền gửi vẫn tiếp tục ổn định trong hầu hết quý II/2021 nhưng có thể nhích tăng từ 0,3-0,5% trong nửa cuối năm 2021. Lãi suất cho vay đối một số lĩnh vực ưu tiên có thể điều chỉnh giảm nhẹ ở một số ngân hàng nhưng về cơ bản mặt bằng lãi suất chung sẽ vẫn ổn định.
Cụ thể, theo thống kê của SSI, lãi suất tiền gửi đã giảm tổng cộng từ 2-2,5% trong năm 2020; trong đó, mạnh nhất là trong quý III/2020. Sang đến quý I/2021, đã có một số điều chỉnh tăng, giảm nhẹ từ 0,1-0,4% lãi suất tại một số ngân hàng thương mại, tập trung vào các kỳ hạn ngắn và nhóm khách hàng cá nhân.
Tuy nhiên, mặt bằng chung, lãi suất tiền gửi vẫn giữ nguyên ở mức từ 3-4%/năm với kỳ hạn dưới 6 tháng; từ 3,5-5,5%/năm với kỳ hạn từ 6-12 tháng và từ 4,6-6%/năm với kỳ hạn từ 12 tháng trở lên.
Trong năm 2020, lãi suất cho vay đã giảm từ 1-1,5%, thấp hơn mức giảm của lãi suất tiền gửi (2-2,5%). Nhờ vậy, biên lãi ròng (NIM) của hầu hết các ngân hàng thương mại đã tăng rất mạnh trong nửa cuối năm 2020 và hiện ở mức cao lịch sử, khoảng 4%.
Bởi vậy, nếu lãi suất tiền gửi duy trì ở mức thấp, các ngân hàng sẽ có cơ sở để giảm thêm lãi suất cho vay cho khách hàng bằng cách thu hẹp NIM về mức thông thường là 3,5%.
Được biết, NHNN mới đây đã giao chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng cả năm 2021, trong đó các ngân hàng thương mại nhà nước là từ 6,5-7,5% (ngoại trừ Vietcombank là 10,5%), các ngân hàng thương mại tư nhân từ 8-12%.
Hạn mức tăng trưởng tín dụng 2021 bình quân của các ngân hàng thương mại trong phạm vi nghiên cứu của SSI là 9%, thấp hơn mức bình quân 10% trong đợt giao hạn mức đợt đầu của năm 2020.
Thông thường, Ngân hàng Nhà nước sẽ có các đợt điều chỉnh hạn mức tín dụng cho các ngân hàng thương mại trong năm. Với mức giao hiện tại, SSI cho là phù hợp với mục tiêu tăng trưởng tín dụng cả năm 2021 là 12%, thấp hơn mục tiêu tăng trưởng tín dụng đặt ra hồi đầu năm 2020 là 14%.
Nguồn: https://congly.vn/lai-suat-ngan-hang-se-duoc-dieu-chinh-ho-tro-nen-kinh-te-184524.html