GS.TS Nguyễn Gia Bình - Trưởng khoa Hồi sức tích cực (BV Bạch Mai) cho biết, theo nhiều nghiên cứu, Việt Nam có tỷ lệ kháng thuốc kháng sinh cao trên thế giới do không kiểm soát được việc sử dụng thuốc kháng sinh trong cộng đồng. Đáng nói, trước kia Việt Nam chỉ phát hiện vi khuẩn kháng một số loại thuốc nhưng nay đã xuất hiện vi khuẩn siêu kháng thuốc, tức là kháng mọi loại thuốc kháng sinh.

Điều trị khó khăn...

Theo GS Bình, hầu hết các cơ sở khám chữa bệnh đang phải đối mặt với tốc độ lan rộng của các vi khuẩn kháng nhiều nhóm thuốc kháng sinh. Trong đó tình hình kháng thuốc tại các tỉnh phía Nam nghiêm trọng hơn.

GS.TS Nguyễn Gia Bình chia sẻ, điều đáng lo ngại nhất là không riêng gì BV Bạch Mai mà ở một vài bệnh viện khác cũng đã báo cáo về chủng vi khuẩn siêu kháng thuốc.

Kháng thuốc khiến thời gian điều trị kéo dài, phát sinh thêm chi phí

Kháng thuốc khiến thời gian điều trị kéo dài, phát sinh thêm chi phí

Tình trạng này không chỉ gây khó khăn cho các cơ sở y tế trong quá trình điều trị cho bệnh nhân mà còn đòi hỏi phải chủ động đối phó với việc ngăn chặn không để vi khuẩn siêu kháng thuốc lây lan sang bệnh nhân khác hoặc ra cộng đồng. Đặc biệt, nếu không có sự ngăn chặn hữu hiệu từ cộng đồng và cơ quan chức năng, các chuyên gia y tế còn lo ngại về nguy cơ hết thuốc điều trị trong tương lai.

Thực tế, Khoa Hồi sức tích cực (BV Bạch Mai) đang điều trị cho một bệnh nhân nam (47 tuổi) bị viêm tụy cấp gây suy đa tạng có nguy cơ tử vong cao. Tuy nhiên khi nhập viện, bệnh nhân này đã kháng tất cả các loại thuốc kháng sinh điều trị thông thường. Vì vậy, bác sĩ buộc phải sử dụng thuốc kháng sinh thế hệ mới nhất để điều trị.

Một bệnh nhân khác bị nhiễm trùng sau khi bị suy tim, bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính. Mặc dù, bệnh viện đã phải sử dụng thuốc kháng sinh thế hệ mới để điều trị nhưng hy vọng khỏi bệnh lại rất mong manh do kháng thuốc.

Mua thuốc kháng sinh dễ như mua... rau

GS Nguyễn Gia Bình phân tích, nguyên nhân kháng kháng sinh có nhiều như: Người dân mua thuốc, dùng thuốc kháng sinh vô tội vạ, không theo kê đơn của bác sĩ. Cứ thấy người dân “kể bệnh” là người bán thuốc (không hẳn là dược sĩ) đã tư vấn người dân dùng thuốc kháng sinh dù bệnh không cần hoặc chưa đến mức dùng thuốc kháng sinh. Thậm chí, họ còn khuyên người dân dùng các loại thuốc kháng sinh thế hệ mới, thế hệ cao. Lâu dần, người dân sẽ cần loại thuốc kháng sinh nặng hơn mới khỏi bệnh hoặc kháng thuốc kháng sinh…

Hơn 30 năm trong nghề, PGS.TS Nguyễn Tiến Dũng - Nguyên Trưởng Khoa Nhi (BV Bạch Mai) cho biết, ông đã từng đau xót nhìn bệnh nhân ra đi chỉ vì tìm ra vi khuẩn gây bệnh nhưng thuốc kháng sinh lại vô tác dụng.

"Từng trong vai người bệnh, tôi hỏi mua 2 viên thuốc kháng sinh (loại thuốc mà bắt buộc phải kê đơn), lập tức người bán thuốc cắt ra bán luôn. Khi tôi hỏi mua cả ngàn viên thuốc kháng sinh thì người bán hàng cũng nhanh nhảu bảo "chờ tí nữa có người mang thuốc đến", PGS Dũng kể.

Theo PGS.TS Nguyễn Tiến Dũng, đây thật sự là điều cực kỳ nguy hiểm mà người bán lẫn người mua không nhìn thấy hậu quả. Chính sự thờ ơ, thiếu trách nhiệm của người bán đã vô tình đẩy người bệnh tới một thế hệ kháng các loại thuốc kháng sinh. Là thầy thuốc, bác sĩ không khỏi đau lòng vì 90% bệnh nhân khi tìm tới bác sĩ đã được sử dụng thuốc từ trước. Họ nghĩ rằng uống tạm và nếu không đỡ mới tìm đến bác sĩ.

Lạm dụng thuốc kháng sinh: Tử thần lơ lửng trên đầu người bệnh

PGS Dũng cho rằng, tự mua thuốc kháng sinh cho con chữa ho, sổ mũi, cha mẹ "tiếp tay" cho vi khuẩn kháng thuốc

Giải pháp nào ngăn chặn?

Báo cáo toàn cầu về kháng thuốc của WHO mới đây (được tổng hợp từ 114 quốc gia) chỉ rõ, do kháng thuốc, tình trạng người bệnh phải nằm viện lâu hơn và tỷ lệ tử vong đã tăng lên ở tất cả các nhóm tuổi. Trong đó, tại châu Âu, số ngày nằm viện tăng 2,5 triệu ngày với số người tử vong lên tới 25.000 ca/năm. Còn ở Mỹ, khoảng 2 triệu người mắc bệnh nhiễm khuẩn và tử vong 23.000 người/năm do kháng thuốc, đồng thời dẫn tới các chi phí để giải quyết vấn đề kháng thuốc lên tới hàng chục tỷ USD mỗi năm.

Lý giải cho tình trạng kháng thuốc nói chung và kháng kháng sinh đang báo động ở nước ta, PGS.TS Lương Ngọc Khuê - Cục trưởng Cục Quản lý khám chữa bệnh (Bộ Y tế) cho biết, hiện nay, việc quản lý kê đơn nội trú được kiểm soát khá chặt chẽ qua áp dụng hình thức kê đơn điện tử, giảm nhiều sai sót; thế nhưng, việc thực hiện quy chế kê đơn thuốc ngoại trú vẫn chưa tốt. Vì thế còn tình trạng kê đơn theo tên thương mại đối với trường hợp thuốc không có nhiều hoạt chất.

Nội dung ghi đơn hướng dẫn sử dụng thuốc còn sai sót, chưa đầy đủ về hàm lượng, liều dùng, thời điểm dùng. Tình trạng sử dụng, mua bán thuốc không có toa của bác sĩ còn khá phổ biến. Người dân vẫn tự ý điều trị kháng sinh, uống thuốc không đúng quy định, không đúng phác đồ.

Trong khi đó, nhiều BV tuyến tỉnh đang có tình trạng lạm dụng kháng sinh thế hệ 3. Thống kê cho thấy, trong hơn 5 năm qua, số lượng thuốc kháng sinh ở Việt Nam bán ra cộng đồng đã tăng gấp 2 lần.

Để ngăn chặn mối đe dọa không có thuốc chữa được bệnh do vi khuẩn kháng thuốc gây ra, theo ông Khuê, tới đây, các quầy thuốc, nhà thuốc sẽ phải thực hiện quản lý mua bán, sử dụng thuốc qua hệ thống công nghệ thông tin để vừa bảo đảm bán thuốc khi có đơn vừa bảo đảm nguồn thuốc chất lượng để người tiêu dùng được sử dụng thuốc có chất lượng, không quá hạn, công khai, minh bạch về giá cả.

Đồng thời, Bộ Y tế sẽ thí điểm giám sát bằng hệ thống camera tại nhà thuốc và đưa tiêu chí bán thuốc kháng sinh theo đơn vào tiêu chuẩn nhà thuốc đạt Thực hành tốt (GPP).

Trong khi đó, nhiều chuyên gia y tế khuyến cáo người bệnh không lạm dụng thuốc kháng sinh như một loại thuốc thông thường, chỉ sử dụng thuốc kháng sinh khi chắc chắn có dấu hiệu hay bằng chứng của sự nhiễm trùng và phải có chỉ định, cũng như đơn thuốc của bác sĩ.

Theo congly.vn