Lan tỏa những thông điệp ý nghĩa, yêu thương sẽ tiếp thêm tinh thần đồng lòng chống dịch và tình yêu nước của mỗi người dân Việt Nam.

Lan tỏa những thông điệp ý nghĩa để cùng nhau đồng lòng chống lại Covid-19 (Ảnh: Bộ y tế)

Chống dịch như chống giặc

Kể từ khi phát hiện ca nhiễm bệnh đầu tiên, cả hệ thống chính trị đã vào cuộc hết sức quyết liệt để phòng, chống dịch. Trên tinh thần không quá lo lắng nhưng tuyệt đối không lơ là, chủ quan, trong đó, toàn dân tiếp tục chủ động ứng phó với khả năng dịch có thể bùng phát mạnh hơn, nước ta đã được được những thành quả bước đầu đáng tự hào.

Với quan điểm “chống dịch như chống giặc”, Chính phủ đã chỉ đạo các cấp, ngành, địa phương triển khai đồng bộ, tích cực, chủ động và linh hoạt các biện pháp nhằm ngăn chặn dịch bệnh lây lan. 

Thủ tướng chính phủ phát động tinh thần quyết tâm "Chống dịch như chống giặc"

Trong đó, lực lượng quân đội đã có những đóng góp quan trọng góp phần ngăn chặn dịch bệnh lây lan trong cộng đồng. Quân đội đã chủ động ra quân ở quy mô toàn quốc ngay từ những ngày đầu chống dịch. Bộ đội Biên phòng được triển khai ở tuyến đầu chống dịch, kiểm soát tốt các cửa khẩu, đường mòn, lối mở, góp phần ngăn chặn dịch bệnh lây lan. Các chiến sĩ “quân hàm xanh” đã không quản ngại ở lều, nằm rừng để kiểm soát chặt chẽ đường biên giới, tiếp nhận công dân trở về từ vùng có dịch và tham gia làm tốt công tác tuyên truyền, vận động, trấn an người dân; thực hiện cách ly y tế đối với người bệnh, người nghi nhiễm bệnh và người đến từ vùng dịch. 

Lực lượng quân đội được huy động để hỗ trợ nhân dân trong thời điểm dịch bệnh còn đang diễn biến phức tạp

Bên cạnh việc hết lòng hỗ trợ nhân dân trong thời điểm khó khăn, các chiến sĩ bộ đội thậm chí còn phải "hi sinh", "ăn rừng, ở núi" để nhường lại chỗ cho người dân khi đến khu cách ly tập trung của quân đội.

Đối với ngành y tế, toàn bộ lực lượng ngành y (y tế Nhà nước, y tế tư nhân, các lực lượng quân dân y, các trường đào tạo ngành y, các lực lượng cán bộ y tế đã nghỉ hưu) đều được huy động để tham gia vào cuộc chiến chống dịch, cùng đồng lòng, đoàn kết, thể hiện ý chí của cả hệ thống chính trị trong cuộc chiến đấu và quyết tâm chiến thắng đại dịch.

Các đơn vị thuộc khối dự phòng luôn chủ động điều tra dịch tễ, bám sát địa bàn để phát hiện sớm các trường hợp nhiễm; phát hiện các trường hợp nghi ngờ do tiếp xúc gần; điều tra dịch tễ các trường hợp nhiễm, trường hợp nghi ngờ; tiến hành giám sát, khoanh vùng gọn và dập dịch kịp thời. Hệ thống khám chữa bệnh Trung ương tới cơ sở luôn sẵn sàng cơ sở vật chất, con người, trang thiết bị sẵn sàng đón tiếp và điều trị bệnh nhân theo các hướng dẫn, phân luồng, phân tuyến của Bộ Y tế. Các cán bộ y tế cơ sở, cán bộ y tế tư nhân, cán bộ y tế nghỉ hưu luôn trong tâm thế sẵn sàng thực hiện nhiệm vụ khi chính quyền địa phương phân công, kêu gọi.

Toàn bộ lực lượng ngành Y được huy động để chống dịch Covid-19 (Ảnh: Tiền phong)

Trước tình hình diễn biến phức tạp, không dừng lại ở đó, hưởng ứng lời kêu gọi của lãnh đạo các Cấp chính quyền, một bệnh viện dã chiến tại Mê Linh và các khu cách ly tập trung được xây dựng và hoàn thiện chỉ trong vòng 7 ngày, được Bí thư Thành ủy Hà Nội đánh giá cao tinh thần quyết tâm, đồng lòng góp sức của doanh nghiệp khi duy trì được lực lượng cán bộ nhân viên từ 300 - 500 người mỗi ngày để khẩn trương xây dựng trong đúng tròn 1 tuần.

Bệnh viện dã chiến hoàn thành chỉ trong vòng 7 ngày thể hiện quyết tâm đồng lòng chống dịch của quân và dân ta. (Nguồn: CafeF)

Về phía mỗi người dân, việc kêu gọi tinh thần quyết tâm chống dịch, đồng lòng thực hiện theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ đã đạt được hiệu quả khá lớn. Đến thời điểm này, gần như tất cả người dân đều đã nâng cao ý thức, chủ động bảo vệ bản thân, đeo khẩu trang bắt buộc ở các nơi công cộng, rửa tay thường xuyên, tự giác khai báo y tế khi đi từ vùng dịch hoặc ở nước ngoài về hay tiếp xúc với những người nghi nhiễm... để góp sức cùng Nhà nước trong quá trình đẩy lùi bệnh dịch.

Những tấm lòng nhân ái

Ngay khi Bộ Thông tin và Truyền thông phối hợp với Bộ Y tế, Ban Thường trực Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Hội Chữ thập đỏ Việt Nam tổ chức đợt vận động nhắn tin ủng hộ, đóng góp “Toàn dân ủng hộ phòng, chống dịch bệnh Covid-19” thông qua Cổng Thông tin điện tử nhân đạo Quốc gia 1400 - đầu số 1407, đã có rất nhiều người dân Việt Nam nhắn tin ủng hộ công tác phòng chống dịch bệnh Covid-19. Những con số ủng hộ tăng lên mỗi ngày, mỗi giờ đã thể hiện sự đồng cam cộng khổ, tương thân tương ái của người dân cả nước trong tình cảnh dịch bệnh khó khăn.

Chung tay cùng Chính phủ trong công tác phòng chống dịch COVID-19 còn có các Doanh nhân, doanh nghiệp tiêu biểu tùy theo khả năng của mình, người có tiền góp tiền, người có hiện vật góp hiện vật, người có sức góp sức, người có ý tưởng góp ý tưởng, không phân biệt tuổi tác, địa vị, giai tầng, kể cả bà con ở nước ngoài xa xôi, luôn nêu cao tinh thần văn hóa nhân văn và trách nhiệm với cộng đồng của dân tộc Việt Nam.

Theo MTTQ Việt Nam, toàn bộ số tiền, hiện vật, vật tư đóng góp, ủng hộ tiếp nhận sẽ được chuyển tới Bộ Y tế để mua sắm trang thiết bị phục vụ quá trình điều trị cũng như chuyển và phân bổ trực tiếp hỗ trợ các khu cách ly trên cả nước.

Tính đến thời điểm hiện tại, “Quỹ phòng chống dịch Covid-19” đã thu được gần 340 tỷ đồng tiền ủng hộ từ các cơ quan, doanh nghiệp, cá nhân và gần 62 tỷ đồng qua tin nhắn thông qua Cổng thông tin điện tử nhân đạo Quốc gia 1400. Sự tham gia ủng hộ của các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp và người dân thể hiện tinh thần đoàn kết, sự chung sức, đồng lòng của mọi người dân Việt Nam trong cuộc chiến phòng chống đại dịch Covid-19 đồng thời là động lực to lớn để toàn Đảng, toàn quân, toàn dân quyết tâm ngăn chặn, đẩy lùi dịch bệnh.

Hãy ở yên khi Tổ quốc cần

Trong cuộc chiến căng thẳng này, hưởng ứng lời kêu gọi "Hãy ở yên khi Tổ quốc cần", mỗi cá nhân chỉ cần hạn chế ra đường, đóng cửa hàng quán không cần thiết; hạn chế tụ tập, hội họp, "đứng yên" và ở nhà...  đã là đóng góp công sức cùng Nhà nước trong công tác phòng chống và hạn chế khả năng lây lan của dịch bệnh Covid-19.

Trong trường hợp cần thiết phải ra ngoài, các chuyên gia y tế khuyến cáo mọi người nên sử dụng khẩu trang hoặc thậm chí là cả các thiết bị bảo hộ nhằm bảo vệ bản thân và cộng đồng.

Mỗi người dân luôn phải có ý thức bảo vệ bản thân và cộng đồng
Thông điệp ý nghĩa của các y, bác sỹ trong mùa dịch Covid-19: "Chúng tôi đi làm vì bạn, hãy ở nhà vì chúng tôi"

Mới đây, trong cuộc họp của Ban chỉ đạo phòng chống dịch Covid-19 Hà Nội, chiều 25/3, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung cũng đã yêu cầu các cửa hàng dịch vụ không thiết yếu, trừ các cửa hàng xăng dầu bán lẻ, thuốc chữa bệnh, rau củ quả, lương thực thực phẩm, còn lại đều phải đóng cửa đến hết ngày 5/4. Ông Chung nêu rõ, thành phố quyết định chỉ để 20% các phương tiện vận tải công cộng hoạt động, chủ yếu phục vụ công chức, viên chức đi làm. Khuyến cáo người dân không nên đi xe công cộng và mọi người nếu có ra đường phải giữ khoảng cách từ 2 – 3 mét và phải đeo khẩu trang để phòng chống lây nhiễm Covid-19.

Thắp sáng tinh thần Việt Nam để chiến thắng đại dịch (Nguồn: Internet)

"Khi có sự tham gia của tất cả người dân, với ý thức bảo vệ cho mình, gia đình mình, cộng đồng, trách nhiệm với đất nước mới có thể chiến thắng được dịch bệnh" - Chủ tịch UBND TP Hà Nội nhấn mạnh.

Mỗi hành động nhỏ là sức mạnh lớn tiếp thêm tinh thần Việt Nam trong công tác phòng chống và chiến thắng đại dịch!

Theo Trúc An/Đô thị mới