Nằm cách thành phố Hà Giang chừng 15km về phía Tây Bắc, Khuổi My là 1 trong 3 thôn bản vùng cao của xã Phương Độ - thành phố Hà Giang nằm trên dải sườn Tây Côn Lĩnh luôn chìm trong sương. 

Đường lên Khuổi My luôn chìm trong sương mù dầy đặc.

Đường lên Khuổi My luôn chìm trong sương mù dầy đặc.

Đường lên Khuổi My tuy là đường bê tông nhưng chỉ rộng chừng 3m và đã hư hỏng rất nhiều, chỉ có thể đi được bằng xe máy hoặc ô tô gầm cao. Chúng tôi lên Khuổi My đúng vào thời điểm mưa xuân ròng rã gần 1 tháng trời nên đường bị sạt lở, trơn trượt, chỉ có thể đi lên bằng xe Ford Everest, các loại SUV khác như Huyndai Santafe hay Chevrolet Captiva đều không lên được.

Nằm ở cao độ trên 1000m so với mực nước biển, với khí hậu chỉ mát mẻ về mùa hè, các mùa còn lại nhiệt độ đều rất lạnh nhưng những cây chè rừng ở Khuổi My đã có từ hàng trăm năm trước vẫn sừng sững và đâm chồi nảy búp tua tủa rung rinh trước gió mưa vùng sơn cước.

Đường bêtông dẫn lên Khuổi My nhỏ hẹp,chỉ vừa một chiếc xe ô ô.

Dù sáng sớm hay gần trưa, Khuổi My luôn mờ ảo sau làn sương mỏng. 

Dọc hai bên đường lên bản, không khó để thấy những gốc chè cổ thụ mọc ven sườn núi và cả trong vườn nhà của người Dao. Trên vùng núi cao này, cây chè cứ thế hút dinh dưỡng từ đất, từ đá, thấm đẫm sương đêm và phát triển mà chẳng cần đến bất cứ loại phân bón hay thuốc trừ sâu nào.

Một gốc trà cổ thụ có tuổi đời khoảng 300 năm ở vùng đất cao hơn 1.000 m này.

Một gốc trà cổ thụ có tuổi đời khoảng 300 năm ở vùng đất cao hơn 1.000 m này.

Theo lời mời của 1 cậu em người Hà Tây lên Hà Giang khởi nghiệp làm trà đã gần 5 năm, chúng tôi lên đến Khuổi My thì trời đã tối.

Lý Văn Dồn - chàng thanh niên người Dao - chủ nhà mà cậu em bố trí cho chúng tôi tá túc đón chúng tôi bằng câu chào tiếng Kinh niềm nở trong khi tay vẫn đang mổ cá dưới chân nhà sàn.

Câu chuyện bắt đầu rôm rả khi bữa tối được dọn ra. Đã lâu không có khách lên chơi, thế nên bữa tối được vợ Dồn chuẩn bị rất thịnh soạn. Có cá Bỗng sông Gâm - 1 giống cá đặc sản mà gia đình nào trên Khuổi My này cũng nuôi chỉ để dành cho ngày giỗ, tết và tiếp khách quý, măng rừng treo gác bếp, thịt treo gác bếp, thịt gà luộc và 2 chai rượu ngô.

Mâm cơm thịnh soạn đãi khách của gia đình Dồn.

Mâm cơm thịnh soạn đãi khách của gia đình Dồn.

Ở Khuổi My, hầu hết các gia đình người Dao đều tự cung tự cấp lương thực và thực phẩm. Từ hạt lúa, hạt ngô, củ sắn đến con lợn, con gà, con ngan và cả con cá nuôi dưới ao. Vào những ngày cuối năm cũ, họ mổ lợn, để dành 1 ít thịt tươi ăn tết, số còn lại họ xẻ ra từng miếng to bằng 3 ngón tay, dài chừng 30-40cm, ướp muối mặn trong 2-3 ngày rồi treo lên gác bếp để ăn dần.

Góc

Gác bếp của mỗi gia đình người Dao với nhiều loại thực phẩm tự cung tự cấp.

Riêng cá bỗng, được họ mua giống từ khi còn bé bằng ngón tay, nuôi ít nhất dăm năm rồi mới bắt dần lên để tiếp khách hay cúng tổ tiên ngày giỗ tết. Những con cá bỗng thả trong cái ao nông choèn choẹt đến đầu gối nhưng nước luôn sạch vì lấy nước nguồn từ suối chảy lưu thông suốt ngày, chỉ ăn rong rêu và lá cây, lá rau nên lớn rất chậm.

Một góc ao của gia đình Dồn.

Một góc ao của gia đình Dồn.

Trong thời gian vài năm đầu, cá có thể đạt đến trọng lượng 2kg nhưng sau đó thì lớn chậm lại. Cá ở ao nhà Dồn nuôi đã được 15 năm mà con cá bắt lên chỉ nặng hơn 3kg. Bù lại, thịt cá trắng, dai và thơm ngay từ khi được kẹp vào cái kẹp tre đặt lên trên than hồng để nướng. Vị thơm ngọt của cá, vị mặn, béo của thịt treo với hương rượu ngô nồng nàn khiến câu chuyện của chúng tôi râm ran cả 1 góc bản đêm.

Ăn tối xong, chúng tôi cùng cả gia đình Dồn quây quần uống trà, hút điếu ục và trò chuyện bên bếp lửa - không gian sinh hoạt chung hàng ngày của cả gia đình người Dao.

Ở các gia đình người Dao, mọi câu chuyện dường như luôn được bắt đầu từ góc bếp - khu vực sinh hoạt chung của cả gia đình.

Ở các gia đình người Dao, mọi câu chuyện dường như luôn được bắt đầu từ góc bếp - khu vực sinh hoạt chung của cả gia đình.

Mỗi buổi sáng, cả nhà thức dậy từ lúc 3h, nấu cơm ăn sáng xong, trước khi lên núi hái chè, họ ngồi với nhau trong lúc chờ người phụ nữ trong gia đình chuẩn bị cơm nắm và nước uống cho các thành viên đi rừng cả ngày. Chiều tối về, họ quây quần nghỉ ngơi uống nước trong lúc chờ người vợ chuẩn bị bữa cơm tối. Ăn tối xong, họ cũng ngồi như chúng tôi đang ngồi lúc này.

Tiếng điếu ục, tiếng cười nói râm ran vui vẻ sau 1 ngày đi rừng mệt nhọc. Trong lúc những người đàn ông mải mê đủ thứ chuyện bên ấm trà và chiếc điếu ục thì vợ Dồn lại lụi cụi lấy chè ra sao.

Vợ Lý Văn Dồn lấy chè ra sao.

Vợ Lý Văn Dồn lấy chè ra sao.

So với trước đây, công việc sao chè của người Dao giờ đây đã đỡ vất vả hơn nhiều. Tuy vẫn được sao trên bếp củi để đảm bảo giữ được hương trà giống với truyền thống nhưng những chiếc chảo gang sao chè ngày trước đã được thay thế bằng những chiếc lồng thép quay bằng tay trông như những thùng trộn bê tông quả quýt. 

Sao xong mỗi lượt, vợ Dồn lại đổ chè ra cái nong nhỏ rồi vò, rồi lại sao tiếp, cứ thế cho đến khi thành trà khô thành phẩm.

Búp trà hoang dã được hái lúc sáng sớm trong màn sương dày đặc từ những cây chè có tuổi đời hơn 300 năm ở Khuổi My.

Hồng Hạc/Reatimes.vn