Lì xì cùng cây nêu, tràng pháo, bánh chưng xanh,... vốn là những điều không thể thiếu trong ngày Tết cổ truyền Việt Nam. Người Việt quan niệm, lì xì tượng trưng cho những điều may mắn mà ta có thể trao cho nhau, cầu mong mọi sự bình yên, hạnh phúc thuận lợi trong năm mới. Tuy nhiên, những phong bao lì xì đỏ ẩn chứa những điều thú vị mà có thể bạn chưa biết.

Lì xì là phiên âm của từ "lợi thị" trong tiếng Trung, có nghĩa là được lợi, được tiền, được may mắn. Do đó, tiền lì xì là tiền đem lại cái may mắn, điều lành, điều tốt cho trẻ em dịp đầu năm.

Tục lệ lì xì đầu năm mới đã có từ thời xa xưa và xuất xứ từ Trung Quốc. Tương truyền: Có một gia đình nhà nọ ngoài 50 tuổi mới sinh được một mụn con trai. Tết năm ấy, có 8 vị tiên dạo qua nhà biết rằng chú bé này sẽ gặp họa với yêu quái nên biến thành 8 đồng tiền đồng, cha mẹ chú đem gói vào một mảnh giấy đỏ, đặt bên cạnh gối đứa bé. Khi con quái vật đến, những đồng tiền lóe lên khiến con quái vật hoảng sợ phải bỏ chạy. Từ đó lì xì được coi như "lá bùa" trừ tà ma, yêu quái trong đêm giao thừa.

Ý nghĩa của phong bao lì xì không nằm ở số tiền mừng mà quan trọng là ở thiện ý, ý nghĩa tốt đẹp của hành động. Tiền lì xì thường là những món tiền nhỏ, gồm cả tiền lẻ và tiền chẵn. Người nhận được tiền lì xì vô cùng thích thú.

Dưới đây là một số điều cấm kỵ khi tặng lì xì Tết ai cũng nên biết:

1. Để tiền chẵn

Người xưa quan niệm, việc tặng lì xì nên để số tiền chẵn điều này tượng trưng cho ý nghĩa tốt lành thay vì để tiên lẻ. Thậm chí, một số người còn đặt vào lì xì số tiền mang ý nghĩa phát lộc như: 88, 168, 186...

Lì xì đầu năm mang ý nghĩa may mắn
Lì xì đầu năm mang ý nghĩa may mắn

2. Nên dùng tiền mới

Tặng nhau lì xì vào dịp năm mới thế nên bạn hãy đặt tiền mới vào trong phong bao để đại diện cho sự khởi đầu tươi mới. Việc bạn đặt tiền mới thể hiện sự thành tâm cầu chúc cho trẻ em, người lớn tuổi một năm mới luôn ngập tràn những điều tốt đẹp.

3. Không dùng lì xì cũ

Một số người có thói quen tái sử dụng phong bao lì xì, tuy nhiên điều này là không nên bởi nó thể hiện sự thiếu tôn trọng người nhận khi bạn đem đồ cũ đi tặng trong năm mới.

4. Chỉ dùng lì xì màu đỏ

Ngày Tết Nguyên đán tặng nhau lì xì màu đỏ bởi đây là màu sắc mang nguồn năng lượng tích cực và là biểu tượng của hạnh phúc, may mắn và tài lộc. Vào những ngày đầu năm mới, người ta tặng nhau phong bao lì xì đỏ để hòa hợp với khí trời đầu xuân.

Không nên dùng lì xì có màu sắc khác lạ nhé bởi đỏ là màu của sự may mắn và tài lộc rồi.

5. Không nên mở phong bao lì xì trước mặt người tặng

Trong văn hóa Á Đông, mở bất cứ món quà nào trước mặt người tặng cũng được coi là thiếu lịch sự. Tương tự như vậy, bạn nên dặn trẻ không nên mở ngay phong bao lì xì trước mặt người tặng. Đã có không ít trường hợp cả hai bên phụ huynh đều xấu hổ khi bé vùng vằng vì tiền lì xì quá ít.

Theo An An/Đô thị mới

Nguồn: https://dothi.reatimes.vn/toancanh/li-xi-tet-va-nhung-dieu-nen-biet-de-dem-lai-may-man-dau-nam-20201231000000794.html