Trong 29 nhà băng đã công bố báo cáo tài chính, chỉ có hai ngân hàng ghi nhận nợ xấu giảm đi vào cuối quý II/2023 so với thời điểm đầu năm. Nhiều ngân hàng ghi nhận nợ xấu tăng trưởng ở mức hai con số. Cá biệt, có trường hợp nợ xấu vọt lên gần gấp ba lần, tạo áp lực lớn về dự phòng rủi ro cho các nhà băng.
Trong nửa năm 2023, VPBank đứng đầu bảng xếp hạng khi có gần 32.000 tỷ đồng nợ thuộc nhóm 3, 4 và 5, tăng 26,5% so với thời điểm đầu năm. Agribank đứng vị trí thứ hai với số dư nợ xấu đạt gần 30.500 tỷ đồng, tăng 17,1%.
Nợ xấu BIDV đã tăng tới hơn 47% trong 6 tháng qua, đạt con số gần 26.000 tỷ đồng vào cuối quý II/2023 còn VietinBank có khoảng 17.300 tỷ đồng nợ xấu.
Đại diện cuối cùng của nhóm Big4 là Vietcombank xếp ở vị trí thứ 7 với số dư nợ xấu đạt gần 9.800 tỷ đồng.
Tỷ lệ nợ xấu nội bảng được tính bằng tỷ lệ của tổng số dư nợ từ nhóm 3 đến nhóm 5 trên tổng cho vay khách hàng của ngân hàng.
Tỷ lệ nợ xấu nội bảng của Big4 này thuộc nhóm thấp nhất trong 29 ngân hàng đã công bố báo cáo tài chính. Ngoài ra, Vietcombank cũng dẫn đầu nhóm 29 nhà băng về tỷ lệ bao phủ nợ xấu.
Tổng số dư nợ xấu từ 29 nhà băng đã tăng thêm 33,7% trong vòng 6 tháng, đạt gần 220.000 tỷ đồng. Chỉ có hai nhà băng là SHB và Kienlongbank ghi nhận số dư nợ xấu cải thiện, lần lượt giảm 3,4% và 6,5%.
Theo ông Phạm Đức Ấn, Chủ tịch Hội đồng thành viên Agribank, trong bối cảnh kinh tế vĩ mô trong nước và quốc tế có nhiều khó khăn, thách thức, các doanh nghiệp hoạt động cầm chừng, quy mô sản xuất bị thu hẹp, tồn kho tăng cao, cạn kiệt nguồn thu, không trả nợ ngân hàng đúng hạn, dẫn đến nợ xấu gia tăng, mặc dù Ngân hàng Nhà nước đã có cơ chế cơ cấu nợ, giữ nguyên nhóm nợ.
Số liệu của Ngân hàng Nhà nước cho biết, tính đến cuối tháng 6/2023 đã có trên 18.800 lượt khách hàng được cơ cấu lại thời hạn trả nợ và giữ nguyên nhóm nợ theo Thông tư 02; tổng dư nợ (gốc, lãi) được cơ cấu giữ nguyên nhóm là gần 62.500 tỷ đồng. Điều này cho thấy, nợ xấu tiềm ẩn có thể được đẩy về tương lai cao hơn con số thực tế hiện nay.
Phó thống đốc thường trực Ngân hàng Nhà nước Đào Minh Tú nhìn nhận: “6 tháng đầu năm 2023, có thể nợ xấu nội bảng chưa cao, nhưng nợ có nguy cơ tiềm ẩn ở một số ngân hàng đang nhen nhóm. Điều này luôn đặt ra vấn đề cho an toàn hệ thống”.
Nguồn: https://kinhtemoitruong.vn/lo-dien-top-10-ngan-hang-co-nhieu-no-xau-nhat-nua-dau-nam-2023-79401.html