Chợ online sôi động
Chia sẻ về điều này trên báo Hải quan, chị Bích Thủy (Thanh Xuân, Hà Nội) cho biết, mua bánh ở ngoài vừa đắt vừa không đảm bảo nên ngày càng nhiều người thích tự làm bánh để không có chất bảo quản, không phẩm màu hay phụ gia…
Hơn nữa, quá trình làm bánh cũng là một cách giải trí cho con em mình. Tuy nhiên, bánh tự làm nhưng các nguyên liệu đầu vào vẫn phải đi mua ở ngoài, nên cứ đến mùa là mạng xã hội lại tràn lan quảng cáo bán bột và nhân bánh Trung thu các loại.
Theo chị Thủy: “Để đảm bảo an toàn và chất lượng tốt, các thành viên trên nhiều diễn đàn trực tuyến thường chỉ cho nhau địa chỉ hay kinh nghiệm mua hàng ở chỗ quen. Cửa hàng tôi hay mua chỉ là hộ gia đình kinh doanh theo mùa vụ, chỉ bán hàng online và đến dịp Trung thu mới làm, tôi đã lấy hàng quen nên rất yên tâm mặc dù không có giấy chứng nhận nào”.
Dạo quanh một vòng các trang mạng, giá thành và chủng loại các mặt hàng khá đa dạng. Giá các loại bột bánh dao động từ 25.000-60.000 đồng/kg, giá các loại hương liệu, tinh dầu từ 40.000-150.000 đồng tùy sản phẩm và xuất xứ…
Nhưng phong phú nhất phải kể đến các loại nhân, nhiều nhất vẫn là mứt bí, hạt bí tách vỏ, mứt sen, trứng muối, lạp xưởng, đậu xanh… với mức giá từ 50.000-200.000 đồng/kg tùy loại.
Các sản phẩm này có thể được bán theo từng lạng 100-200g, tùy theo sở thích của khách hàng mà các cửa hàng sẽ cung cấp riêng, hoặc đóng gói sẵn từng túi nguyên liệu hỗn hợp theo bánh truyền thống để khách hàng dễ sử dụng hơn.
Tuy nhiên, điều đáng quan tâm ở đây là các sản phẩm bán qua mạng này hầu hết đều là sản phẩm tự đóng gói rất đơn giản, nhãn mác, ngày sản xuất và hạn dùng có thể có, nhưng giấy chứng nhận vệ sinh an toàn thực phẩm của các cơ quan chức năng hầu như không có.
Để thực nghiệm, PV đã tìm hiểu và đặt mua một ít nguyên liệu làm bánh Trung thu như mứt bí, hạt sen trần, nước đường bánh nướng, tinh dầu hoa bưởi tại cơ sở bán hàng online B.N. Khi nhận hàng, phóng viên thấy rằng, các sản phẩm trên đều được cơ sở này đóng gói vào túi nilon trắng hoặc chai nhựa kèm theo một tờ giấy ghi ngày sản xuất và hạn sử dụng khá thô sơ, tuyệt nhiên không thấy ghi chú tên cơ sở sản xuất, số đăng ký chất lượng.
Nguồn gốc Trung Quốc, quảng cáo "made in Vietnam"?
Theo khảo sát trên báo Tiền phong tại TP.HCM, chị P.Minh (ngụ Q.3) chia sẻ mấy năm gần đây thấy mọi người “đua” nhau tự làm bánh “mình thấy cũng rất hay vì vừa an toàn vừa ý nghĩa”.
Năm nay gia đình chị quyết định làm thử nhưng khi tìm mua nguyên liệu thì giống như rơi vào “ma trận” không biết đường nào mà lần.Theo lời giới thiệu của một số người quen, chị P.Minh tìm đến những cơ sở bán lẻ nguyên liệu làm bánh thì thấy điểm chung là giá tương đối cao nhưng rất dễ mua vì bán theo đơn vị từng 100 gr (lạng).
Cụ thể như hạt dưa bóc vỏ 30.000 đồng/100 gr, vừng trắng rang chín 12.000 đồng/100 gr, hạt điều rang chín 30.000 đồng/100 gr, hạnh nhân cắt lát 40.000 đồng/100 gr...
Nếu tính ra mỗi loại cũng 300.000 - 400.000 đồng/kg. Các cơ sở này phát triển theo kiểu truyền miệng lẫn nhau, quảng cáo là hàng “nhà làm” nên không có giấy tờ, nhãn mác gì chứng minh nguồn gốc hay an toàn vệ sinh cả.
Theo sự hướng dẫn của chị P.Minh, PV tìm đến một cơ sở trên đường Hồng Hà gần chợ Tân Định (Q.1). Chị H., chủ cơ sở này, tự tin khẳng định chuyên cung cấp nguyên liệu làm bánh trung thu giá cực tốt, từ A đến Z, như: bột bánh dẻo, bột bánh nướng, nhân đậu xanh, chocolate, tiramisu, sầu riêng, sữa dừa, mè đen, hạnh nhân, vừng, mứt bí, mứt sen trần, nước đường bánh dẻo, nước đường bánh nướng, nước hoa bưởi, nước tro tàu, rượu mai quế lộ, trứng muối, lạp xưởng bà chị loại 1...
“Đảm bảo tất cả các loại nhân của nhà mình 100% “made in Vietnam”. Bây giờ không mua thì một, hai tuần nữa không chắc sẽ còn hàng đâu”, chị này nói.
Tại các gian hàng bán bánh mứt ở các chợ gần như nơi nào cũng có bán nguyên liệu làm bánh với đủ các mức giá khác nhau từ 100.000 - 150.000 đồng/kg, nhưng nhộn nhịp nhất vẫn là ở chợ Bình Tây (Q.6). Đây là nơi chuyên cung cấp hàng sỉ đi các chợ khác và về tỉnh lẻ.
Nếu mua với số lượng lớn sẽ được giảm giá. Các loại nhân chế biến sẵn có hơn 10 loại khác nhau với nhiều trọng lượng khác nhau từ 1 - 3 kg.
Cô M.H nhiệt tình tiếp: “Đây là nhân đậu xanh, loại 3 kg. Cô bán rẻ làm quen 55.000 đồng. Loại nhân làm sẵn này bán rất chạy, hương vị mùi nào cũng có. Các loại khác có mức giá cao hơn từ 5.000 - 10.000 đồng”.
Cũng theo cô M.H, hiện nay đang vào cao điểm nên một ngày cung cấp các đầu mối vùng miền Đông, miền Tây hàng trăm ký mỗi loại. Khách hàng chỉ cần gọi điện báo số lượng mỗi loại, hàng sẽ được giao đến tận nơi. Khi khách nhận hàng thì trả tiền bằng cách chuyển khoản qua ngân hàng.
“Siết” thị trường: Người dân có thể yên tâm?
Trên thực tế, năm nào vào dịp tết Trung thu, cơ quan quản lý cũng tổ chức các đoàn thanh, kiểm tra ở cả cấp Trung ương lẫn các địa phương nhằm kiểm soát, phát hiện sớm những nguyên liệu, sản phẩm thực phẩm không đảm bảo an toàn thực phẩm và đương nhiên nhiều sản phẩm bánh Trung thu, nhiều loại nguyên liệu không đảm bảo đã được bắt giữ.
Theo TS. Nguyễn Thanh Phong, Cục trưởng Cục An toàn thực phẩm - Bộ Y tế chia sẻ trên báo Sức khỏe và Đời sống, mùa Trung thu sắp tới gần, nhu cầu tiêu thụ các loại bánh kẹo tăng cao, song đây cũng là thời điểm cho các vi phạm về chất lượng thực phẩm diễn ra. Đặc biệt, nguy cơ xuất hiện bánh Trung thu không bảo đảm an toàn thực phẩm, sản phẩm giả, nhái và sản phẩm không có nguồn gốc, xuất xứ.
Mùa Trung thu năm nay, cơ quan chức năng - Ban Chỉ đạo liên ngành Trung ương về an toàn vệ sinh thực phẩm đã lên kế hoạch thành lập 6 đoàn thanh, kiểm tra liên ngành tại 12 tỉnh, thành phố trọng điểm Hà Nội, Lạng Sơn, TP. Hồ Chí Minh, Tây Ninh, Thừa Thiên Huế, Đà Nẵng, Cần Thơ, An Giang, Điện Biên, Sơn La, Kon Tum, Gia Lai từ ngày 31/8-25/9/2015.
Đối tượng thanh tra là các cơ sở sản xuất, chế biến, kinh doanh, nhập khẩu thực phẩm, dịch vụ ăn uống, tập trung ưu tiên vào những cơ sở sản xuất, kinh doanh các mặt hàng thực phẩm được sử dụng nhiều trong dịp Tết Trung thu như bánh, mứt, kẹo, bia, rượu, nước giải khát, thịt, sản phẩm từ thịt...
Bên cạnh đó, để bảo đảm an toàn thực phẩm, phòng ngừa ngộ độc thực phẩm, bảo vệ quyền lợi và sức khỏe người tiêu dùng, Cục An toàn thực phẩm đã có văn bản đề nghị Giám đốc Sở Y tế - Thường trực Ban chỉ đạo liên ngành về an toàn vệ sinh thực phẩm các tỉnh/thành phố triển khai các biện pháp bảo đảm an toàn thực phẩm.
TS. Nguyễn Thanh Phong cho rằng, thời gian Tết Trung thu rất ngắn, nhu cầu tiêu dùng của người dân tập trung gia tăng đột biến nhiều khi vượt quá cả năng lực sản xuất... Nhiều nhà sản xuất, kinh doanh bất chấp các quy định an toàn thực phẩm, chất lượng nguyên liệu để sản xuất, khai thác nguồn hàng để kinh doanh, tất cả vì mục đích lợi nhuận.
“Hậu quả của việc không bảo đảm an toàn thực phẩm của một công đoạn hay nhiều công đoạn làm bánh là làm cho bánh bị ô nhiễm, có nguy cơ gây ngộ độc thực phẩm cấp tính, mạn tính, bệnh truyền qua thực phẩm và làm ảnh hưởng đến sức khỏe, tính mạng người ăn”, ông Phong lo ngại./.