Thời điểm cuối tháng 5, giá lợn hơi bật tăng lên 100.000 - 103.000 đồng/kg, mức giá cao kỷ lục trong lịch sử. Song từ đầu tháng 6 tới nay, giá lợn hơi có xu hướng giảm liên tục, nguyên nhân là do các doanh nghiệp đăng ký nhập khẩu gần 1 triệu con lợn sống từ Thái Lan. Hiện tại, giá lợn hơi đang dao động quanh ngưỡng 90.000 đồng/kg.
Theo báo cáo của Bộ NN&PTNT, tính đến hết ngày 30/5, có 129 doanh nghiệp Việt Nam nhập khẩu thịt và sản phẩm thịt lợn từ các nước, với tổng lượng thịt lợn nhập khẩu hơn 67.600 tấn, tăng gần 300% so với cùng kỳ năm ngoái. Giá lợn hơi đang giảm khoảng 10.000 - 15.000 đồng/kg nhưng mặt hàng này tại chợ vẫn ở mức cao. Đặc biệt, tại các siêu thị, không chỉ giá cao mà còn có sự chênh lệch đáng kể.
Như chúng ta đã biết, vấn đề giá thịt lợn neo cao nhiều tháng nay đang là bài toán thách thức cho các cơ quan quản lý. Vậy làm thế nào để giải bài toán một cách triệt để? Phóng viên đã có cuộc trao đổi với chuyên gia Vũ Vinh Phú, nguyên Phó giám đốc Sở Thương mại, nguyên Chủ tịch Hội Siêu thị Hà Nội để làm rõ hơn về vấn đề này.
PV: Giá thịt lợn neo cao đã kéo dài nhiều tháng nay và nó làm ảnh hưởng tới cuộc sống của người dân. Đã có nhiều ý kiến đưa ra nhằm giải quyết về vấn đề này nhưng chưa thành công. Vậy theo ông, vấn đề cốt lõi của việc giá thịt lợn luôn tăng cao là gì?
Chuyên gia Vũ Vinh Phú: Nhiều tháng nay, báo chí và các chuyên gia, nhà quản lý và dư luận xã hội tốn nhiều công sức giấy mực và thời gian tập trung cho vấn đề giá bán lẻ thịt lợn. Ai cũng có lý lẽ của mình về vấn đề này để góp phần ổn định giá cả một mặt hàng rất quan trọng trong bữa ăn hàng ngày của nhân dân.
Một số ý kiến thì cho rằng, cần phải từng bước hạ giá thịt lợn hơi ở các tập đoàn chăn nuôi lớn đang chiếm đến 35 - 40% thị phần, kết hợp với tổ chức lại hệ thống phân phối giảm bớt nhiều trung gian đã đẩy giá bán lẻ lên, hoặc cao hơn có thể áp dụng biện pháp bình ổn giá để kiểm soát giá mặt hàng này.
Lại có ý kiến chỉ giải quyết giá ở khâu chăn nuôi lớn phải hạ xuống, còn các khâu trung gian thì vẫn vận hành từ trước tới nay, không phải giải quyết gì cả. Gần đây còn có ý kiến cứ để giá thịt lợn vận hành theo quan hệ cung cầu rồi dần dần sẽ đi đến lúc ổn định về giá.
Mỗi người có một lý luận riêng của mình về giá thịt lợn. Riêng đối với ý kiến của Bộ Nông nghiệp phát triển nông thôn thì ngoài việc giảm dần giá thịt lợn hơi ở các tập đoàn lớn cho đến giá 60.000 đồng/kg, nếu các doanh nghiệp không chịu giảm sẽ có những biện pháp mạnh hơn như xem xét các hỗ trợ của Nhà nước và nhập thêm hàng trăm nghìn tấn thịt vào để tăng thêm áp lực hạ giá ngoài thị trường.
PV: Trên đây đều là những biện pháp hay nhằm khắc phục tình trạng giá thịt lợn đang neo cao, nhưng thực tế vấn đề này vẫn chưa được giải quyết. Theo ông đâu mới là nguyên nhân chính dẫn tới tình trạng trên?
Chuyên gia Vũ Vinh Phú: Thực tế tình hình thì sao? Như chúng ta đã biết sau khi có ý kiến mạnh mẽ của Chính phủ và của Bộ Nông nghiệp cũng như dư luận xã hội, mặc dù giá heo hơi ở một số tập đoàn chăn nuôi có giảm nhưng thực tế giá bán lẻ ở chợ và siêu thị hầu như không giảm mà có lúc còn tăng cao hơn trước. Mấy ngày cuối tháng 4 và đầu tháng 5/2020, giá lợn hơi đã chạm mốc cao nhất, tới mức 93.000 – 95.000 đồng/kg.
Điều cần lưu ý là theo yêu cầu của Chính phủ thì cần phải làm rõ chênh lệch giá, lợi nhuận, nộp ngân sách của từng khâu, từ trang trại chăn nuôi đến bán lẻ là bao nhiêu để báo cáo, xong cho đến nay số liệu vẫn chưa được công bố.
Vấn đề hạ giá thịt lợn trên thị trường hiện nay đang cao vô lý là một bài toán khó, nhưng nếu không có những giải pháp hiệu quả để giá thịt lợn neo cao kéo dài nhiều tháng thì một mặt đời sống của các tầng lớp dân cư gặp khó khăn do ảnh hưởng của dịch bệnh lại càng khó khăn hơn. Mặt khác, mục tiêu kiềm chế lạm phát cả năm dưới 4% do Quốc hội đề ra có thực hiện được hay không?
PV: Vậy theo ông chúng ta cần phải những biện pháp gì để giảm giá thịt lợn một cách hiệu quả và lâu dài nhất để thị trường này được cân bằng, đảm bảo cuộc sống cho người dân?
Chuyên gia Vũ Vinh Phú: Chính phủ đã chỉ rõ, với giá thành sản xuất 1kg thịt hơi chỉ 43.000 - 45.000 đồng mà bán ra 70.000 – 75.000 đồng thì hưởng lợi nhuận một cách quá đáng. Người đứng đầu Chính phủ cũng đã nói “Chúng ta hỗ trợ phát triển doanh nghiệp xong phải phân bố lợi nhuận các khâu từ sản xuất tới tiêu dùng một cách hợp lý”.
Theo quan điểm của riêng tôi, từ những ý kiến của Chính phủ và việc đảm bảo quyền lợi người tiêu dùng đang bị vi phạm, bảo vệ lâu dài cho sản xuất chăn nuôi trong nước, góp phần giảm lạm phát trong năm 2020. Chính phủ cần tiếp tục giám sát chặt chẽ việc thực hiện quyết định giảm giá thịt lợn ở các tập đoàn chăn nuôi lớn, đồng thời đưa mặt hàng thịt lợn vào diện bình ổn giá để kiểm soát được giá cả, đi đôi với việc nhập khẩu thêm thịt lợn, tăng mạnh việc tái đàn nhằm giảm bớt những khó khăn trong giai đoạn này.
Tại sao lại phải như vậy? Nền kinh tế của đất nước ta chưa vận hành một cách đầy đủ theo cơ chế thị trường, đất nước chúng ta đi lên theo định hướng xã hội chủ nghĩa nhưng có sự quản lý của Nhà nước. Chính vì vậy, việc buông lỏng không quản lý một mặt hàng thiết yếu để cho giá cả tự hình thành theo thị trường là một việc làm chưa đúng lúc.
Không nên để giá thịt lợn cao vời vợi một cách vô lý, các doanh nghiệp chăn nuôi lớn hưởng lợi nhuận hàng nghìn tỷ mà một phần không do công sức của họ bỏ ra. Một khi chúng ta đã nhìn thấy rõ ràng những bất hợp lý của việc phân phối lợi nhuận trong chuỗi sản xuất phân phối mà không can thiệp một cách mạnh mẽ và dứt điểm thì chúng ta đã có lỗi với người tiêu dùng xã hội.
Chính phủ, các Bộ ngành cần có những chỉ đạo, quyết sách đúng đắn và kịp thời trong thời gian tới để góp phần vào ổn định giá cả một cách hợp lý, không để những tình trạng vô lý về giá cả diễn ra ở trên thị trường nội địa Việt Nam như hiện nay. Được như vậy chính là đã thực hiện lời dạy của Bác Hồ: “Việc gì thấy có lợi cho dân thì phải làm”, góp phần vào việc minh bạch công khai trong giá cả, công bằng xã hội sẽ được hoàn thiện hơn, góp phần vào nhiệm vụ phát triển kinh tế xã hội trong năm 2020 và những năm tiếp theo.