Theo ông Phấn, hiện tại có 5 Luật ảnh hưởng trực tiếp đến thị trường bất động sản, gồm: Luật đầu tư, Luật Xây dựng, Luật Quy hoạch đô thị, Luật Kinh doanh bất động sản, Luật Nhà ở… Liên quan đến 5 luật này, Chính phủ đang yêu cầu các bộ, ngành liên quan sửa đổi để tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp, giảm tải thủ tục đầu tư.
“Bên cạnh đó, hiện nay có 2 luật là Luật cho condotel và Luật đơn vị hành chính đặc biệt cũng đang được lấy ý kiến để trình Chính phủ thông qua trong thời gian tới”, ông Phấn cho hay.
Đối với Luật cho condotel, ông Phấn cho biết, Bộ Xây dựng đã trình Chính phủ với chủ trương là tạo điều kiện cho các doanh nghiệp kinh doanh cho loại hình này và cho phép người nước ngoài được mua. Đồng thời, Bộ Xây dựng cũng đã có ý kiến với Bộ Tài nguyên & Môi trường về chính sách đất đai cho condotel.
“Sau một thời gian nghiên cứu, dự kiến Luật Đất đai hiện hành sẽ giữ nguyên quy định đất dành cho phát triển condotel là đất thương mại dịch vụ, thời gian sở hữu 50 năm và doanh nghiệp được phép chuyển nhượng cho khách hàng. Sau thời gian 50 năm, nếu vẫn tiếp tục có nhu cầu sở hữu thì vẫn được gia hạn tồn tại”, ông Phấn cho biết.
Được biết, theo quy định của pháp luật hiện hành, chủ đầu tư dự án khu du lịch nghỉ dưỡng, trong đó có condotel được Nhà nước giao đất có thời hạn, phổ biến là 50 năm (đối với vùng đặc biệt khó khăn, vùng sâu vùng xa thì thời hạn tối đa là 70 năm) để thực hiện dự án đầu tư.
Trên thực tế, chủ đầu tư thường mất khoảng trên dưới 3 năm để thực hiện công tác xây dựng các công trình, cảnh quan, hoàn thiện các tiện ích, dịch vụ để đưa dự án vào khai thác kinh doanh, bán sản phẩm condotel cho nhà đầu tư thứ cấp.
Nhà đầu tư thứ cấp khi mua condotel thì thời gian sở hữu luôn luôn dưới 50 năm vì đã bị trừ đi thời gian xây dựng dự án (ví dụ: Dự án condotel A được giao đất 50 năm, thi công xây dựng mất 3 năm thì người mua condotel chỉ được sở hữu 47 năm). Nhiều ý kiến cho rằng, đây là điều chưa hợp lý trong chính sách và quy định pháp luật đối với dự án du lịch nghỉ dưỡng, condotel.