Tiki vi phạm khá rõ ràng

Đây là lời khẳng định của luật sư Nguyễn Sỹ Anh, Chuyên viên pháp lý của Công ty Luật L&P khi trả lời câu hỏi của PV về những trường hợp khách hàng phản ánh về việc sàn thương mại điện tử Tiki giao hàng chậm.

Vừa qua, chúng tôi đã đăng tải các bài viết liên quan đến sự việc trên. Theo như chia sẻ của những người mua, họ đặt hàng trên Tiki nhưng đến ngày nhận hàng thì không thấy món đồ mình cần được giao, gọi điện đến tổng đài không gặp được nhân viên tư vấn vì máy luôn trong tình trạng bận, gửi mail phản ánh cũng không nhận được câu trả lời, chỉ đến khi bình luận trực tiếp trên trang Facebook chính thức của đơn vị này thì mới nhận được lời xin lỗi vì sự chậm trễ của họ.

Mặc dù đã thông báo trong mail dự kiến ngày giao hàng hoặc lùi ngày dự kiến giao hàng nhưng nhiều người mua vẫn không thể nhận được đồ mình mua sau 2, 3 lần thỏa thuận.

 Luật sư Nguyễn Sỹ Anh - chuyên viên pháp lý của Công ty Luật L&P.

“Theo như khách hàng phản ánh thì Tiki đã vi phạm hợp đồng, vi phạm thời gian giao hàng. Đây là vi phạm khá rõ ràng mà ai cũng có thể nhìn ra. Cụ thể, khách hàng đặt mua hàng trên trang điện tử của Tiki và đơn vị này có ghi rõ thời gian dự kiến giao hàng, như vậy là hai bên đã thỏa thuận xong việc mua bán.

Trong trường hợp không giao đúng hẹn, Tiki phải thông báo cho khách hàng về sự sai lệch thời gian giao hàng so với dự kiến ban đầu và phải được khách hàng đồng ý. Nhưng thực tế Tiki không thực hiện điều này, khách hàng không nhận được bất kỳ thông báo nào của Tiki. Sàn thương mại điện tử này đã vi phạm hợp đồng về trách nhiệm và nghĩa vụ của mình trong hợp đồng mua bán giữa hai bên", luật sư Anh nói.

Cũng theo luật sư này, mặc dù, đơn vị bán hàng đã xin lỗi khách hàng vì sự chậm trễ trong việc giao hàng chậm nhưng không thông báo thì họ càng sai. Tiki được phép trễ hẹn nhưng phải thông báo và phải được khách hàng đồng ý về sự trễ hẹn đó. Chúng ta phải hiểu trường hợp này giống như những trường hợp giao kết hợp đồng khác, nhưng trên nền điện tử mà thôi. Việc gửi lại gmail của bên bán cho bên mua đó là một sự chấp thuận giao kết hợp đồng và cam kết trách nhiệm của mình theo sự thỏa thuận đó. Cam kết đó là, Tiki khẳng định đã nhận được đơn hàng và đã lập đơn hàng đó trên hệ thống của mình cho khách hàng và từ ngày này tới ngày này sẽ giao tới cho người mua, qúa ngày đó là Tiki sai.

Và được chứng minh bằng luật pháp

Những vi phạm trên của sàn thương mại điện tử Tiki được quy định rõ trong Luật thương mại, dân sự và nghị định về thương mại điện tử như sau:

Đối với Luật thương mại 2005, tại Điều 37 - Thời hạn giao hàng có quy định: 1. Bên bán phải giao hàng vào đúng thời điểm giao hàng đã thoả thuận trong hợp đồng; 2. Trường hợp chỉ có thỏa thuận về thời hạn giao hàng mà không xác định thời điểm giao hàng cụ thể thì bên bán có quyền giao hàng vào bất kỳ thời điểm nào trong thời hạn đó và phải thông báo trước cho bên mua; 3. Trường hợp không có thỏa thuận về thời hạn giao hàng thì bên bán phải giao hàng trong một thời hạn hợp lý sau khi giao kết hợp đồng.

“Như vậy, Điều 37.1 và 37.2 đều không có trong hợp đồng mua bán của Tiki và những khách hàng phản ánh, nên đơn vị này không có quyền giao hàng vào bất kỳ thời gian nào mà không có sự chấp thuận của người mua”, luật sư Anh nói.

Còn tại Điều 434 - Thời hạn thực hiện hợp đồng mua bán trong Bộ luật dân sự 2015 cũng quy định: 1. Thời hạn thực hiện hợp đồng mua bán do các bên thỏa thuận. Bên bán phải giao tài sản cho bên mua đúng thời hạn đã thỏa thuận, bên bán chỉ được giao tài sản trước hoặc sau thời hạn nếu được bên mua đồng ý; 2. Khi các bên không thỏa thuận thời hạn giao tài sản thì bên mua có quyền yêu cầu bên bán giao tài sản và bên bán cũng có quyền yêu cầu bên mua nhận tài sản bất cứ lúc nào, nhưng phải báo trước cho nhau một thời gian hợp lý.

Ngay cả trong Nghị định về Thương mại điện tử, Số 52/2013 NĐ CP, Điều 33 - Thông tin về vận chuyển và giao nhận có quy định: 1. Thương nhân, tổ chức, cá nhân phải công bố những thông tin sau về điều kiện vận chuyển và giao nhận áp dụng cho hàng hóa hoặc dịch vụ giới thiệu trên website: a) Các phương thức giao hàng hoặc cung ứng dịch vụ; b) Thời hạn ước tính cho việc giao hàng hoặc cung ứng dịch vụ, có tính đến yếu tố khoảng cách địa lý và phương thức giao hàng; c) Các giới hạn về mặt địa lý cho việc giao hàng hoặc cung ứng dịch vụ, nếu có; 2. Trường hợp phát sinh chậm trễ trong việc giao hàng hoặc cung ứng dịch vụ, thương nhân, tổ chức, cá nhân phải có thông tin kịp thời cho khách hàng và tạo cơ hội để khách hàng có thể hủy hợp đồng nếu muốn.

 

 Tiki đã vi phạm hợp đồng khi không giao hàng đúng hẹn cho khách hàng

“Với tất cả những quy định trên chứng minh rõ ràng Tiki đã vi phạm hợp đồng vì đã giao hàng chậm hơn so với thời gian dự kiến, không thông báo cho khách hàng khi có phát sinh để khách hàng điều chỉnh cho phù hợp với mong muốn của cả hai bên. Khi sai chỉ xin lỗi và không thực hiện được theo đúng những gì đã cam kết thì họ lại càng không tôn trọng người mua. Đây là sai lầm của sàn thương mại điện tử này”, luật sư Anh chia sẻ.

Đối với một doanh nghiệp, uy tín là điều kiện quan trọng để xây dựng nên thương hiệu của họ. Điều này được Tiến sĩ Tô Hoài Nam, Phó Chủ tịch Thường trực kiêm Tổng thư ký Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa (HH DNNVV) Việt Nam nhắc tới như sau: "Đối với một doanh nghiệp đã có thương hiệu thì đó là một tài sản rất quý, trong kinh tế hiện đại, đó là tiền, đó là giá trị tài sản. Chúng ta biết rất nhiều doanh nghiệp cổ phần hóa, doanh nghiệp lên sàn chứng khoán, giá trị họ có thể bán được chính là thương hiệu của họ. Vì vậy, muốn doanh nghiệp phát triển được cần giữ thương hiệu của mình. Hiểu thương hiệu của mình là một tài sản lớn.

Các doanh nghiệp nên hiểu, bảo vệ người tiêu dùng chính là bảo vệ, giữ vững hình ảnh của mình. Khi doanh nghiệp đã có một thương hiệu mà họ lại không biết trân trọng, giữ gìn, lại đưa những sản phẩm không tốt hoặc không đúng với quảng cáo thì rõ ràng doanh nghiệp đó đã có một cái nhìn rất thiếu đúng đắn và tự đánh mất mình".

Theo Nguyễn Chiêm - Quốc Huy/Đô Thị Mới