Trong khi tìm hiểu thông tin về việc trường THPT chuyên Lam Sơn (Thanh Hóa): Biến nhà thi đấu đa năng thành nơi kinh doanh, PV còn phát hiện thêm những "lùm xùm" khác, điển hình là vụ tuyển viên chức tại trường Lam Sơn.

Trong những bài viết trước, PV đã chỉ rõ những vi phạm về việc tuyển dụng viên chức tại cơ sở giáo dục này. Thế nhưng dư luận vẫn chờ đợi một câu trả lời chính thức từ phía cơ quan có thẩm quyền để sự việc được chính thức khép lại.

Nên trả lại vị trí Chủ tịch hội đồng xét tuyển cho Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo

Những vi phạm về tuyển dụng viên chức tại trường THPT chuyên Lam Sơn đã được PV chỉ rõ tại những bài viết trước. Tại cuộc họp báo trước đó, ông Phạm Đăng Quyền, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa đề nghị sửa Quyết định 1942 (quy định tuyển dụng viên chức cho các đơn vị sự nghiệp công lập trên địa bàn tỉnh Thanh Hoá) phù hợp với quy định hiện hành, trong đó có cả văn bản 2977 (phê duyệt phương án tuyển dụng giáo viên trường THPT chuyên Lam Sơn năm học 2017 - 2018).

Tuy nhiên, cần phải hiểu rằng, Quyết định 2977, thực tế là văn bản hướng dẫn cụ thể về việc tuyển dụng giáo viên trường THPT chuyên Lam Sơn ở một thời điểm nhất định (tuyển dụng năm học 2017-2018), lấy căn cứ từ các văn bản quy phạm pháp luật khác để ban hành trong đó có Quyết định 1942. Như vậy, việc đề nghị sửa một văn bản có tính quy định chung về việc tuyển viên chức cho các đơn vị sự nghiệp trên địa bàn tỉnh để "hợp thức hóa" cho việc tuyển dụng viên chức tại trường THPT chuyên Lam Sơn (theo Quyết định 2977) là điều không phù hợp.

Về việc này, trao đổi với phóng viên ông Bùi Đình Sơn, Giám đốc Sở Tư pháp Thanh Hóa cho rằng, việc tuyển dụng viên chức phải căn cứ vào các quy định hiện hành để thực hiện.

"Các Quyết định 1100 về phân cấp quản lý, Quyết định 1942 đã quy định về việc tuyển viên chức, trong đó đã đề cập đến việc Giám đốc Sở, Chủ tịch huyện được làm cái gì? Nếu làm (tuyển dụng) thì phải căn cứ vào cái gốc (văn bản gốc)", ông Sơn nói và khẳng định Quyết định 1942 về việc tuyển viên chức cho các đơn vị sự nghiệp trên địa bàn tỉnh được xây dựng đúng quy định.

Như vậy, điều này có đồng nghĩa với việc Quyết định 2977 với một số nội dung quy định về việc tuyển dụng viên chức trong đó có việc giao chức Chủ tịch hội đồng xét tuyển cho Hiệu trưởng trường THPT chuyên Lam Sơn (theo Quyết định 2977) là không đúng quy định?

Về việc này, ông Sơn không kết luận đúng hay sai về một số nội dung đã ban hành tại Quyết định 2977 vì "phải có thời gian nghiên cứu".

Trường THPT chuyên Lam Sơn. (Ảnh: Tạp chí Thương hiệu và Pháp luật).

Trường THPT chuyên Lam Sơn. (Ảnh: Tạp chí Thương hiệu và Pháp luật).

Trong khi đó, một đại diện Sở Nội vụ (đề nghị không nêu tên) khẳng định rằng, văn bản 2977 (phê duyệt phương án tuyển dụng giáo viên trường THPT chuyên Lam Sơn năm học 2017 - 2018) chỉ mang tính chỉ đạo, cụ thể hóa việc việc tuyển dụng viên chức cho trường THPT chuyên Lam Sơn, trong đó lấy căn cứ từ Quyết định 1942 (quy định tuyển dụng viên chức cho các đơn vị sự nghiệp công lập trên địa bàn tỉnh Thanh Hoá) chứ không thể thay thế được Quyết định 1942.

"Trường THPT chuyên Lam Sơn cũng giống như nhiều trường THPT khác đều dưới quyền quản lý của Sở Giáo dục và Đào tạo. Trường chuyên Lam Sơn chỉ khác một chút so với các trường khác vì nó là trường trọng điểm nên cần có sự quan tâm hơn về chất lượng giáo dục, chất lượng giáo viên.

Do đó, việc tuyển dụng viên chức nói chung phải căn cứ quy định chung (Quyết định 1942) quy định tuyển dụng viên chức cho các đơn vị sự nghiệp công lập trên địa bàn tỉnh Thanh Hoá", vị cán bộ nói.

Từ những phân tích trên, vị cán bộ này cho rằng, vị trí Chủ tịch hội đồng xét tuyển viên chức phải là Giám đốc Sở Giáo dục và Đào chứ không phải Hiệu trưởng trường chuyên Lam Sơn.

"Vị trí Chủ tịch Hội đồng xét tuyển viên chức đã được quy định rất rõ ràng tại Quyết định 1942. Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo là Chủ tịch hội đồng xét tuyển chứ không phải Hiệu trưởng trường Lam Sơn. Chúng ta phải làm theo quy định chứ không phải thích là làm gì cũng được", vị cán bộ cho biết.

Vị lãnh đạo thuộc Sở Nội vụ Thanh Hóa cũng đề xuất, để hạn chế những tiêu cực có thể phát sinh trong quá trình tuyển dụng viên chức, nên dừng việc tuyển mới giáo viên trường THPT chuyên Lam Sơn và thay bằng việc tiếp nhận giáo viên có thành tích từ trường khác về thông qua sát hạch chuyên môn và thành tích cá nhân trong giảng dạy.

Lãnh đạo tỉnh nên trả lời dứt khoát 

Một trong những nguyên nhân gây ra tranh cãi dai dẳng về việc tuyển dụng viên chức tại trường THPT chuyên Lam Sơn trong thời gian vừa qua được cho là xuất phát từ việc một số cá nhân thực hiện không đúng quy định trong việc tuyển dụng viên chức theo quy định 1942, trong đó không loại trừ Hiệu trưởng trường THPT chuyên Lam Sơn. 

Hay nói cách khác, vụ việc sẽ chẳng có gì đáng nói nếu Hiệu trưởng trường THPT chuyên Lam Sơn không tự ý đặt cho mình cái "quyền" và được trao quyền Chủ tịch Hội đồng tuyển dụng trái với quy định tại Quyết định 1942, mặc dù trước đó Sở Giáo dục và Đào tạo đã có ý kiến không đồng ý về quan điểm này. 

Một sự việc đơn giản, trong thẩm quyền xử lý, nhưng chưa được giải quyết dứt điểm, ít nhiều làm ảnh hưởng đến hình ảnh của trường THPT chuyên Lam Sơn là điều hết sức đáng tiếc.

Tại cuộc họp báo thường kỳ quý III/2018 của UBND tỉnh Thanh Hóa. (Ảnh tư liệu của An Nguyên), ông Phạm Đăng Quyền

Tại cuộc họp báo thường kỳ quý III/2018 của UBND tỉnh Thanh Hóa. (Ảnh tư liệu của An Nguyên), ông Phạm Đăng Quyền nêu ý kiến về việc sửa Quyết định 1942. Ảnh tư liệu của An Nguyên.

Tuy nhiên, nếu nhìn một cách tổng quát về công tác quản lý nhà nước, dư luận Thanh Hóa thời gian gần đây đánh giá cao sự công khai, minh bạch trong lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành của lãnh đạo tỉnh, trong đó có việc kiên quyết xử lý nghiêm cán bộ có vi phạm. Vậy thì chẳng có lý gì khi vụ việc hết sức đơn giản, đã nhìn thấy rõ đúng sai cứ để kéo dài một cách khó hiểu? 

Hay nói cách khác,những "lùm xùm" liên quan tới việc tuyển dụng viên chức tại trường THPT chuyên Lam Sơn chỉ có thể được giải quyết triệt để nếu cơ quan có thẩm quyền tỉnh Thanh Hóa có ý kiến chỉ đạo, xử lý vụ việc một cách nghiêm túc, trách nhiệm.

Theo cách hiểu này, nếu việc ban hành văn bản 2977 có nội dung trái với các quy định pháp luật hiện hành thì cần hủy bỏ và xử lý nghiêm vi phạm (nếu có) của cán bộ để đảm bảo tính tôn nghiêm của pháp luật. Ngược lại, nếu việc tuyển dụng viên chức tại trường THPT chuyên Lam Sơn là đúng thì cơ quan có thẩm quyền cần đưa ra những lý giải thuyết phục để bảo vệ cho quan điểm của mình.

Với những vấn đề đã nêu, dư luận rất cần sự chỉ đạo công tâm, quyết liệt của lãnh đạo tỉnh Thanh Hóa, sự vào cuộc nhanh chóng, có trách nhiệm của các cơ quan liên quan.

Chúng tôi sẽ tiếp tục thông tin về vụ việc này...

Theo An Nguyên/Đô Thị Mới