Hiệu trường trường THPT chuyên Lam Sơn “mời” thanh tra vào cuộc

Vấn đề lạm thu đầu năm giờ không còn là chuyện đề bức xúc tại một trường mà đang trở thành cơn sóng trào ra tại nhiều cơ sở giáo dục trên khắp cả nước. Đã không ít các lãnh đạo nhà trường đã bị xử lý kỷ luật, thậm chí là khởi tố hình sự vì lạm thu, thế nhưng thực trạng trên vẫn cứ thế tiếp diễn.

Mới đây, một số phụ huynh có con theo học tại trường THPT chuyên Lam Sơn (Thanh Hóa) phản ánh về việc năm học 2017-2018, họ phải đóng những khoản thu quá cao, có dấu hiệu bất hợp lý.

Trường THPT chuyên Lam Sơn. (Ảnh: An Nguyên).

Trường THPT chuyên Lam Sơn. (Ảnh: An Nguyên).

Theo đó, năm học 2017 – 2018, ngoài khoản tiền học thêm 700.000 đến 1000.000 đồng/học sinh/năm (đã bao gồm 25% phí quản lý học thêm), thì mỗi học sinh tiếp tục phải nộp thêm 700.000 tiền phí quản lý dạy thêm, học thêm(thu 2 lần phí quản lý học thêm). Ngoài ra, các khoản quỹ lớp 1000.000 đồng/học sinh; tiền ngoại khóa 500.000 đồng/học sinh được cho là thu quá cao so với quy định và không đúng nguyên tắc tại Thông tư 55 của Bộ Giáo dục và Đào tạo. Năm học 2018-2019, học sinh tiếp tục phải đóng hai khoản tiền nói trên (quỹ lớp, tiền ngoại khóa) với số tiền bằng năm học trước.

Riêng tiền phí gửi xe đạp lên tới hàng trăm nghìn đồng đối với 1 học sinh/năm được cho là khoản tiền bất hợp lý nhất, bởi trước đó ngân sách nhà nước đã đầu tư xây dựng nhà giữ xe đạp để học sinh tự bảo quản tài sản theo lớp, thế nhưng không hiểu sao nhà trường vẫn thu khoản tiền này?

Ngoài ra, theo phản ánh, mỗi phụ huynh có con được chọn ôn luyện đội tuyển thi quốc tế phải đóng một khoản phí lên đến cả triệu đồng theo “hướng dẫn” của nhà trường (tiền chế độ chính sách do tỉnh hỗ trợ cho học sinh ôn luyện đội tuyển quốc tế mức 200.000 đồng tiền ở/ngày và 150.000 đồng tiền ăn/ngày. Tổng là 350.000 đồng/ngày/học sinh với thời gian 3 tháng).

Một số phụ huynh cho rằng, với một gia đình sinh sống ở nông thôn, lại làm nông thì đây quả là số tiền không hề nhỏ. Do đó, việc nhà trường yêu cầu phụ huynh học sinh đóng ngay trong đầu năm học, đã vô tình tạo ra áp lực vô cùng lớn cho phụ huynh, nhất là những gia đình khó khăn. 

Trước phản ánh trên, hôm 10/12, trao đổi với phóng viên, ông Chu Anh Tuấn, Hiệu trưởng trường THPT chuyên Lam Sơn thừa nhận có việc thu sai nguyên tắc một số khoản đồng thời lý giải rằng: "Đa số các khoản thu trên đều có sự bàn bạc, thống nhất của các phụ huynh học sinh".

Ngân sách nhà nước đã đầu tư xây dựng nhà giữ xe đạp cho học sinh để tự bảo quản tài sản theo lớp, thế nhưng nhà trường vẫn thu khoản tiền phí trông giữ xe.

Ngân sách nhà nước đã đầu tư xây dựng nhà giữ xe đạp cho học sinh để tự bảo quản tài sản theo lớp, thế nhưng nhà trường vẫn thu khoản tiền phí trông giữ xe.

Lý giải về khoản tiền quản lý học thêm thu 1 lần 700.000 đồng/học sinh, ông Tuấn thừa nhận có chuyện thu chưa đúng nguyên tắc chứ không có chuyện thu 2 lần phí quản lý học thêm.

“Về nguyên tắc, khoản tiền phí quản lý học thêm (25%) sẽ được trích trong tổng tiền mà học sinh đóng theo từng tháng. Học sinh học tháng nào sẽ nộp tháng đó. Tuy nhiên, có phụ huynh không muốn đến trường nhiều lần nên đã nộp một lần (700.000 đồng/học sinh/năm). Mặt khác, lâu nay giáo viên chủ nhiệm có thói quen tách hai phần thu (phí quản lý và phần chi trả cho giáo viên giảng dạy) nên mới xảy ra tình trạng thu không đúng nguyên tắc như vậy”, ông Tuấn giải thích.

Về nội dung phụ huynh có con được chọn ôn luyện đội tuyển thi quốc tế phải đóng thêm một khoản phí lên đến cả triệu đồng theo “hướng dẫn” của nhà trường, ông Tuấn cho biết, việc thu đã được sự đồng ý của phụ huynh.

“Trước đây, việc ôn luyện đội tuyển có thể mất 4 đến 5 triệu đồng/buổi, trong khi nhà nước chỉ có thể hỗ trợ được khoảng 2/3 số tiền nêu trên. Do đó phải thực hiện xã hội hóa, kêu gọi phụ huynh đóng góp. Nếu phụ huynh đồng ý nộp thì ký vào biên bản thì mới cho thực hiện. Việc này phụ huỵnh tự bàn với nhau để chứ nhà trường không can thiệp", ông Tuấn nói.

Về khoản tiền đóng góp hoạt động ngoại khóa, đặc biệt là khoản quỹ lớp có dấu hiệu thu trái với Thông tư 55/2011/TT-BGD (khoản này không qui định mức kinh phí ủng hộ bình quân cho các cha mẹ học sinh), ông Tuấn cho biết, đây là những khoản tiền đã có sự bàn bạc của phụ huynh, nhà trường không đứng ra thu khoản này mà giao cho Hội phụ huynh nhà trước

“Tất cả khoản này được dự trù đầu năm sau khi được sự bàn bạc của phụ huynh. Khoản này sử dụng vào dịp cuối năm dùng vào việc chụp ảnh kỷ yếu, đi pic-nic... rất tốn kém”, ông Tuấn cho biết.

Khi được hỏi về vai trò quản lý của nhà trường ở đâu khi để phụ huynh, học sinh tự ý đóng góp quỹ có dấu hiệu vi phạm quy định để tổ chức các hoạt động mang đậm yếu tố kinh tế trong nhà trường? ông Tuấn cho biết sẽ có sự chấn chỉnh trong thời gian tới: “Sau khi có phản ánh chúng tôi sẽ chấn chỉnh lại chứ không dung túng cho những việc làm đó. Một số việc làm không hợp lý (tổ chức đi du lịch, đi pic-nic...) sẽ không cho làm nữa".

Lý giải về về khoản thu phí gửi xe đạp, Hiệu trưởng trường THPT chuyên Lam Sơn cho biết: “Phải thu để chi trả tiền cho bảo vệ trông coi”. Lý giải này được cho là thiếu thuyết phục bởi trước đó ngân sách nhà nước đã đầu tư xây dựng nhà giữ xe đạp cho học sinh để tự bảo quản tài sản theo lớp, thế nhưng nhà trường vẫn thu khoản tiền này.

Cũng trong buổi làm việc, phóng viên đã đề nghị ông Tuấn cung cấp các giấy tờ, văn bản liên quan tới các khoản thu nói trên, để chứng minh rằng những lý giải trên của vị Hiệu trưởng là có căn cứ nhưng không được đáp ứng với lý do: “Người giữ hồ sơ tài chính đang đi tập huấn”.

Ông Tuấn cũng thể hiện quan điểm, sẵn sàng mời thanh tra vào cuộc để làm rõ những nghi vấn xung quanh vấn đề thu chi tài chính của nhà trường theo phản ánh của phụ huynh.

Biến nhà thi đấu đa năng thành nơi kinh doanh, dịch vụ

Từ nhiều tháng nay, một phần diện tích khu nhà đa năng của trường THPT chuyên Lam Sơn, đường Tản Đà, phường Lam Sơn bỗng biến thành nơi kinh doanh, dịch vụ (tập gym, cho thuê phòng trọ).

Tại cửa chính khuôn viên nhà thi đấu đa năng được treo biển “Câu lạc bộ gym Lam Sơn”, bên cạnh đó là một số hình ảnh quảng cáo nhằm thu hút người dân đến tập thể hình. Theo quan sát, phòng gym gồm 1 tầng lầu góc trái nhà đa năng với diện tích sử dụng lên đến cả trăm m2. Phòng tập được trang bị các thiết bị, máy móc tập thể hình hiện đại. Phía hành lang bên ngoài phòng tập được tận dụng để kinh doanh đồ uống.

Từ nhiều tháng nay, một phần diện tích khu nhà đa năng của trường THPT chuyên Lam Sơn, đường Tản Đà, phường Lam Sơn bỗng biến thành nơi kinh doanh, dịch vụ (tập gym, cho thuê phòng trọ).

Từ nhiều tháng nay, một phần diện tích khu nhà đa năng của trường THPT chuyên Lam Sơn, đường Tản Đà, phường Lam Sơn bỗng biến thành nơi kinh doanh, dịch vụ (tập gym, cho thuê phòng trọ).

Phía trước cửa ra vào phòng gym là một khoảng sân rộng để xe. Nếu nhìn tổng thể có thể thấy khuôn viên phòng tập này chiếm một góc lớn khá lớn so với diện tích của nhà thi đấu đa năng. Phía dưới tầng 1 được treo biển “Khoa Giáo dục thể chất” nhưng đã biến thành nơi thuê phòng trọ của một số hộ gia đình.

Một số người dân cho biết, nhà thi đấu đa năng công trình xây dựng từ tiền của nhà nước, phục vụ cho các hoạt động thể dục thể thao... của nhà trường, tại sao lại cho thuê phòng tập thể hình, kinh doanh dịch, thuê trọ tại đây?

Cũng theo phản ánh, từ khi trường THPT chuyên Lam Sơn chuyển về cơ sở mới (đường Lê Lai) các hoạt động kinh doanh dịch vụ tại nhà thi đấu đa năng bắt đầu xuất hiện và đi vào hoạt động tấp nập từ nhiều tháng nay. Số tiền thu được từ việc cho thuê phòng tập gym, thuê trọ tại nhà thi đấu đa năng, trường THPT chuyên Lam Sơn có khi lên đến cả hàng chục triệu đồng/tháng. Vậy, kinh phí thu được từ hoạt động trên rơi vào túi ai hay được sử dụng vào mục đích gì?

Phòng tập gym gồm 1 tầng lầu góc trái nhà đa năng với diện tích sử dụng lên đến cả trăm m2, được trang bị các thiết bị, máy móc tập thể hình hiện đại. Phía hành lang bên ngoài phòng tập được tận dụng để kinh doanh đồ uống. (Ảnh: An Nguyên).

Phòng tập gym gồm 1 tầng lầu góc trái nhà đa năng với diện tích sử dụng lên đến cả trăm m2, được trang bị các thiết bị, máy móc tập thể hình hiện đại. Phía hành lang bên ngoài phòng tập được tận dụng để kinh doanh đồ uống. (Ảnh: An Nguyên).

Về việc này, ông Chu Anh Tuấn – Hiệu trưởng trường THPT chuyên Lam Sơn thừa nhận, lãnh đạo nhà trường biết việc cho thuê một phần nhà thi đấu đa năng để kinh doanh, dịch vụ là chưa phù hợp nhưng không còn cách nào khác.

Theo ông Tuấn, việc sử dụng một phần diện tích nhà thi đấu đa năng để cho thuê nhằm trang trải chi phí hoạt động và bồi dưỡng cho cán bộ trông coi : “Việc này Tổ thể dục họ làm chứ nhà trường không có chủ trương. Anh em họ làm chủ yếu để lấy tiền trả tiền điện nước, bảo vệ, và mấy đồng bồi dưỡng vì ngân sách không cho chi những khoản đó (điện, nước, bảo vệ).

Vì không có kinh phí cho nhà thi đấu đa năng hoạt động nên buộc chúng tôi phải xã hội hóa. Nếu không xã hội hóa thì hoạt động của nhà đa năng rất khó khăn, thậm chí phải đóng cửa. Còn nói làm cái đó (kinh doanh dịch vụ) trong nhà thi đấu đa năng để lấy tiền nộp về nhà trường thì không có đâu.

Cái này do Tổ thể dục tự làm chứ nhà trường không có chủ trương. Chắc với tình hình hiện nay, sắp tới nhà trường sẽ giải tán hoạt động không đúng mục đích tại nhà thi đấu đa năng”, ông Tuấn cho biết.

Đến nay, các hoạt động kinh doanh dịch vụ không đúng mục đích tại nhà thi đấu đa năng tại trường THPT chuyên Lam Sơn vẫn diễn ra một cách bình thường mà chưa hề vấp phải sự vào cuộc, kiểm tra, xử lý của cơ quan có trách nhiệm.

An Nguyên/Đô Thị Mới