Khách hàng cảm thấy chẳng khác nào mua sự bực tức vào người

Chia sẻ với PV, chị T.Hà (một cư dân sống tại Hà Nội) cho biết, bản thân chị là khách hàng rất quen thuộc của chuỗi hệ thống siêu thị Sakuko. Mới đây, chị có nhận được thông tin nhân dịp hệ thống cửa hàng này khai trương cơ sở thứ 13 tại địa chỉ ở 94 Trần Đại Nghĩa nên có hàng ngàn sự ưu đãi, khuyến mãi cực sốc.

Để tìm hiểu kỹ hơn, chị đã vào trang web http://km.sakukostore.com.vn/ và thấy rằng trong đó có mặt hàng bỉm Genki mà con chị thường xuyên sử dụng cũng nằm trong chương trình giảm giá ưu đãi này.

Cụ thể, nội dung được thể hiện trên web như sau, nếu như mua bỉm Genki bịch chẵn thì sẽ được mua với mức giá chỉ từ 138.000 đồng (khác hẳn với giá hơn 300.000 đồng mà chị thường mua trước đây). Chương trình được áp dụng cho siêu thị mới này từ ngày 04-13/01/2019.

Quảng cáo thông tin không được rõ ràng.

Quảng cáo thông tin chương trình khuyến mại của Sakuko không được rõ ràng

 “Với mức giá quảng cáo đó mình thấy thực sự tốt cho các bà mẹ bỉm sữa. Bản thân là khách hàng khá kỹ tính, nên mình cần lựa chọn những gì tốt nhất cho con của mình. Tuy nhiên, ngày 10/1, mình đến Sakuko thì chẳng khác nào mua sự bực tức vào người...”, Chị T.Hà bức xúc nói.

Khi chị T.Hà đến đây thì chính sách ưu đãi không hề giống như những gì mà Sakuko quảng cáo trên web. Cầm sản phẩm hay mua cho con ra quầy để thanh toán, chị Hà mới được nhân viên tại đây cho hay, chương trình chỉ áp dụng với sản phẩm có mẫu mã mới.

Sakuko "mập mờ" về câu chuyện khuyến mại khiến khách hàng bực tức.

Chấp nhận quay lại lấy 02 sản phẩm mới (vì 01 sản phẩm mới có số lượng ít hơn sản phẩm cũ) để tính tiền thì lúc này chị T.Hà lại được nhân viên cho biết, sản phẩm này là size M nên không được nằm trong chương trình khuyến mại của công ty.

Quá khó chịu với sự tư vấn thiếu nhiệt tình của nhân viên, chị Hà hỏi: “Tại sao các em không tư vấn rõ cho khách, không thể hiện rõ nội dung trên chương trình khuyến mại của hệ thống web?” thì nhận được câu trả lời từ phía nhân viên: “Quy định trên công ty em như vậy.”

Cũng theo chị T.Hà, vì thấy có Sakuko có chương trình ưu đãi hấp dẫn nên chị không ngại đường xa để đến cơ sở bán hàng này. Nếu như thông tin khuyến mãi rõ ràng ngay từ ban đầu thì chị chỉ cần qua cơ sở gần nhà để mua chứ không cần mất công đến vậy. Chị Hà cảm thấy như mình đang mua “cục tức” vào người.

Sakuko từng mập mờ nhãn phụ khiến người tiêu dùng hoang mang

Theo quảng cáo trên website chính thức https://sakukostore.com.vn (trang web chính thức của Công ty TNHH Bán lẻ Sakuko Việt Nam) thì doanh nghiệp này là đơn vị tiên phong trong lĩnh vực phân phối và bán lẻ hàng Nhật nội địa tại Việt Nam Sakuko Japanese Store (trước đây là Sakura Việt Nam). Tại đây có tới 5.000 sản phẩm được nhập khẩu trực tiếp tại Nhật và sẽ tiếp tục gia tăng trong tương lai.

Thế nhưng, nhiều sản phẩm “hàng ngoại” của Sakuko đang đánh đố khách hàng khi xuất xứ nhiều sản phẩm có gắn mác “made in China” khiến nhiều người không khỏi hoài nghi về nguồn gốc cũng như chất lượng sản phẩm được bày bán tại siêu thị.

Tâm lý chung của mọi người, khi bước vào một cửa hàng Nhật nội địa thì sẽ tin rằng tất cả mọi thứ trong cửa hàng đều có xuất xứ từ đất nước "mặt trời mọc”. Câu hỏi đặt ra ở đây là tại sao lại có chuyện lạ lùng như thế xảy ra, phải chăng Sakuko đang chơi trò “treo đầu dê, bán thịt chó” với người tiêu dùng?

Nhiều sản phẩm không có xuất xử rõ ràng.

Nhiều sản phẩm không có xuất xú rõ ràng khiến nhiều khách hàng hoài nghi về chất lượng sản phẩm.

Để trấn an khách hàng, nhân viên cho biết, một số sản phẩm được sản xuất tại nước thứ 3 là Trung Quốc để giảm giá thành. Bên cạnh đó, các mặt hàng phải đủ tiêu chuẩn Nhật Bản mới nhập lại nên khách hàng hoàn toàn có thể hoàn toàn yên tâm sử dụng.

Chính vì thế, nhiều khách hàng khi biết “sự thật” này vô cùng hoang mang. Sakuko đã khiến họ hoài nghi về nguồn gốc xuất xứ của các sản phẩm có phải là hàng Nhật nội địa nhập khẩu chính hãng thật hay không?

Theo ông Phạm Ngọc Hùng – Phó Chủ tịch quỹ Chống hàng giả Việt Nam, đối với trường hợp sản phẩm nhập khẩu mà trên bao bì ghi một nơi xuất xứ, trên nhãn phụ lại ghi một xuất xứ khác thì: “Đó là hàng giả bởi vì không có một thứ hàng hóa nào có 2 xuất xứ cả. Ở Việt Nam vấn đề này xảy ra rất nhiều, gọi là vấn đề nhái sai mác”.

Cùng quan điểm về trường hợp sản phẩm không có nhãn phụ, Luật sư Phạm Danh Tín, Giám đốc văn phòng luật sư Danh Tín cho biết: “Với hàng nhập khẩu, nhãn phụ có vai trò quan trọng đối với việc kiểm soát hàng hóa cũng như đối với người tiêu dùng. Việc hàng hóa không có nhãn phụ gây khó khăn cho người tiêu dùng trong việc tìm hiểu nguồn gốc xuất xứ, thành phần, cách sử dụng và bảo quản. Việc không có nhãn phụ còn gây tâm lý hoang mang đối với người tiêu dùng trong việc xác định hàng có đảm bảo nguồn gốc hay không; phân biệt hàng giả hàng thật và còn gây khó khăn trong việc nhận biết nhãn hiệu hàng hóa. Pháp luật đã có những chế tài xử lý đối với những đơn vị bán hàng hóa nhập khẩu không có nhãn phụ. Cụ thể, theo Nghị định số 127/2013/NĐ-CP của Chính phủ: Quy định xử phạt vi phạm hành chính và cưỡng chế thi hành quyết định hành chính trong lĩnh vực hải quan quy định về mức xử phạt đối với hành vi không sử dụng nhãn phụ”.

Theo Song Nghi/ Đô Thị Mới