Đã gần 2 năm đại dịch Covid-19 xuất hiện và tác động xấu tới hầu hết các hoạt động kinh tế. Trong đó, mặt bằng cho thuê là một ví dụ điển hình về những tổn thương mà nền kinh tế đang phải chịu đựng.
Kinh tế sụt giảm, kinh doanh ế ẩm là thực trạng chung của hầu hết các cửa hàng kinh doanh từ lớn đến nhỏ lẻ. Sức mua giảm khiến người kinh doanh không dám mạo hiểm thuê mặt bằng mở cửa hàng vì chi phí quá lớn. Bởi vậy, tình trạng mặt bằng kinh doanh “mỏi mắt” tìm người thuê không chỉ diễn ra ở những khu vực, tuyến đường trung tâm Thủ đô, mà ngay tại các quận, huyện ngoại thành, mặt bằng nhỏ lẻ cũng khó tìm khách thuê. Đây được xem là hiệu ứng domino khi làn sóng dịch bệnh ảnh hưởng lên mọi mặt đời sống xã hội.
Theo khảo sát của PV, tại khu vực Hoàn Kiếm - trung tâm của thủ đô Hà Nội, nơi vẫn được xem là "đất vàng", “thiên đường” mua sắm của du khách nay đã trở nên đìu hiu. Dọc các dãy phố như Hàng Gai, Hàng Bông, Hàng Đường, Đinh Tiên Hoàng, Bà Triệu,… trung bình cứ 10 cửa hàng kinh doanh bán lẻ lại có 4 cửa hàng treo biển cho thuê hay hạ giá cho thuê.
Chia sẻ với PV, anh Thắng - chủ một mặt bằng cho thuê trên phố Hàng Đường than thở, do khách thuê không chống chọi được với đại dịch Covid-19 mà trả lại mặt bằng. Từ đó đến nay đã gần nửa năm, mặt bằng nhà anh vẫn “cửa đóng then cài”, treo biển cho thuê nhưng không ai để ý.
“Trước đây, mặt bằng này tôi cho thuê 80 triệu đồng/m2, trung bình một năm thu nhập là 1 tỷ đồng. Tuy nhiên, từ khi có dịch, việc buôn bán trở nên khó khăn, khách thuê không trụ nổi đã phải trả lại mặt bằng. Đã gần nửa năm nay tôi treo biển cho thuê nhưng vẫn không ai thuê nổi mặc dù tôi đã hạ giá 50% xuống còn 40 triệu đồng/m2”, anh Thắng chia sẻ.
Như vậy, bản chất các chủ mặt bằng cho thuê đã có những chính sách như hạ giá thuê nhằm kích cầu nhà đầu tư, nhưng dường như, sự ảnh hưởng của dịch bệnh là quá lớn và chưa rõ hồi kết nên không có nhà đầu tư nào dám mạo hiểm kinh doanh vào giai đoạn này.
Anh Thắng cho biết thêm: “Nếu như trước đây, chỉ cần phát đi thông tin có mặt bằng cho thuê thì một ngày đã có hàng chục cuộc điện thoại gọi đến tìm hiểu, khách cũ chưa chuyển đã có người mới tìm đến đặt cọc, chấp nhận giá cao hơn. Còn bây giờ, cũng có khách hỏi nhưng hỏi rồi lại đi”.
Lý giải về điều này, bà Hoàng Nguyệt Minh, Giám đốc Bộ phận Cho thuê Thương mại, Savills Hà Nội cho rằng, tác động của dịch bệnh Covid-19 khiến khách hàng hạn chế trực tiếp đến các nhà hàng, quán ăn, cửa hàng… Trong khi đó, thời điểm trước dịch, rõ ràng yếu tố vị trí thuận tiện, trung tâm, đã giúp những chủ cửa hàng ở mặt phố như khu vực Hoàn Kiếm dễ dàng hút khách, nhất là khách du lịch, nên tình hình kinh doanh tăng trưởng ổn định.
“Chính vì thế, dịch Covid-19 cùng các đợt giãn cách xã hội đã thúc đẩy quá trình chuyển đổi số, tham gia vào thương mại điện tử của nhiều chủ kinh doanh, dẫn đến nhu cầu thuê mặt bằng giảm đi rất nhiều. Nhiều chủ mặt bằng ban đầu không giảm giá thuê, hoặc chỉ giảm rất ít thì cuối cùng cũng phải chấp nhận xuống giá 20 - 30%, thậm chí 50% nhưng vẫn “mỏi mắt” tìm khách thuê.
Nếu dịch bệnh Covid-19 tiếp tục diễn biến phức tạp, cảnh đìu hiu của thị trường mặt bằng nhà phố vẫn sẽ tiếp diễn. Thị trường bán lẻ sẽ còn cần rất nhiều thời gian để phục hồi và lấy lại “phong độ” như thời điểm trước khi dịch bệnh xảy ra”, bà Nguyệt Minh đánh giá.
Trước tình trạng các mặt bằng kinh doanh vắng bóng người thuê, giới chuyên gia cho rằng, phải mất thêm một quãng thời gian nữa thị trường mới có thể lấy lại đà phục hồi. Trong giai đoạn hiện nay, cả người kinh doanh lẫn người có mặt bằng cho thuê buộc phải tìm các phương án đối phó. Kinh doanh online là một phương án hữu hiệu được các bên lựa chọn vào lúc này. Ngoài ra, đây cũng là thời điểm tốt để đánh giá lại thị trường bán lẻ, tìm kiếm phương thức kinh doanh kiểu mới, bởi những giá trị cung cầu đã bị chênh lệch quá xa so giá trị thực.
Cùng quan điểm, bà Hoàng Nguyệt Minh bày tỏ, đối với thị trường bán lẻ, câu chuyện hồi phục còn phải phụ thuộc vào câu chuyện thị trường. Thị trường sẽ phải nhìn vào doanh thu của các hãng bán lẻ để điều chỉnh lại giá cho thuê mặt bằng bên ngoài trở về đúng giá trị cũng như khả năng kinh doanh của các hãng. Ví dụ như các chuỗi cửa hàng, nhà hàng trên thế giới, trong vòng 5 năm trở lại đây, khi phát triển thương mại điện tử, các hãng bán lẻ từ cà phê, nhà hàng ăn uống, thời trang trung - cao cấp… phải đóng cửa là rất nhiều.
Ở Việt Nam trong giai đoạn này, thị trường cho thuê đã bắt đầu điều chỉnh lại về giá trị thực tế của các chuỗi bán lẻ. Theo đó, mặt bằng không còn là “át chủ bài” của bán lẻ mà các doanh nghiệp kinh doanh sẽ phải suy tính kỹ hơn các chiến lược kinh doanh để giảm chi phí, gia tăng hiệu quả.
Nguồn: https://dothi.reatimes.vn/toancanh/mat-bang-kinh-doanh-chim-sau-trong-giac-ngu-dai-20201231000002622.html