Quyết định ban hành, rủi ro ai gánh?
Quyết tâm chống tham nhũng đất đai và nạn “chảy máu đất công” của Nhà nước có lẽ đã lên đến đỉnh điểm khi thời gian gần đây, nhiều dự án bị thanh tra ráo riết và ra quyết định thu hồi khi phát hiện ra sai phạm. Mới đây nhất, Sở Tài chính TP.HCM đã có đề nghị Thành phố hủy bỏ 300 quyết định, công văn chỉ định bán các mặt bằng và địa chỉ nhà đất công cho các tổ chức, cá nhân mà không thông qua đấu giá trước đây. Đề nghị “hồi tố” này đã khiến các doanh nghiệp và người dân không khỏi hoang mang, lo lắng. Một số quỹ đất đang được triển khai dự án theo giấy phép bỗng trở thành gánh nặng với doanh nghiệp nếu có quyết định thu hồi hoặc ngưng dự án.
Minh chứng rõ nét nhất là câu chuyện 7 dự án đang triển khai của Novaland bị UBND TP.HCM ra quyết định tạm dừng chuyển mục đích sử dụng và “đóng băng” các giao dịch của người dân với các dự án này để rà soát các thủ tục pháp lý. Những thông tin “kém tích cực” nói trên đã ảnh hưởng nghiêm trọng tới uy tín của doanh nghiệp này trên thị trường. Minh chứng là, chỉ trong vòng một ngày, vốn hóa trên sàn chứng khoán của Novaland đã “bốc hơi” hơn4.000 tỷ đồng. Cổ phiếu giảm kịch biên khiến tài sản trên sàn chứng khoán của ông Bùi Thành Nhơn - lãnh đạo doanh nghiệp cũng "mất"800 tỷ đồng.
Mặc dù sau đó, UBND TP.HCM đã kịp thời có chỉ đạo gỡ bỏ “chủ trương” dừng giao dịch do không có cơ sở pháp lý để “tháo gỡ khó khăn do doanh nghiệp và người dân” nhưng có thể thấy uy lực của con dấu đỏ trong bản quyết định đã gây xáo trộn không nhỏ trong hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp. Doanh nghiệp và người dân bỗng dưng lại bị mang ra làm “bia đỡ đạn”cho nhưng "quyết định xử lý" sai phạm trong quản lý đất đai của chính quyền các địa phương.
Vậy nếu như 300 dự án được nhắc đến trong đề nghị hủy bỏ quyết định bàn giao đất của Sở Tài chính TP.HCM bị đánh đồng như nhau trên cùng một quyết định thì thiệt hại, theo các chuyên gia kinh tế là “khó có thể bù đắp nổi”. Ở đây, chúng ta không bàn đến những dự án treo, những dự án chỉ định không qua đấu giá nhưng chủ đầu tư lại đắp chiếu, bỏ hoang gây lãng phí tài sản Nhà nước. Những dự án đó đáng phải thu hồi bằng mọi giá.
Nhưng vấn đề đặt ra, là trong 300 dự án kia, sẽ có những dự án được cấp phép triển khai một cách bài bản với đầy đủ các thủ tục pháp lý liên quan, thậm chí đã hoàn thành xong hoặc bàn giao cho khách hàng. Nếu đột nhiên bị thu hồi, “số phận” của doanh nghiệp sẽ đi về đâu? Một số lượng lớn tiền của (có thể là hàng nghìn tỷ đồng) và tâm huyết đã bỏ ra, liệu có thể đền bù lại được. Và nếu có thể đền bù về vật chất, thì một khi dự án bị dừng, uy tín của doanh nghiệp cũng sẽ vì đó mà “tuột dốc không phanh”, cơ hội đầu tư kinh doanh cũng vì thế mà mất đi. Câu hỏi đặt ra, với thiệt hại này, ai sẽ đền bù cho doanh nghiệp và nghiêm trọng hơn là liệu có thể đền bù được hay không? Dĩ nhiên, nếu doanh nghiệp làm sai, họ sẽ phải chịu trách nhiệm cho hành vi đó của mình. Nhưng trường hợp, doanh nghiệp là bên thứ ba ngay tình, lỗi là của chính quyền, của cán bộ quản lý thì câu chuyện sẽ rẽ sang hướng khác, tệ hơn.
“Không thể nào vì lý do bên này làm sai mà bên kia phải chịu hậu quả, chẳng hạn như Nhà nước bán rẻ mà Nhà nước thu về thì nó chỉ tác động đến lợi ích kinh tế của Nhà nước còn thiệt hại thì bên mua là doanh nghiệp phải chịu hoàn toàn. Nếu người ta không sai trái, không vi phạm gì phải tính toán toàn bộ thiệt hại thực tế để có cơ chế bồi thường. Nhưng bồi thường thiệt hại vật chất, thiệt hại tiền bạc thì tính ra được, nếu như là lãi suất, chi phí có thể tính ra ngay. Nhưng thiệt hại ở cơ hội, ví dụ tiền đó người ta để làm việc khác thì đã mang lại nhiều giá trị và lợi ích hơn. Ngoài ra còn thời gian, công sức, đặc biệt là uy tín của doanh nghiệp, đó là những tài sản vô giá và có lẽ là không thể bồi thường”, Luật sư Trương Thanh Đức, Chủ tịch HĐTV Công ty Luật Basico cho hay.
Thỏa thuận là giải pháp tốt nhất
Trong trường hợp tài sản đất đai của Nhà nước đã bán hoặc bàn giao cho doanh nghiệp triển khai dự án, sau đó mới phát hiện ra sai phạm, theo các chuyên gia, một quyết định thu hồi mang tính cứng nhắc và ép buộc khó có thể khả thi mà thậm chí còn kéo theo nhiều hệ lụy. Do vậy, giải pháp tốt nhất được đưa ra là thỏa thuận. Bởi trong quan hệ mua bán, chuyển nhượng tài sản công, Nhà nước hay các đơn vị đại diện cho vốn Nhà nước đều có quyền lợi ngang bằng với bên còn lại, do đó không thể sử dụng ý chí chủ quan hay mệnh lệnh hành chính để thu hồi một cách hợp pháp được.
“Đó chính là lý do để thỏa thuận. Nếu không thỏa thuận được thì sẽ phải ra tòa giải quyết. Còn nếu cố gây sức ép, áp lực hành chính thì sẽ dẫn đến lợi bất cập hại. Vì để có các hợp đồng chuyển nhượng đất thì phải có chữ ký của cán bộ, công chức và thậm chí lãnh đạo chứ bản thân doanh nghiệp không thể quyết được.
Bên cạnh đó, việc lạm dụng quyền lực Nhà nước sẽ khiến nhà đầu tư ngần ngại tham gia vào quá trình chuyển nhượng đất đai. Ngay cả những người chịu trách nhiệm chuyển nhượng cũng sẽ không mặn mà bởi nỗi sợ mắc sai phạm và bị xử lý”, Luật sư Trương Thanh Đức phân tích.
Mặt khác, theo vị chuyên gia này, việc vô hiệu hóa những quyết định đã ban hành quá nhiều sẽ dẫn đến sự coi thường pháp luật. Vì khi đã có cam kết, đã có văn bản dấu đỏ chấp thuận đầu tư nhưng sau này vẫn có thể lật lại và hủy bỏ thì ai sẽ tôn trọng và thực hiện đúng luật? Đó là hậu quả lớn nhất và đáng lo ngại nhất.
Chia sẻ trên báo Thanh Niên, TS. Lưu Bích Hồ, nguyên Viện trưởng Viện Chiến lược phát triển (Bộ Kế hoạch và đầu tư) cũng cho rằng, việc thu hồi như thế nào, và xử lý trách nhiệm của các bên liên quan sắp tới ra sao cần phải được giải quyết thỏa đáng. Nếu sau này thanh tra xác định chính quyền ra quyết định sai, phá vỡ quy hoạch thì phải xử lý nghiêm trách nhiệm của từng cá nhân, đặc biệt trách nhiệm của người đứng đầu ban hành chủ trương, phê duyệt quyết định đầu tư. Việc hồi tố, tức thu hồi lại các quyết định, thu hồi dự án, bất động sản... phải thực thi theo đúng tinh thần của pháp luật ai sai người đó chịu. Nếu không xử lý dứt điểm, công bằng chắc chắn các địa phương có sai phạm sẽ đánh mất niềm tin của doanh nghiệp. Đặc biệt, các doanh nghiệp nước ngoài sẽ cảm thấy ái ngại với một môi trường đầu tư đầy rủi ro, thiếu công khai và minh bạch”.
Việc thiếu hụt nguồn cung đất sạch để phục vụ đầu tư và phát triển dự án bất động sản đang là một trong những điểm nghẽn của thị trường cần tháo gỡ. Vậy phải chăng, Nhà nước nên “chĩa mũi súng” vào những dự án tồn đọng, bỏ hoang trước để gia tăng quỹ đất sạch, thay vì vội vàng thu hồi những quỹ đất đang triển khai xây dựng hoăc đã bàn giao cho người dân? Nhất là khi nguồn cung của thị trường nhà ở cũng đang thiếu hụt trầm trọng thì câu chuyện này lại càng nên được cân nhắc kỹ. Việc UBND TP.HCM hủy quyết định dừng giao dịch tại 7 dự án của Novaland là một tín hiệu tích cực nhưng cũng là bài học của cơ quan quản lý trong việc ban hành quyết định phải có đủ cơ sở pháp lý, nếu không hậu quả để lại cho doanh nghiệp và cộng đồng là rất lớn./.
Lục Bình