Theo Đài Khí tượng - Thủy văn, sắp tới sẽ có một đợt sóng nhiệt đới cao đang di chuyển từ phía Tây Lào sang phía Đông và sẽ gây nên đợt nóng đột ngột các tỉnh từ miền núi phía Bắc đến Nam Trung Bộ. Nhiệt độ bắt đầu tăng từ ngày 18/4 với mức nhiệt độ là 35 độ C và sẽ nắng nóng từ ngày 19/4 với mức 36-37 độ C. Đây được coi là đợt nắng nóng đầu tiên trong năm 2019.
Mùa hè năm nay được dự báo nắng nóng sẽ đến sớm và gay gắt.
Nắng nóng đạt cực đại của đợt này vào ngày 21/4/2019. Những vùng đồng bằng thấp sẽ có mức nhiệt khí tượng từ 38-39 độ C. Nhiệt độ thực tế có thể lên đến 40 độ C.
Cụ thể, ngày 19/4, nhiệt độ cao nhất của khu vực Đông Bắc Bộ trung bình vào khoảng 36 độ C, trời ít mây, không mưa, nhiệt độ thấp nhất xấp xỉ 27 độ C.
Đặc biệt, trong ngày 21/4, nền nhiệt cao nhất trong ngày lên đến 38 độ C, trời ít mây, không mưa. Khu vực Hà Nội vào buổi trưa nhiệt độ ngoài trời xấp xỉ 38.5 - 39,5 độ C.
Dự báo, nhiệt độ cao nhất trong tháng 4 năm 2019 tại các tỉnh Bắc Bộ có thể đạt mức 38 - 40 độ C. Tại Trung Bộ nắng nóng gay gắt hơn, cao nhất đạt 39 - 40 độ C, có nơi có thể xảy ra nhiệt độ quanh ngưỡng 40-41 độ C.
Khu vực Nam bộ sẽ lại bước vào một đợt nắng nóng dữ dội mới, được coi là đợt nắng nóng gay gắt nhất trong mùa khô năm nay, trước khi bước vào mùa mưa (khoảng từ tháng 5).
Theo Trung tâm Dự báo khí tượng - Thủy văn quốc gia, từ tháng 5 đến tháng 10/2019, nhiệt độ trung bình trên phạm vi cả nước phổ biến ở mức cao hơn trung bình nhiều năm cùng thời kỳ khoảng 0,5 - 1°C. Các đợt nắng nóng không kéo dài và có khả năng tập trung trong tháng 5 ở phía Tây Bắc bộ, từ tháng 5 - 6 ở phía Đông Bắc bộ, từ tháng 5 - 8 tại khu vực Bắc và Trung Trung bộ.
Ngoài ra, ở khu vực Bắc bộ, trong mùa mưa lũ năm 2019, dự báo đỉnh lũ trên các sông suối khu vực Bắc bộ phổ biến ở mức BĐ2-BĐ3, một số sông suối nhỏ trên BĐ3. Lũ quét và sạt lở đất có khả năng xuất hiện sớm ngay từ các tháng đầu mùa mưa lũ, nhiều đợt lũ quét và sạt lở đất tập trung tại vùng núi phía Tây Bắc.
Khu vực Trung bộ, Tây Nguyên và Nam bộ, từ tháng 4-5/2019, lượng dòng chảy trên các sông ở Trung bộ và khu vực Tây Nguyên phổ biến ở mức xấp xỉ và thấp hơn TBNN; riêng các sông từ Quảng Nam đến Bình Định và Bình Thuận phổ biến ở mức xấp xỉ và cao hơn TBNN.
Dự báo, sẽ có nguy cơ xảy ra hạn hán, thiếu nước tại các tỉnh thuộc khu vực Nam Trung bộ và khu vực Tây Nguyên, đặc biệt tình hình hạn hán thiếu nước xảy ra cục bộ ở những vùng nằm ngoài khu vực cấp nước của các công trình thủy lợi.