Thông tin từ Bệnh viện Nhân dân 115 (TP.HCM) cho biết, vừa can thiệp đặt stent thành công cho nam bệnh nhân H.V.L. bị nhồi máu cơ tim cấp. Điều đáng nói là bệnh nhân này còn trẻ mới 25 tuổi và hoàn toàn chưa có bệnh lý mạn tính trước đây.
Theo lời kể, tiền căn gia đình không ghi nhận gì nổi bật. Bệnh nhân mới hồi hương sau khoảng 5 năm đi lao động tạiChâu Âu. Trong thời gian này, do thời tiết lạnh, bệnh nhân thường xuyên hút thuốc lá, xấp xỉ 1 gói (20 điếu)/ngày.
Bệnh nhân nhập viện sau 3 ngày đau nhức toàn thân, khó thở phải nằm đầu cao, sốt nhẹ, ho có đờm và nổi bật là đau vùng ngực trái liên tục, mức độ trung bình đến nặng.
Theo bác sĩNgô Võ Ngọc Hương - Khoa Tim mạch tổng quát, Bệnh viện Nhân dân 115, các dấu hiệu thăm khám lúc nhập viện đều cho chỉ số hoàn toàn bình thường. Đáng lưu ý là men tim của bệnh nhân rất cao. Vì men tim tăng quá cao trên một bệnh nhân còn trẻ tuổi, chẩn đoán đầu tiên nghĩ đến là viêm cơ tim cấp thay vìnhồi máu cơ timcấp.
Lý giải cho điều này, các bác sĩ cho biết: do các yếu tố nguy cơ của bệnh lý mạch vành trên bệnh nhân này rất nghèo nàn, ngoại trừ việc hút thuốc lá. Đồng thời, bệnh nhân còn có biểu hiện giống hội chứng nhiễm siêu vi cấp.
Hình ảnh chụp mạch vành sau khi bệnh nhân được đặt 1 stent (chú thích bằng mũi tên đỏ)
Tuy nhiên, các chi tiết không phù hợp là điện tim không có hình ảnh gợi ý của viêm cơ tim trong khi men tim đang tăng động học và có rối loạn vận động vùng trên siêu âm... kèm theo có hở van hai lá. Chẩn đoán được hướng đến nhiều nhất lúc này là nhồi máu cơ tim cấp. Chỉ định chụp mạch vành nhanh chóng được hội chẩn và tiến hành ngay sau đó.
Kết quả chụp mạch vành cho thấy, nhánh mũ tắc hoàn toàn, các nhánh khác cũng có tổn thương. Bệnh nhân được can thiệp thành công một stent mạch vành cùng liệu trình điều trị chuẩn của nhồi máu cơ tim.
Triệu chứng đau ngực của bệnh nhân thuyên giảm ngay sau khi được can thiệp. Siêu âm tim kiểm tra thấy sức co bóp các thành cơ tim có cải thiện. Sau 5 ngày, bệnh nhân ổn định sức khỏe, được kê đơn uống thuốc mỗi ngày theo toa và sau khi ra viện sẽ khám hằng tháng tại chuyên khoa tim mạch.
Cảnh giác triệu chứng bệnh
Bác sĩ Ngô Võ Ngọc Hương cho hay, trường hợp của bệnh nhân L. làmột bài học lâm sàngđáng lưu ývề nhồi máu cấp ở người trẻ và đòi hỏi thái độ tích cực tái lưu thông mạch vànhsớm.
Nhồi máu cơ tim là một biến cố tim mạch cấp tính nguy hiểm. Bệnh lý này thường gặp trên các đối tượng trung niên, nam giới, có thói quen hút thuốc lá, tiền căn tăng huyết áp, đái tháo đường, rối loạn lipid máu. Tuy nhiên, theo các quan sát gần đây, tuổi trung bình của các bệnh nhân nhồi máu cơ tim đang dần trẻ hóa. Đã có không ít các trường hợp mắc bệnh khi tuổi đời chưa đến 30.
Nguyên nhân chính gây ra nhồi máu cơ tim là do máu đông hình thành làm tắc động mạch vành khi mảng xơ vữa bị nứt, vỡ ra. Ngoài ra, tình trạng co thắt mạch vành cũng có thể làm ngừng trệ dòng máu dẫn đến nuôi cơ tim.
Triệu chứng của bệnh nhồi máu cơ tim chủ yếu làcơn đau thắt ngựcở vị trí sau xương ức lan lên trên dưới hàm, tay trái. Thi thoảng người bệnh bắt gặp cơn đau thượng vị như cơ đau của bệnh lý tiêu hóa.
Các cơn đau thường kéo dài hơn 30 phút, khi nghỉ ngơi cơn đau cũng không giảm. Ngoài ra người bệnh còn có các triệu chứng khác như khó thở, thở dốc, vã mồ hôi, hồi hộp, bị đánh trống ngực, nôn, buồn nôn, thậm chí là lú lẫn, hay quên...
Người trẻ tuổi hoàn toàn không nên chủ quan với các dấu hiệu trên. Cần nắm bắt các triệu chứng của cơ thể để đánh giá, chẩn đoán bệnh và đi khám sớm nhất có thể tránh cơn nhồi máu cơ tim đột ngột gây nguy hiểm đến tính mạng.
Bên cạnh đó, cần xây dựng lối sống lành mạnh cùng chế độ dinh dưỡng hợp lý, thường xuyên khám kiểm tra, xét nghiệm định kỳ cũng nhưkhông hútthuốc lá,hạn chếrượu bia... là những điều cần thiếtđể có một sức khỏe tốt.
Nguồn: https://congly.vn/xa-hoi/suc-khoe/moi-25-tuoi-da-bi-nhoi-mau-co-tim-canh-bao-can-benh-khong-chua-nguoi-tre-307360.html