Có ý kiến nói rằng sắp tới, phân khúc bất động sản công nghiệp sẽ khởi sắc. Lại ý kiến khác nhận xét phần “cung” của bất động sản du lịch - nghỉ dưỡng chưa thỏa mãn phần “cầu”. Ý kiến nữa là sự hình thành hệ thống Vincity sẽ làm đổi thay tư duy về đô thị vệ tinh và nhà ở xã hội...

Tất cả mọi phân tích đều đáng trân trọng, nhưng riêng tôi có một niềm tin mãnh liệt về một bất ngờ khác, đó là sự lên ngôi của bất động sản xanh, mà chia sẻ trong bài này là những dự án bất động sản về năng lượng tái tạo.

Kể từ ngày Thủ tướng Chính phủ đã ra Quyết định số 11/2017/QĐ-TTg về cơ chế khuyến khích phát triển dự án điện mặt trời, trong đó yêu cầu Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) có trách nhiệm mua toàn bộ lượng điện từ các dự án điện mặt trời nối lưới với giá mua điện tại điểm giao nhận điện là 2.086 đồng/kWh (chưa bao gồm thuế giá trị gia tăng, tương đương 9,35 cent/kWh), dòng tiền đầu tư chảy vào lĩnh vực này mãnh liệt chưa từng có.

Chẳng hạn như chỉ riêng tỉnh Bình Thuận, theo báo cáo mới nhất của Sở Công Thương, đến nay, trên địa bàn tỉnh có 90 dự án điện mặt trời với tổng công suất đăng ký đầu tư 5.347,72 MWp trên diện tích 6.720,48ha và tổng vốn đầu tư dự kiến hơn 137.100 tỷ đồng.

Rồi cách đây hơn một năm, chỉ riêng Tập đoàn Thành Thành Công (TTC Group) đã công bố kế hoạch chi 1 tỷ USD cho dự án đầy tham vọng trong lĩnh vực điện mặt trời, nhằm đáp ứng nhu cầu điện năng đang ngày một tăng cao.

Ninh Thuận đã cấp quyết định chủ trương đầu tư cho 30 dự án điện mặt trời trên địa bàn tỉnh

Ninh Thuận đã cấp quyết định chủ trương đầu tư cho 30 dự án điện mặt trời trên địa bàn tỉnh

Tuy nhiên, nói như thế không có nghĩa là mọi sự đang suôn sẻ. Mới đây, tại buổi làm việc với Bộ trưởng Bộ Công Thương, ông Phạm Văn Hậu - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Ninh Thuận, cho biết: UBND tỉnh đã cấp quyết định chủ trương đầu tư cho 30 dự án điện mặt trời và 14 dự án điện gió, với tổng công suất 2.737,5MW. Tuy nhiên, hệ thống truyền tải trên địa bàn tỉnh mới chỉ giải phóng được 777,35MW (!).

Đấy, “sức nóng của điện mặt trời” không chỉ xuất phát từ mặt trời mà nó còn từ sự cọ xát mạnh mẽ tại tất cả các khâu trong quy trình sản xuất – truyền tải – phân phối và tiêu dùng điện. Trong đó, sự điều phối hài hòa trong hệ thống quản lý ở tầng vĩ mô giữ vai trò cực kỳ trọng yếu.

Nhưng thôi, trong Quyết định số 11/2017/QĐ-TTg, Thủ tướng đã yêu cầu EVN có trách nhiệm mua toàn bộ lượng điện từ các dự án điện mặt trời nối lưới điện quốc gia với giá mua điện tại điểm giao nhận điện là 2.086 đồng/kWh thì chắc chắn sự “vênh nhau” giữa sản xuất và truyền tải điện như ở Ninh Thuận và nhiều địa phương có tiềm năng khác sẽ được khắc phục.

Mọi thăng hoa đều phải tựa vào xu thế của thời đại. Chắc hẳn nhiều người còn nhớ tại Hội nghị lần thứ 21 các bên tham gia Công ước khung của Liên Hợp Quốc về biến đổi khí hậu (COP21), Thủ tướng Chính phủ Việt Nam đã cam kết giảm 8% lượng phát thải khí nhà kính vào năm 2030 và có thể giảm đến 25% nếu nhận được hỗ trợ hiệu quả từ cộng đồng quốc tế.

Thế nhưng thực tiễn ở Việt Nam lại dường như đang chứng minh ngược lại. Bởi lẽ cách đây không lâu, tại cuộc hội thảo “Công nghệ nhiệt điện than và môi trường” do Bộ Công Thương tổ chức cho biết, sắp tới, nhiệt điện than ở nước ta vẫn giữ một tỷ lệ trọng yếu, chiếm tới 55% sản lượng điện mỗi năm. Lý do rất đơn giản: không có nguồn điện năng khác thay thế!

Theo quy hoạch sản xuất nhiệt điện than đến năm 2025, điện than chiếm khoảng 55% điện sản xuất.

Theo quy hoạch sản xuất nhiệt điện than đến năm 2025, điện than chiếm khoảng 55% điện sản xuất.

Con số thống kê cho hay, hiện nay, hệ thống điện Việt Nam đã phát triển lớn mạnh, đứng thứ 31 trên thế giới và thứ 2 trong các nước ASEAN. Công suất hệ thống đạt 40.000 MW, sản lượng điện sản xuất năm 2015 đạt 162 tỷ kWh. Trong đó, về công suất thủy điện chiếm 41%, nhiệt điện than 33%, nhiệt điện khí 31%, còn lại là năng lượng tái tạo. Về sản lượng, thủy điện chiếm 38%, nhiệt điện than 30% và nhiệt điện khí là 29%.

Tuy vậy, theo quy hoạch sản xuất nhiệt điện than đến năm 2020 sẽ chiếm khoảng 49,3% điện sản xuất và đến năm 2025, riêng điện than đã có tổng công suất khoảng 45.800 MW, chiếm khoảng 55% điện sản xuất, tiêu thụ khoảng 95 triệu tấn than.

Chúng ta thử tưởng tượng với lượng than đốt hằng năm “khủng” như vậy, liệu có bao nhiêu triệu tấn chất thải rắn và khí độc hại thoát ra môi trường? Và liệu cam kết của Việt Nam với quốc tế về giảm lượng phát thải khí nhà kính sẽ thực hiện bằng con đường nào?

May thay, cuộc cách mạng khoa học – công nghệ đang triển khai như vũ bão trên toàn thế giới đã khiến nhiều quan niệm, nhiều kết quả mặc định đã bị phá vỡ, không chỉ từng ngày mà nhiều khi từng giờ, từng phút. Cách đây ít lâu, một thông tin “khủng” đã được phát đi: Vương quốc Dubai (thuộc Các tiểu vương quốc Arab thống nhất - UAE) vừa thiết lập kỷ lục thế giới mới về giá điện mặt trời. Công ty Dubai Electricity and Water Authority (DEWA) đã nhận được mức bỏ thầu cho dự án Nhà máy điện Mặt trời Sheikh Maktoum Solar Park Phase III với mức giá thấp kỷ lục, chỉ 3,00 US cent/kWh (tương đương 666 VNĐ) cho mỗi kWh điện.

Đến đây, ta đã có thể nhìn thấy được sự hấp dẫn của năng lượng tái tạo trong khoảng cách giữa 9,35 cent và 3 cent/kWh. Và chắc chắn đó sẽ là một động lực quan trọng để tạo nên sự bất ngờ có thể xảy ra trong lĩnh vực bất động sản công nghiệp năng lượng tái tạo năm 2019 và những năm tiếp theo, tựa như những con số nêu trên đầy ấn tượng ở Bình Thuận và Ninh Thuận vậy.

Theo reatimes.vn/reablog