Mùa nhớ của tôi cũng bắt đầu khi gió bấc đổ về, gió mang theo chút se lạnh hanh hao và cả mùi Tết thoang thoảng, len khắp ngõ ngách phố phường nghe lòng nao nao.
Mùa nhớ, có lẽ bắt đầu từ một chiều nào đó, chợt thoảng chút hương trầm nhà ai vừa thắp hương trên bàn thờ gia tiên. Cái mùi hương quyện trong gió lạnh, mà gợi đến ghê người, mà giục người ta guồng chân về nhà sau buổi chiều muộn, mà bỗng ngẩn ngơ như thấy bóng Xuân vừa chạm qua khung cửa.
Mùa nhớ là nhớ mùi hăng hắc cay cay tỏa ra từ cái bếp toàn củi gộc luộc bánh chưng. Lửa trong bếp lúc nào cũng phải giữ đỏ rực. Dăm viên gạch xếp chụm lại thế kiềng ba chân, bên trên bắc cái nồi to mấy người khiêng. Từ lúc gói bánh cho đến lúc nổi lửa luộc bánh là khoảng thời gian vui nhất của lũ trẻ con khu tập thể nhà tôi thuở ấy. Ngày ấy nghèo, mấy nhà chung nhau một nồi bánh. Các nhà góp thịt lợn, gạo nếp, đỗ, lá dong. Trời rét căm căm, buổi tối cơm nước xong trẻ con tụ tập quanh nồi bánh chưng. Địa điểm luộc bánh là sân nhà tập thể năm tầng.
Vui lắm. Hai hàm răng lập cập vì rét và hồi hộp. Chả hiểu sao thời ấy, mùi Tết rõ thế. Từ trước lúc gói bánh chưng đã thấy cái phong vị bảng lảng của tiết trời vào Xuân. Khi bắc nồi luộc bánh cái mùi thơm kỳ diệu của khói bếp, củi cháy, lá dong cứ tan trong không gian, bám chặt vào người. Len vào đầu óc non nớt của trẻ con. Nhớ Tết là nhớ hương của lá mùi già! Mùi thơm của nước mùi già lạ lắm, ấm áp và mênh mang một niềm thương nhớ. Hương mùi già như hư ảo, vấn vít với bao thời gian, bao con người, không ai biết được. Chỉ có thể biết chắc rằng trong cuộc sống đời thường bận rộn lo toan ngày nay các loại sữa tắm, nước hoa đang làm mất dần đi hương mùi xưa cũ.
Thế nhưng điều không thể mất là cứ đến chiều 30 Tết nhà nhà giữ nếp cũ, đun trên bếp nồi lá mùi già. Từ nhà ra ngõ, từ phố này sang phố kia, hương mùi len lỏi trong gió. Hương mùi già chỉ thoảng trong ngày Tết thôi, nhưng cho người ta nhớ mãi, mùi ấy chính là mùi của quê hương, mùi của Tết... Mùi hương ấy không thể phôi pha dẫu năm tháng có thể xóa nhòa cả một thời tuổi trẻ. Mùi hương ấy ăn sâu vào tâm thức con người. Hương mùi già: Mùi hương của Tết! Trong nỗi nhớ về Tết xưa, vẫn còn nao lòng với hình ảnh bàn tay nhăn nheo vì nước lạnh rửa lá bánh, đãi gạo, đỗ… và hương mật hương đường quẩn quanh người bà, người mẹ và các dì, các cô.
Mùa nhớ, là nhớ cái nỗi háo hức chờ bộ quần áo mới mà các cô, các chú chắt chiu cho đứa cháu đầu tiên của dòng họ. Nhớ Tết, còn là nhớ cả nỗi thất vọng, xụng xịu đến rơi nước mắt ngày thơ bé chỉ vì Tết năm đó nóng, chẳng thể hợp với cái áo lông tuyệt đẹp mà cô đã mua cho…
Nhớ…
Rồi nhớ…
Và nhớ…
Tôi không biết mình sẽ còn được qua bao nhiêu mùa nhớ nữa nhưng cứ mỗi mùa nhớ đi qua tôi lại thấy mình trưởng thành hơn, chín chắn hơn và biết chấp nhận hơn. Đôi khi giữ riêng cho mình một vài điều nhớ, cất thật kỹ đâu đó trong trái tim để khi lục lọi vô tình chạm phải nó rồi thẫn thờ đứng lặng nghĩ về những điều đã trải qua mà thấy nghẹn căng ở sống mũi mình.
Với tôi, vậy đã đủ hạnh phúc rồi…
Nguyên An