Điều này đã giúp Việt Nam đứng thứ 7 trong số các quốc gia có mức độ lạc quan cao nhất trên toàn cầu.
Báo cáo cũng chỉ ra rằng người tiêu dùng trong khu vực Đông Nam Á vẫn là những người tiêu dùng có mức độ tự tin cao nhất trên toàn cầu với 113 điểm (+3 điểm so với quý IV/2015).
Trong quý này, Philippines đã tạo kỷ lục mới khi vượt qua Ấn Độ để trở thành quốc gia có mức độ lạc quan cao nhất toàn cầu với 132 điểm (+13 điểm - mức tăng cao nhất toàn cầu trong quý này).
Indonesia vẫn giữ vị trí thứ ba toàn cầu với 119 điểm (+2 điểm).
Mức độ lạc quan của Thái Lan giảm 4 điểm so với quý trước, đạt 101 điểm. Trong khi đó, mức độ lạc quan của Malaysia tăng 6 điểm, đạt 87.
Singapore vẫn ổn định ở mức 88 - bằng với quý trước.
Theo đánh giá, người tiêu dùng ở khu vực Đông Nam Á vẫn là những người có xu hướng tiết kiệm cao nhất trên thế giới. Có tới 2/3 số người được hỏi (chiếm khoảng 68%) cho biết họ sử dụng tiền nhàn rỗi cho những khoản tiết kiệm.
Mặc dù có sự lạc quan và niềm tin tiêu dùng cao nhưng khi đề cập đến vấn đề tiết kiệm, người Việt vẫn là những người tiêu dùng có xu hướng tiết kiệm cao nhất trên thế giới (76%), theo sau là Indonesia (70%), Philippines (65%), Malaysia & Singapore (63%) và Thái Lan (62%).
Cùng với xu hướng tiết kiệm, người dùng Việt còn sẵn lòng để chi trả cho các khoản mục lớn được cho là cần thiết.
Báo cáo của Nielsen cho hay, sau khi đã trang trải các chi phí sinh hoạt thiết yếu, khoảng 3/5 người Việt sẽ sử dụng tiền nhàn rỗi để đi du lịch, nghỉ mát (41%, tăng 5% so với quý trước), mua sắm quần áo mới (38%) và sử dụng các dịch vụ giải trí bên ngoài (37%).
Ngoài ra, sức khỏe vẫn là mối quan tâm quan trọng của người Việt trong quý này.
1/3 người Việt (32%) được khảo sát cho biết sức khỏe là một trong hai mối quan tâm lớn nhất của họ trong vòng 6 tháng tới. Sự đảm bảo về công việc và sự ổn định của nền kinh tế tiếp tục là mối quan tâm lớn thứ 2 và thứ 3 (29% và 26%, theo thứ tự).
Bên cạnh đó, sự ổn định của chính trị (8%) và các vấn đề liên quan đến tội phạm (8%) xuất hiện như là một trong những mối quan tâm đáng lưu ý trong quý này.
Các mối quan tâm khác bao gồm sự cân bằng trong công việc và cuộc sống (21%), tăng sinh hoạt phí thiết yếu (13%) và tăng giá thực phẩm (12%) và các chính sách phúc lợi lương hưu cho bố mẹ & sự hạnh phúc (8%).
“Trong bối cảnh hiện tại, người tiêu dùng đang tìm cách để có một cuộc sống khỏe mạnh và lành mạnh hơn. Do đó, không ngạc nhiên khi sức khỏe vẫn tiếp tục là mối quan tâm lớn nhất của đại đa số người tiêu dùng.
Bên cạnh đó, trong khi NTD tiếp tục lạc quan về tương lai của họ thì bảo đảm tài chính vẫn là một trong những ưu tiên hàng đầu của họ". - Bà Nguyễn Hương Quỳnh, Tổng Giám đốc, Nielsen Việt Nam nhận định.