Dù chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 1 tăng tới 4,89% nhưng là trên mức nền thấp cùng kỳ năm ngoái. Trong bối cảnh lạm phát thế giới cũng đang hạ nhiệt, nhiều ý kiến cho rằng, chỉ số giá tiêu dùng sẽ giảm dần trong những tháng tiếp theo.
Trong khi đó, diễn biến lạm phát và chính sách tiền tệ từ Mỹ cũng không còn nhiều đột biến, và dự báo tiếp tục xu hướng hạ nhiệt.
Dù vậy, theo quan sát của Tổng cục Thống kê, chỉ số giá nguyên nhiên vật liệu năm ngoái đã tăng 6,79%, và chỉ số giá nhập khẩu hàng hoá cũng tăng 8,56% - đều là mức cao nhất trong 10 năm, gây áp lực không nhỏ cho giá thành đầu ra sản xuất của năm nay, chưa kể 1 vài điểm rơi chính sách khác.
Bà Nguyễn Thị Thu Oanh, Vụ trưởng Vụ Thống kê giá, Tổng cục Thống kê, cho biết: Các chính sách miễn giảm thuế tới 2023 đã hết hiệu lực, như miễn giảm VAT. Hay tăng lương từ 1/7, theo nghiên cứu thì mỗi lần tăng sẽ kéo theo giá hàng hoá, dịch vụ tiêu dùng.
Tổng cục Thống kê đặt ra 3 kịch bản lạm phát cho năm nay. Một là ở mức 4,4%, hai là 4,6% và ba là 4,8%, trong đó vẫn nghiêng về kịch bản đầu tiên. Thách thức lớn nhất là kiểm soát được giá lương thực, thực phẩm, thế nhưng đây lại cũng lại chính là thế mạnh của Việt Nam.
Bà Nguyễn Thị Thu Oanh, Vụ trưởng Vụ Thống kê giá, Tổng cục Thống kê, nhận định: "Việt Nam có nguồn lương thực thực phẩm dồi dào, không chỉ đầy đủ nhu cầu trong nước, mà còn xuất khẩu. Đây là lợi thế rất lớn của Việt Nam giúp giảm áp lực lạm phát".
Cũng theo Tổng cục Thống kê, giá xăng dầu năm nay dù vẫn neo ở mức cao, nhưng dự báo sẽ không có biến động tăng giá đáng kể nữa.
Nguồn: https://congly.vn/kinh-doanh/doanh-nghiep/muc-tieu-kiem-soat-lam-phat-nam-2023-o-muc-4-5-501726.html