Đại dịch Covid-19 khiến nhiều người mất việc, giảm sút thu nhập, buộc phải “thắt lưng buộc bụng”, phải tìm việc mới để mưu sinh. Bên cạnh đó, trước những diễn biến phức tạp của dịch bệnh, bằng nhiều biện pháp, người lao động có ý thức tự bảo vệ bản thân trong mùa dịch.

Xoay đủ nghề để mưu sinh

Báo cáo của Chính phủ ghi nhận, dưới tác động của đại dịch Covid-19, khoảng 19% doanh nghiệp đã tạm dừng hoạt động sản xuất, thu hẹp quy mô. Bên cạnh đó 98% lao động khu vực du lịch, dịch vụ nghỉ việc, 78% lao động ngành vận tải giầy da, dệt may bị giảm việc, giãn việc hoặc ngừng việc và 98% lao động hàng không tạm nghỉ việc. Hàng triệu lao động đã và đang bị ảnh hưởng nặng nề, nhất là lao động giản đơn, thu nhập thấp, không thường xuyên...

Trong 5 năm làm giáo viên một trường mầm non tư thực trên địa bàn Hà Nội, chị Nguyễn Thị Thủy (Hải Phòng) chưa bao giờ cảm thấy buồn như lúc này. Hàng ngày chị quen với không khí vui đùa của trẻ nhỏ thì nay phải quanh quẩn ở nhà không biết làm gì. Chưa kể, số tiền dành dụm được đang dần cạn đi khi chị nghỉ không lương đã gần 3 tháng nay. “Không có thu nhập nhưng tiền ăn uống hàng ngày vẫn phải chi. Chưa kể tiền điện, nước do ở nhà thường xuyên nên cũng trả nhiều hơn”, chị nói.

Không chỉ riêng chị Thủy mà hơn 10 giáo viên cùng trường và hàng nghìn cô giáo ở những trường tư thục khác cũng chung cảnh ngộ. Mới đây, để kiếm thêm thu nhập, chị Thủy tìm hiểu và được giới thiệu vào nhóm bán hàng online. Chị Thủy đã tham gia bán một số mặt hàng thiết yếu như thực phẩm sạch và nhiều mặt hàng gia dụng. Biết nấu nhiều món ăn ngon, chị chế biến sẵn một số món như cá kho, chả cá và một vài đồ uống, nhận được phản hồi tích cực của khách hàng. Công việc bán hàng online đem lại niềm vui và có thêm thu nhập, phụ giúp gia đình trong thời điểm khó khăn này.

Người lao động chủ động đeo khẩu trang, thực hiện giãn cách xã hội theo quy định (Ảnh:K.T)

Tạm nghỉ ở nhà do dịch, anh Hoàng Văn Hưng (một giáo viên tiếng Anh ở Hoàn Kiếm, Hà Nội) cho biết, anh đã xoay ngay sang dạy học trực tuyến để kiếm tiền chăm lo cho gia đình. “Học sinh của tôi tự đề xuất được tiếp tục học online nên nghỉ dạy ở trung tâm và ở trường là tôi mở lớp online luôn. Lớp học của tôi ít học sinh và thu nhập thấp hơn trước nhưng cũng phần nào giải quyết khó khăn trong mùa dịch Covid-19 này”, anh Hưng cho hay. Bên cạnh đó, anh Hưng kiếm thêm các công việc về dịch thuật tại nhà để kiếm thêm thu nhập.

Không may mắn tìm được ngay công việc thích hợp, anh Nguyễn Thái Tùng (một nhân viên văn phòng tại quận Bắc Từ Liêm, Hà Nội) cho biết: Từ khi có dịch thì công ty anh đã cắt giảm nhân sự và anh phải tạm thời nghỉ không lương ở nhà. “Vừa ra trường không lâu, mới được thử việc vài tháng tại một công ty tư nhân nay lại phải nghỉ ở nhà nên tôi thấy khó khăn lắm. Chi tiêu cũng phải hạn chế tối đa rồi nhưng tiền thuê nhà, tiền ăn uống vẫn phải chi thường xuyên nên tôi xin làm nhân viên giao hàng. Mặc dù cũng rất sợ dịch bệnh nhưng tôi vẫn phải kiếm cố gắng kiếm sống qua ngày”, anh Tùng bày tỏ.

Tự bảo vệ mình trong mùa dịch

Kinh doanh online phát triển, nhu cầu tuyển nhân viên giao hàng tăng đột biến. Nhiều cửa hàng kinh doanh thực phẩm cho biết, có những thời điểm, nhân viên đưa hàng làm không đủ công suất. Anh Lê Xuân Cường, nhân viên giao hàng thuộc chuỗi cửa hàng thực phẩm ở Hà Nội cho biết, vừa nghỉ việc tại một nhà hàng do phải đóng cửa vì không có khách. Nghe bạn bè, anh nhận đi giao hàng trong thời gian nghỉ việc, mỗi ngày thu nhập từ 500.000 - 1 triệu đồng.

Phí giao hàng được trả từ 20.000 – 30.000 đồng/đơn hàng. “Những ngày gần đây, người dân đặt hàng online tăng mạnh, chủ yếu là thực phẩm, hoa quả trái cây nhiều. Bình thường tôi làm việc từ 9 giờ sáng đến 7 giờ tối. Ngày nào tỷ lệ đơn giao cho khách vẫn tồn đọng khá nhiều, khoảng 60-70 đơn, chưa đáp ứng hết nhu cầu khách hàng”, anh Cường chia sẻ.

Mới đây, thực hiện chủ trương vừa quyết liệt phòng, chống, kiểm soát dịch bệnh; vừa duy trì hoạt động sản xuất, kinh doanh, giữ vững ổn định xã hội, Chính phủ đề xuất các giải pháp hỗ trợ người dân gặp khó khăn do đại dịch Covid-19 với quy mô dự kiến khoảng 62.000 tỷ đồng (bao gồm trực tiếp từ ngân sách nhà nước, gián tiếp từ quỹ bảo hiểm thất nghiệp và nguồn tín dụng từ ngân hàng chính sách xã hội) hỗ trợ cho khoảng 20 triệu đối tượng thuộc 6 nhóm khác nhau trong khoảng thời gian tối đa là 3 tháng. Đây là thông tin rất vui với người lao động gặp khó khăn bởi dịch bệnh, tuy nhiên với họ để đảm bảo cuộc sống gia đình thì họ vẫn phải xoay xở mọi thứ để trang trải cuộc sống.

Để đảm bảo sức khỏe cho bản thân, mỗi khi đi ra ngoài giao hàng, anh Cường chủ động đeo khẩu trang, dùng kính che mặt, đi găng tay và thực hiện sát khuẩn thường xuyên, nhất là khi giao nhận hàng. Đặc biệt, trong thời gian thực hiện giãn cách xã hội, anh Cường luôn giữ khoảng cách tiếp xúc 2 m với người khác. “Khi giao nhận hàng, tôi chủ động mang theo cả một cái… ghế xếp. Khi đến nơi, tôi để đồ lên ghế, đứng cách xa. Sau đó khách đến lấy đồ, để tiền lên đó, đi ra xa rồi tôi mới tới lấy”, anh Cường cho biết.

Bên cạnh các lao động tự do, ngay tại các khu công nghiệp vẫn đang làm nhiệm vụ sản xuất, kinh doanh, các công ty và người lao động cũng đã chủ động thực hiện các biện pháp để phòng chống Covid-19. Tại khu công nghiệp Thăng Long, công nhân, người lao động được chia thành từng khung giờ cụ thể để ra về, tránh tụ tập đông người. Hầu hết người lao động khi ra, vào khu công nghiệp đều có ý thức đeo khẩu trang và thực hiện giãn cách giữa người với người. 

Chị Dương Thị Thu Thủy (nhân viên phòng Quản lý chất lượng, Công ty Sato Việt Nam) cho biết, ngoài những biện pháp bắt buộc như đeo khẩu trang, rửa thay sát khuẩn, đo nhiệt độ cho nhân viên trước khi vào nhà máy thì công ty chị cũng có nhiều biện pháp chặt chẽ nhằm ngăn chặn sự lây lan của Covid-19. “Thời gian qua, công ty tôi đã thực hiện việc nghỉ luân phiên nhằm giảm bớt lượng người tiếp xúc với nhau. Bên cạnh đó, giờ ăn được chia làm 4 ca, khi đi ăn nhân viên không được đi cùng nhau và phải cách nhau 2 mét, mỗi người ngồi ăn ở một nơi cố định.  Giờ tan làm cũng chia làm 4 khung giờ để mọi người khi vào thay quần áo đỡ bị nhiều người, giảm thiểu tối đa lượng người tiếp xúc với nhau”, chị Thủy cho biết.

 Bên cạnh đó, chị Thủy cũng chia sẻ, ngay tại nhà chị cũng nghiêm túc thực hiện các biện pháp nhằm phòng chống Covid-19. Theo đó, chị thường xuyên lau dọn phòng trọ, sắp xếp đồ đạc gọn gàng, sử dụng cồn để sát khuẩn những vật dụng hay chạm vào như tay nắm cửa, điện thoại để hạn chế tối đa nguy cơ lây nhiễm dịch bệnh. Khi đi chợ, chị Thủy thường cố gắng mua đủ trong 2,3 ngày để tránh việc phải ra ngoài nhiều lần.

Dịch Covid-19 hoành hành đã gây ra tác động vô cùng lớn đối với công nhân, người lao động. Vẫn biết cuộc sống thì không thể dừng lại được, tuy nhiên, những ai vẫn lao ra đường hằng ngày để kiếm tiền mưu sinh hãy biết cách tự bảo vệ mình, đồng thời cũng làm hạn chế bớt khả năng lây lan dịch bệnh ra cộng đồng.

Theo Lao động Thủ đô