Chiến lược phát triển năng lượng tái tạo
Ảnh minh họa. Nguồn: Internet
Thủ tướng Chính phủ đã ban hành nhiều Quyết định về cơ chế hỗ trợ phát triển năng lượng tái tạo với Quyết định 37/2011 QĐ/TTG ngày 29/6/2011 về cơ chế hỗ trợ phát triển điện gió và Quyết định 39/2018 QĐ/TTg ngày 10/9/2018 của Thủ tướng Chính phủ sửa đổi, bổ sung Quyết định só 27/2011 QĐ/TTg. Thủ tướng Chính phủ cũng có Quyết định số 11/2017 QĐ/TTg về cơ chế hỗ trợ phát triển điện mặt trời và Quyết định 02/2019 QĐ/TTg ngày 08/01/2019 của Thủ tướng Chính phủ sửa đổi, bổ sung Quyết định số 11/2017 QĐ/TTg của Thủ tướng Chính phủ về cư chế hỗ trợ phát triển điện mặt trời.
Cùng với đó, Bộ Công thương đã ban hành nhiều Thông tư để quy định thực hiện các quyết định của Thủ tướng trong việc tạo cơ chế đầu tư các dự án điện mặt trời, điện gió.
Cơ chế, chính sách đã có, đó là thuận lợi cho việc xây dựng lĩnh vực năng lượng tái tạo tại Việt Nam. Hiện nay, điện gió có 190MW đã vận hành, 300MW đang xây dựng, còn về điện mặt trời tổng công suất đã đăng ký 15.000MW giai đoạn 2019 – 2025. Tổng công suất đã bổ sung quy hoạch là 8.100MW (đến cuối tháng 10/2018). Có khoảng 100 dự án được ký PPA. Dự án điện mặt trời trên mái nhà đến cuối tháng 7/2018 có 784 dự án với tổng công suất lắp đặt 11.55MWp.
Trong Hội thảo quốc tế Phát triển năng lượng tái tạo hướng đến giảm thiểu các – bon tại Việt Nam, Thứ trưởng Bộ Công thương Cao Quốc Hưng đã phát biểu: Cùng với tốc độ phát triển nhanh của các nền kinh tế quốc dân trong khu vực, chúng ta chắc chắn về sự gia tăng nhanh của nhu cầu năng lượng của các quốc gia trong cộng đồng kinh tế ASEAN. Các dự báo cho thấy rằng dân số của các quốc gia ASEAN sẽ tăng từ 615 triệu người lên 715 triệu người giai đoạn 2014-2025 trong khi tốc độ tăng trưởng kinh tế chung sẽ tăng ở mức trên 5% cho cùng giai đoạn. Theo tính toán của Trung tâm năng lượng ASEAN, nhu cầu năng lượng của khu vực sẽ tăng bình quân 4,7%/năm và nhu cầu điện sẽ tăng lên gấp đôi từ 2014 đến 2025.
Rõ ràng, đảm bảo an ninh năng lượng và phát triển năng lượng một cách bền vững ngày càng trở nên quan trọng đối với các nước trong khu vực, và đây chính là thời điểm quan trọng để nước ta để xây dựng lộ trình chuyển đổi năng lượng với các mục tiêu rõ ràng và kế hoạch hành động được thiết kế tốt.
Cơ hội và những thách thức
Khai thác năng lượng.
Việt Nam hiện nay có nhiều nguồn điện sơ cấp tiềm năng, với Than khoảng 3.5 tỷ tấn (33.4 triệu tấn tiêu thụ năm 2017); Khí tự nhiên 270 tỷ m3 (6 tỷ m3 đã tiêu thụ năm 2017); Thủy điện 110 tỷ kWh/năm (86,6 tỷ kWh đã khai thác năm 2017); Gió 7.200 MW; Mặt trời 8000 – 40.000 MW; Địa nhiệt 680W. Đây là nguồn tiềm năng rất lớn để cung cấp điện cho đất nước.
Về điện gió, ước tính trên đất liền có thể phát triển khoảng 30GW, cùng với tiềm năng điện gió ngoài khơi, Việt Nam có thể đạt 100GW công suất điện gió. Trong đó đã có 6 dự án với tổng công suất 197MW đã đưa vào vận hành, và đang xây dựng 10 dự án với tổng công suất khoảng 1.400MW.
Về điện mặt trời, đã đưa vào vận hành 2 dự án, tổng công suất 84MW và đang xây dựng 42 dự án, tổng công suất khoảng 3.600MW.
Về năng lượng sinh khối (cây năng lượng, các chất thải hữu cơ, rác thải, phế thải nông nghiệp, gỗ củi) tổng công suất khoảng 400MW, chủ yếu tại các nhà máy mía đường.
Với mục tiêu đến năm 2020 năng lượng tái tạo (điện gió, điện mặt trời, điện sinh khối) đạt 42.5% công suất điện tái tạo vào năm 2020 và 45.1% vào năm 2030, tiến tới đạt 55.9% vào năm 2050.
Tiềm năng phát triển và ứng dụng điện mặt trời là rất lớn, đặc biệt là điện mặt trời áp mái, nhất là đối với các tỉnh phía Nam. Với cơ chế khuyến khích phát triển điện mặt trời với mức giá 9.35 Uscent/kWh cho các dự án đưa vào vận hành trước 30/6/2019.
Tiềm năng là thế, đối với dự án đầu tư nào cũng gặp phải những rủi ro, đối với dự án điện năng lượng tái tạo mới mẻ và phụ thuộc vào điều kiện thiên nhiên nên rủi ro lớn hơn. Trong dự án điện năng lượng tái tạo, thường có vốn đầu tư lớn, và vốn đầu tư dao động tùy thuộc vào địa điểm, thị trường thiết bị… Và sản lượng điện phát lên phụ thuộc vào thời gian gió, tốc độ gió, số giờ nắng trong năm… hoặc có những thời điểm nhu cầu phụ tải phía mua thấp gây ra những nguy cơ giảm về doanh thu.
Về điện mặt trời gặp một số thách thức về cơ chế chính sách như quy định về cấp phép hoạt động cho bên thứ ba, chưa có quy định về giấy phép xây dựng, tải trọng, giá thành lắp đặt 1kWh còn cao (khoảng 1.000 USD/kWhp), chưa có chính sách hỗ trợ chi phí lắp đặt cho khách hành và chưa thống nhất quản lý về tiêu chuẩn kỹ thuật cho các thiết bị…
Tuy vậy, đầu tư về điện gió, điện mặt trời ở Việt Nam hiện nay có nhiều triển vọng. Các dự án đầu tư thành công sẽ cung cấp điện năng sạch vào lưới điện, góp phần đảm bảo an ninh năng lượng và bảo vệ môi trường.
Thu hút đầu tư
Hiện nay, cả nước có 332 dự án điện mặt trời đã đang ký vào quy hoạch động, trong đó có 121 dự án điện mặt trời được phê duyệt có tổng công suất sấp xỉ 6.000 MW bắt đầu vận hành thương mại trước 2020 và các dự án điện gió đã được duyệt với xấp xỉ 4.000MW.
Chiến lược phát triển năng lượng tái tạo cho giai đoạn 2015 – 2030, xét đến 2050 được Chính phủ Việt Nam phê duyệt vào tháng 9/2015 đã đưa ra các mục tiêu cụ thể, theo đó lượng điện năng sản xuất từ các nguồn năng lượng tái tạo sẽ tăng từ mức 58 tỷ kWh năm 2015 lên 101 tỷ kWh năm 2020, 186 tỷ kWh năm 2030 và 452 tỷ kWh năm 2050.
Để khuyến khích phát triển năng lượng tái tạo, phục vụ các mục tiêu phát triển này, Bộ Công Thương đã xây dựng và trình Chính phủ ban hành hàng loạt các cơ chế. Chính phủ ban hành các chính sách ưu đãi khác cho các nhà đầu tư như ưu tiên cung cấp tín dụng, miễn/giảm thuế thu nhập doanh nghiệp, tiền thuê đất, sử dụng Hợp đồng mua bán điện mẫu…
Ông Cao Quốc Hưng, Thứ trưởng Bộ Công thương cho biết.“Với các chính sách nhất quán và các cơ chế hỗ trợ cụ thể, chúng ta đang chứng kiến một “làn sóng” đầu tư của các nhà đầu tư trong nước và quốc tế vào lĩnh vực phát triển năng lượng tái tạo tại Việt Nam”.
Trong Hội thảo quốc tế phát triển năng lượng tái tạo hướng tới giảm thiểu cacbon tại Việt Nam, Đại sứ Vương quốc Anh mới đây tại Việt Nam Gareth Ward nhấn mạnh: Vương quốc Anh cam kết giải quyết vấn đề biến đổi khí hậu và hỗ trợ việc chuyển hướng sang nền kinh tế xanh hơn, giảm thiểu carbon ở cả Vương quốc Anh và trên toàn thế giới. Đại sứ cho biết Vương quốc Anh cũng là quốc gia dẫn đầu thế giới về gió ngoài khơi với công suất lắp đặt lớn nhất toàn cầu là 7,6GW.
Việt Nam đang hướng tới một nền công nghiệp năng lượng sạch, với những tiềm năng, cơ chế ưu đã, đã và đang kêu gọi các nhà đầu tư đến phát triển năng lượng tái tạo. Tuy vậy, các nhà hoạch định chính sách cũng cần nghiên cứu, chuẩn bị một cách chu đáo trước khi thông qua các dự án. Các dự án phải gắn phát triển kinh tế, bảo vệ môi trường và an ninh quốc phòng, đảm bảo Việt Nam phát triển nhanh, ổn định và bền vững.