LTS: Trước đó, Công ty Phương Hiền (Sầm Sơn, Thanh Hóa) đã có 3 đơn kiến nghị gửi Thủ tướng Chính phủ; 4 lần gửi kiến nghị tới Bí thư Tỉnh ủy Thanh Hóa Trịnh Văn Chiến và 4 lần gửi Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa đề nghị giải quyết dứt điểm việc đưa 2 tuyến xe buýt điện 4 bánh chạy bằng năng lượng điện vào hoạt động trên địa bàn thành phố Sầm Sơn phục vụ du lịch.
Thủ tướng Chính phủ đã nhiều lần có văn bản chỉ đạo các cơ quan có thẩm quyền (cấp dưới) khẩn trương giải quyết dứt điểm kiến nghị của Công ty Phương Hiền về việc thí điểm xe 4 bánh chạy bằng năng lượng điện trên địa bàn thành phố Sầm Sơn, đảm bảo công khai, minh bạch cũng như quyền đầu tư kinh doanh của doanh nghiệp theo quy định của pháp luật. Tuy nhiên, cái mà doanh nghiệp này nhận được chỉ là việc trả lời lòng vòng, đá đi, đá lại của cơ quan thẩm quyền tỉnh Thanh Hóa. Sự việc kéo dài nhiều năm khiến doanh nghiệp rơi vào cảnh “chết lâm sàng”, đối diện với nguy cơ phá sản.
Xung quanh sự việc trên, phóng viên đã có cuộc trao đổi với ông Lương Tất Thắng, Chủ tịch UBND thành phố Sầm Sơn.
PV: Mặc dù Bộ Giao thông vận tải đã chỉ đạo phê duyệt đề án đối với doanh nghiệp có nhu cầu thí điểm hoạt động đối với xe 4 bánh có gắn chạy động cơ bằng điện chở khách tại tuyến đường hạn chế đã được phê duyệt, đồng thời chỉ đạo các Sở, ban, ngành hướng dẫn doanh nghiệp thực hiện các quy định theo quy định của pháp luật, nhưng một số cơ quan có thẩm quyền tỉnh Thanh Hóa thực hiện không nghiêm túc chủ trương này?
Ông Lương Tất Thắng: Không phải là không thực hiện nghiêm túc mà việc làm thí điểm phải căn cứ vào điều kiện hạ tầng giao thông của thành phố. Việc này chúng tôi đã có báo cáo rà soát gửi cơ quan có thẩm quyền.
Thực tế, các xe điện hiện nay chủ yếu hoạt động tập trung vào mùa du lịch, trên tuyến đường từ khu nghỉ dưỡng FLC đến chân đền Độc Cước. Còn các tuyến đường ngang (Nguyễn Du, Thanh Niên) có chiều dài khoảng 300-500m, cũng có lượng khách đổ về đây rất nhiều khiến nhu cầu đi lại cực kỳ bức bách.
PV: Sau khi có chủ trương thí điểm của Chính phủ, Công ty Phương Hiền đã hoàn thiện các thủ tục, xin cấp phép chạy thí điểm. Như vậy không thể nói rằng trước năm 2018 hạ tầng không đảm bảo?
Ông Lương Tất Thắng: Tôi nói thật, năm 2017 tôi có biết Sầm Sơn có xe điện đâu? Đến năm 2018 khi tôi về nhận nhiệm vụ thì tôi mới thấy một thực tế, phương tiện xe điện hết sức đông đúc. Ngày 20/3/2016, Công ty Phương Hiền xin mở dịch vụ xe buýt điện, nhưng tỉnh Thanh Hóa sau đó đã có công văn trả lời, xe điện hiện nay đã đáp ứng nhu cầu và phù hợp với hạ tầng giao thông.
PV: Một mặt lấy lý do hạ tầng không đảm bảo để không cho xe của Công ty Phương Hiền được chạy thí điểm, mặt khác, cơ quan có thẩm quyền lại tiếp tục cho phép 43 xe của doanh nghiệp khác hoạt động. Tại sao vậy?
Ông Lương Tất Thắng: Năm 2016, chúng tôi xác định là số lượng xe điện đã phù hợp với hạ tầng. Nếu tăng 43 xe thì hạ tầng sẽ quá tải. Câu chuyện nó khổ thế đấy! Năm đó, các hội thương binh, cựu chiến binh đề xuất cho doanh nghiệp thương binh ở Sầm Sơn được đưa xe vào hoạt động đúng thời điểm tròn 70 năm kỷ niệm ngày thương bình liệt sĩ, cho nên UBND tỉnh mới cho phép bổ sung cho hai doanh nghiệp Công ty Chiến Thắng và Công ty Thương binh đồng đội với số lượng hơn 40 xe điện.
Nói thật lúc đó tỉnh cũng mong muốn rằng, đây là món quà tri ân các thương binh nên cho phép bổ sung 43 xe. Vì thế nên hạ tầng bây giờ mới quá tải như vậy đấy! Mặt khác, việc tăng xe điện cũng một phần do tỉnh chịu sức ép...
PV: Nếu không nhầm, trong năm 2018, UBND tỉnh Thanh Hóa có một văn bản gửi Bộ Giao thông vận tải cho biết, việc thành phố Sầm Sơn mở rộng địa giới hành chính, giao thông và nhu cầu vận chuyển khách tăng cao, do đó việc mở rộng dịch vụ xe điện là rất cần thiết. Việc này liệu có mâu thuẫn gì với việc thành phố Sầm Sơn báo cáo rằng, hạ tầng không đảm bảo cho nên đề xuất không tăng số xe điện?
Ông Lương Tất Thắng: Câu chuyện này tôi không nắm rõ. Để tôi cho anh em kiểm tra lại.
PV: Có ý kiến cho rằng, cần thanh tra để làm rõ những dấu hiệu “lùm xùm” trong vụ việc này. Quan điểm của ông ra sao?
Ông Lương Tất Thắng: Tôi đồng ý, ủng hộ cao. Tôi nói thật, chúng tôi làm công chức Nhà nước rất cần thiết có các cơ quan kiểm tra giám sát trong và ngoài. Bên trong là hệ thống chính trị, bên ngoài là dư luận và các cơ quan báo chí. Việc này có thể thanh tra Bộ giao thông, thanh tra tỉnh Thanh Hóa sẽ làm. Nếu ai báo cáo không trung thực thì xử người báo cáo láo, chứ không có vấn đề gì cả.
PV: Có ý kiến đề nghị xem xét trách nhiệm kỷ luật Chủ tịch thành phố Sầm Sơn vì "chống lệnh" cấp trên, thậm chí đề nghị ông xem xét từ chức xung quanh vụ việc chưa có hồi kết này, ông nghĩ sao?
Ông Lương Tất Thắng: Tôi nghĩ đây là điều hết sức bình thường. Chắc không phải mình em (chỉ phóng viên), mà một số cá nhân không hài lòng với tôi vì không đạt được mục đích cá nhân nên mong tôi rời khỏi vị trí này.
Khi đang đương nhiệm, tôi sẽ làm việc hết sức có thể. Còn các đồng chí cấp trên của tôi thấy tôi làm tốt hoặc không tốt, thậm chí vi phạm thì kỷ luật, hoặc cách chức, nặng thì khởi tố cho vào nhà đá. Tôi sòng phẳng và không nặng nề chuyện đó (chuyện nếu có vi phạm).
Cảm ơn ông về cuộc trao đổi này!
Đại biểu vạch rõ 5 dấu hiệu vi phạm của tỉnh Thanh Hóa
Tiếp tục câu chuyện liên quan tới vụ xe điện tiền tỷ “đắp chiếu”, ngày 28/2, trao đổi với phóng viên, Đại biểu Quốc hội Lưu Bình Nhưỡng, Phó Ban dân nguyện thuộc Uỷ ban thường vụ Quốc hội thẳng thẳng thắn chỉ rõ 5 dấu hiệu vi phạm của cơ quan có thẩm quyền tỉnh Thanh Hóa, trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan hành chính nhà nước ở địa phương.
Vị Đại biểu nói rõ: “Thứ nhất: Cơ quan có thẩm quyền tỉnh Thanh Hóa thực hiện không nghiêm túc chủ trương của Chính phủ về thí điểm sử dụng xe điện tại một số địa phương, trong đó có Thanh Hoá: Quá trình thực hiện chủ trương này, địa phương đã đối xử không công bằng giữa các doanh nghiệp; cho phép xe của doanh nghiệp này hoạt động trong khi họ không đủ điều kiện và ngăn cản doanh nghiệp khác (Công ty Phương Hiền).
Điều này tạo ra sự bất bình đẳng theo kiểu lợi dụng chức vụ quyền hạn để tạo cơ chế “xin - cho”. Nếu là thí điểm thì ai đủ điều kiện thì cho họ làm, chứ không phải anh đánh giá người này người kia theo cảm tính mà không nhìn thực tế việc của họ sẽ làm và làm như thế nào?
Thứ 2: Cơ quan có thẩm quyền đã báo cáo thiếu trung thực về năng lực pháp lý, hồ sơ đề án, thủ tục tham gia thí điểm xe điện của Công ty Phương Hiền: Sau khi có chủ trương Công ty Phương Hiền đã làm đề án xin thí điểm sử dụng xe điện và đã được cấp phép nhập hàng loạt xe. Nhưng, cơ quan có thẩm quyền tỉnh Thanh Hoá và thành phố Sầm Sơn đã báo cáo sai sự thật rằng, doanh nghiệp này chỉ nhập có hai xe điện, thậm chí nói doanh nghiệp không kinh doanh mà chỉ xin cấp phép để bán “lốt” ăn tiền ?.
Tôi đã phải vào tận nơi xác minh, yêu cầu doanh nghiệp cung cấp giấy tờ có liên quan thì thấy rằng, doanh nghiệp này đã mua rất nhiều xe nhưng địa phương không cho họ nộp thuế để đưa vào sử dụng. Thanh Hóa đã báo cáo Thủ tướng thông tin sai sự thật.
Thứ 3: Có dấu hiệu gây cản trở doanh nghiệp Phương Hiền trong quá trình tiến hành thủ tục cho phép thí điểm kinh doanh xe điện: Theo đó, nhiều lần, UBND tỉnh Thanh Hóa không chấp nhận đề án của Công ty Phương Hiền trong việc đưa xe điện vào hoạt động thí điểm, nhưng chỉ đưa ra lý do chung chung là đề án còn sơ sài, không chỉ rõ điểm nào là không phù hợp; trong khi không thực hiện trách nhiệm hỗ trợ, hướng dẫn, giúp đỡ doanh nghiệp hoàn thiện hồ sơ theo quy định.
Nếu đưa lý do là vậy, thì tôi xin hỏi, có cái mẫu chung nào quy định đề án phải như thế này, thế nọ không? Có hướng dẫn họ làm đề án chưa? Trong khi đó, tại sao đơn vị không có đề án thì anh cho người ta kinh doanh, còn những người có đề án, tôi cứ cho là còn sơ sài theo cách nói của cơ quan có thẩm quyền Thanh Hóa, lại không được kinh doanh? Vậy đó là cái gì nếu không phải là cửa quyền?
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã nhiều lần nhấn mạnh thông điệp về "Chính phủ kiến tạo”, “phục vụ", điều này đồng nghĩa với việc cơ quan có thẩm quyền địa phương phải có trách nhiệm với nhân dân, doanh nghiệp trong việc tháo gỡ khó khăn, đồng hành cùng họ phát triển. Với cách làm của cơ quan thẩm quyền tỉnh Thanh Hóa trong vụ việc vừa qua, liệu họ đã xứng đáng với chính quyền “kiến tạo”, “phục vụ” hay chưa?
Thứ 4: Không thực hiện ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng, do Phó Thủ tướng trực tiếp ký văn bản: Khi sự việc của Công ty Phương Hiền được các Đại biểu Quốc hội quan tâm, trong đó tôi gửi chất vấn và người đứng đầu chính phủ đã giao cho Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng trực tiếp ban hành văn bản chỉ đạo xử lý vụ việc. Nhưng nhiều lần, UBND tỉnh Thanh Hoá vẫn quanh co, tìm mọi lý do trì hoãn việc thực hiện chỉ đạo có tính mệnh lệnh này.
Trung ương đã chỉ đạo rồi, bây giờ tỉnh lại xin ý kiến Trung ương thì vụ việc cứ lòng vòng qua lại, chưa được giải quyết triệt để, nhằm “hoãn binh”. Như vậy có nghĩa rằng, công tác quản lý nhà nước của chúng ta trong vụ việc này đang tạo ra thế “mê hồn trận”.
Thứ 5: Tỉnh Thanh Hóa không những không quyết liệt, thanh tra, kiểm tra, chỉ đạo UBND TP. Sầm Sơn thực hiện chủ trương, chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, mà còn ban hành các văn bản áp dụng sai chủ trương, chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ để cấp uỷ, chính quyền TP. Sầm Sơn ban hành văn bản hợp thức hoá việc ngăn cấm, cản trở hoạt động thí điểm kinh doanh xe điện của Công ty Phương Hiền, đẩy doanh nghiệp này lâm vào tình trạng phá sản, thiệt hại nặng nề về tài chính, hàng trăm người lao động (trong đó hầu hết là thương binh, con em gia đình chính sách) mất việc làm.
Rõ ràng ở đây có dấu hiệu lợi ích nhóm, sự đối xử bất công bằng giữa các doanh nghiệp. Tỉnh nói với tôi rằng, vì một số doanh nghiệp gây sức ép bằng cách này cách nọ nên họ phải chấp nhận cho xe hoạt động, vậy thì tại sao doanh nghiệp Phương Hiền với nhiều lao động là thương binh... lại bị đối xử như vậy?. Tôi cho rằng đó chẳng qua chỉ là lý do không thuyết phục, bao biện", Đại biểu Lưu Bình Nhưỡng nói.
Vị Phó Ban Dân nguyện thuộc Uỷ ban thường vụ Quốc hội cho biết thêm, với trách nhiệm là Đại biểu Quốc hội, ông sẽ theo đuổi đến cùng vụ việc Công ty Phương Hiền cho đến khi trách nhiệm kỷ luật của lãnh đạo các cơ quan có liên quan thuộc tỉnh Thanh Hóa được đưa ra phán xét theo quy định của pháp luật.
“Tôi cho rằng, trong vụ việc này, cần xem xét trách nhiệm của cấp ủy, chính quyền, cá nhân người đứng đầu tỉnh Thanh Hóa và TP. Sầm Sơn. Ngoài trách nhiệm này, còn phải xem xét trách nhiệm của cơ quan giám sát, trách nhiệm của Bộ Giao thông vận tải trong quản lý nhà nước, giúp Thủ tướng quản lý ngành và triển khai thực hiện thí điểm xe điện. Liệu trước sự việc này, họ đã có ý kiến gì hay chưa, đã làm đúng và hết trách nhiệm hay chưa? Hay họ cứ để sự việc trôi đi, để doanh nghiệp rơi vào tình trạng phá sản?
Chúng ta hết sức lưu ý, Đảng có Nghị quyết TW 5 coi doanh nghiệp tư nhân là động lực của nền kinh tế, Quốc hội có Luật tổ chức chính quyền địa phương, Luật tổ chức Chính phủ, Luật doanh nghiệp, Luật hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa, Luật du lịch… Vậy địa phương, Bộ, ngành phải làm hết trách nhiệm trước Đảng, trước Nhân dân.
Với tư cách là Đại biểu Quốc hội, tôi sẽ theo đuổi vụ việc này đến cùng, bởi nếu tôi chỉ giám sát nửa vời thì cử tri và Nhân dân sẽ không đồng tình. Mình phải làm theo đúng lương tâm và trách nhiệm", Đại biểu Lưu Bình Nhưỡng quả quyết.
(Còn nữa)