Trang trại điện gió Bouwdokken (Hà Lan) cung cấp nguồn năng lượng sạch cho liên doanh 4 Cty AkzoNobel, DSM, Google và Philips từ cuối năm 2016

Yếu tố quan trọng để giảm phát thải CO2

“Hiệu ứng nhà kính” làm gia tăng nhiệt độ toàn cầu là cụm từ được nhắc đến từ rất nhiều năm qua. Nguyên nhân chính của hiện tượng này chính là sự phát thải khí CO2 lớn. Năm 2013, Cơ quan Hàng không Vũ trụ Mỹ (NASA) báo cáo rằng mức CO2 trong bầu khí quyển đạt tới mức 400 ppm. Đến năm 2015, Cơ quan Khí tượng học của Anh đã tuyên bố rằng nhiệt độ trung bình toàn cầu đã cao hơn 1 độ C so với con số ở thời kỳ tiền công nghiệp.

Một số báo cáo cho biết sự gia tăng nhiệt độ trung bình toàn cầu không nên vượt quá 20 độ C vì “vượt ngưỡng an toàn” sẽ gây ra sự nguy hiểm đối với trái đất. Do đó, mức CO2 gia tăng trong khí quyển sẽ gây thảm họa đối với cuộc sống của toàn thể nhân loại.

Sử dụng năng lượng tái tạo từ những nguồn vô tận như gió, năng lượng mặt trời, sóng biển, địa nhiệt… trở thành “chìa khóa” để giảm phát thải CO2 trên toàn thế giới.

Báo cáo của Ủy ban liên Chính phủ về Biến đổi khí hậu (IPCC) cho thấy, khi nhiệt độ tăng ở mức 1,5 độ C, lượng khí thải CO2 do con người gây ra trên toàn cầu phải giảm khoảng 45% vào năm 2030 và đạt mức “0” vào giữa thế kỷ này. Trong khi đó, năng lượng tái tạo cần chiếm ít nhất 70% sản lượng điện vào năm 2050 so với mức 25% như hiện nay.

Mới đây nhất, tại Hội nghị thường niên của Liên hiệp quốc về Biến đổi khí hậu (COP 24) vừa diễn ra trong 2 tuần đầu của tháng 12/2018, vấn đề giảm thiểu phát thải khí CO2 bằng việc sử dụng các nguồn năng lượng tái tạo đã được đề cập kỹ lưỡng. Cùng với các chính phủ, các doanh nghiệp hàng đầu cũng cũng đang theo đuổi các dự án quy mô lớn nhằm giảm lượng khí thải CO2.

Doanh nghiệp đồng hành cùng phát triển bền vững

Theo bà Pamela Phua – Tổng Giám đốc AkzoNobel Việt Nam – doanh nghiệp hàng đầu thế giới về sơn và chất phủ, sử dụng năng lượng tái tạo để phát triển bền vững là ưu tiên của Tập đoàn này trong những năm tới. “Danh mục năng lượng của chúng tôi hiện bao gồm 40% năng lượng tái tạo, nhiều hơn so với hầu hết các Cty sử dụng nhiều năng lượng tương tự. Nhưng tham vọng của chúng tôi không dừng lại ở đó - đến năm 2050, chúng tôi đặt mục tiêu trung hòa khí carbon và sử dụng 100% năng lượng tái tạo vào hoạt động kinh doanh sản xuất”.

Để hiện thực hóa điều này, doanh nghiệp này tiến hành làm việc với các đối tác để tạo ra năng lượng tái tạo và giảm lượng khí thải, thực hiện chiến lược năng lượng rõ ràng để giảm lượng khí thải, quản lý chi phí, hạn chế rủi ro của Cty và phát triển kinh doanh. Từ cuối năm 2016, AkzoNobel, DSM, Google và Philips đã bắt đầu nhận được điện từ trang trại gió Bouwdokken ở Hà Lan – một mốc son đánh dấu thành công của mô hình liên doanh thu mua năng lượng xanh mà các Cty này cùng nhau thành lập. Tất cả 4 Cty tiêu thụ một lượng điện năng đáng kể ở Hà Lan và bằng cách hợp tác với nhau, họ đang đóng góp đáng kể vào hiện thực hóa mục tiêu năng lượng tái tạo của Hà Lan là 14% vào năm 2020.

Tại Hội nghị COP24, bà Pamela Phua – Tổng Giám đốc AkzoNobel Việt Nam đã chia sẻ về các giải pháp cải tiến về sơn và chất phủ có khả năng cải thiện vấn đề ô nhiễm môi trường ở Ấn Độ, nơi có 10 thành phố ô nhiễm nhất thế giới (theo công bố của Tổ chức Y tế Thế giới); hoặc đối với các tòa nhà lãng phí quá nhiều năng lượng ở Trung Quốc, AkzoNobel cung cấp hệ thống tấm trang trí cách nhiệt giúp ngăn chặn sự thoát nhiệt vào mùa đông và công nghệ KeepCool với khả năng phản xạ ánh nắng mặt trời giúp giảm nhiệt độ tối ưu cho các tòa nhà. Những giải pháp này giúp duy trì nhiệt độ thích hợp trong các tòa nhà và đóng góp rất lớn vào việc sử dụng hiệu quả năng lượng của quốc gia.

Không chỉ có thế, theo bà Pamela Phua, là doanh nghiệp sản xuất sơn và chất phủ, AkzoNobel luôn nỗ lực để tạo ra những sản phẩm thân thiện với môi trường, giảm thiểu tối đa các tác động tiêu cực.

Cụ thể, các sản phẩm nằm trong danh mục của những thương hiệu sơn nổi tiếng như Dulux và Maxilite đều là sơn gốc nước, có hàm lượng VOC (hỗn hợp các chất hữu cơ độc hại bay trong không khí) thấp hoặc bằng không. Dòng sơn Diamond Refresh - sản phẩm mang tính đột phá trong loạt sản phẩm mới của Dulux Professional với khả năng thanh lọc không khí nhờ tính năng trung hòa khí Formaldehyde và giảm lượng khí hữu cơ độc hại (VOCs) trong không khí nhờ đó đem lại không gian sống trong lành hơn và an toàn hơn cho khách hàng.

Đặc biệt, doanh nghiệp này đưa ra thị trường những loại sơn tích hợp công nghệ Intersleek với khả năng giảm đáng kể phát thải CO2 ra môi trường. Công nghệ sơn giúp tăng cường độ bền của các tòa nhà hiện đại và hạn chế lượng chất thải trong quá trình sử dụng ít hơn 1% cũng được áp dụng và gây tiếng vang trên toàn thế giới.

Theo các chuyên gia năng lượng, các nguồn năng lượng tái tạo sẽ trở thành xu hướng tất yếu trong tương lai. Việc các doanh nghiệp sản xuất đã bắt đầu chú trọng đến lĩnh vực này sẽ trở thành một yếu tố quan trọng cho quá trình kìm hãm sự phát thải khí CO2, tạo tiền đề cho phát triển bền vững.

Chí Thành

Theo baoxaydung.com.vn