Theo dự báo của Bộ Công Thương, nhu cầu điện cho phát triển kinh tế từ năm 2021 trở đi vẫn tăng trưởng ở mức cao từ 8-10%/năm. Trong khi đó, nguồn năng lượng sơ cấp trong nước đã tới hạn, dẫn đến phụ thuộc vào nhiên liệu nhập khẩu than và khí, sắp tới là khí hóa lỏng.
Thủy điện nhỏ vốn được đánh giá là dạng năng lượng tái tạo khả thi về mặt kinh tế - tài chính, ít tác động tiêu cực đến môi trường, góp phần quan trọng vào giải quyết vấn đề điện khí hóa nông thôn, qua đó thúc đẩy phát triển kinh tế nông thôn tại các quốc gia đang phát triển.
Việt Nam hiện có trên 1.000 địa điểm được xác định có tiềm năng phát triển thủy điện nhỏ, quy mô từ 100 kW tới 30 MW, với tổng công suất đạt trên 7.000 MW (đứng đầu các nước ASEAN), tập trung chủ yếu ở vùng núi phía Bắc, Nam Trung bộ và Tây Nguyên.
Tuy nhiên, trong những năm gần đây, tác động của biến đổi khí hậu dẫn đến khô hạn, hồ thuỷ điện thiếu nước để sản xuất hay một số dự án điện theo Quy hoạch điện VII điều chỉnh bị chậm tiến độ so với yêu cầu đặt ra…
Bên cạnh đó, Bộ Công Thương cũng cho biết, sẽ hạn chế các dự án thủy điện nhỏ và kiên quyết loại khỏi quy hoạch những dự án thủy điện siêu nhỏ dưới 30MW, cho thấy, thủy điện cũng không phải là loại hình có thể là lời giải cho bài toán an ninh năng lượng quốc gia.
Nhiệt điện đã từng là một trong những giải pháp cho bài toán này. Với lợi thế giá rẻ hơn so với các loại hình năng lượng tái tạo khác, nhiệt điện đã được nhà quản lý đưa vào Quy hoạch điện VII với tỉ lệ khá lớn.
Tuy nhiên, thực tế cho thấy, các quốc gia đã không còn ưu tiên phát triển nhiệt điện bởi những nguy cơ mà loại hình năng lượng này có thể gây ra cho môi trường. Thời gian qua, xác định được những bất cập mà các nhà máy nhiệt điện than có thể gây ra đối với môi trường, những điều chỉnh đã được đưa ra trong Quy hoạch điện VII.
Trong bối cảnh nguồn điện than không còn là ưu tiên hàng đầu trong chiến lược phát triển do tác động nguy hại đến môi trường, điện hạt nhân đã dừng, thủy điện không còn nhiều dư địa, các nguồn điện khí hóa lỏng cần thời gian dài để phát triển, sự phát triển của nguồn năng lượng tái tạo như điện gió và điện mặt trời đang là một chiến lược tốt để tăng nhanh nguồn cung và giảm sự thiếu hụt về điện năng.
Từ năm 2018 đến tháng 6/2019, đã có hơn 330 dự án điện mặt trời trình Chính phủ phê duyệt, bổ sung vào quy hoạch điện, trong đó có 121 dự án đã được phê duyệt bổ sung vào Quy hoạch điện quốc gia và cấp tỉnh với tổng công suất phát điện đến năm 2020 là 6.100 MW và năm 2030 là 7.200 MW. Ngoài ra, còn 221 dự án đang chờ phê duyệt, công suất đăng ký hơn 14.330 MW.
Tính đến hết tháng 9/2020, tổng công suất lắp đặt điện năng lượng tái tạo đạt 5,5 GW, gồm: điện Mặt Trời, điện gió, điện sinh khối... chiếm khoảng 11,2% tổng công suất lắp đặt toàn quốc.
Ông Phạm Ngọc Linh - Vụ trưởng Vụ Khoa học Công nghệ, Ban Tuyên giáo Trung ương cho rằng, nguồn năng lượng tái tạo là xu hướng tất yếu mà Việt Nam cần hướng đến trong bối cảnh các nguồn điện khác đang dần cạn kiệt. Theo ông Linh, khi hạn chế sử dụng nguồn nhiên liệu hóa thạch sẽ ảnh hưởng đến việc sản xuất của nhiệt điện than, là nguồn chiếm khoảng 48% sản lượng điện trên cả nước. Xu hướng nhiệt độ tăng, mưa giảm trong những năm qua khiến nhiều hồ thủy điện tại miền Trung – Tây Nguyên đang gần mực nước chết, gây áp lực lớn cho việc đảm bảo cung cấp đủ điện phục vụ sản xuất, sinh hoạt. Bởi vậy, việc tìm nguồn nguyên liệu mới thay thế là bắt buộc. Năng lượng tái tạo chính là nguồn năng lượng của tương lai gần để dần thay thế các nguồn điện truyền thống.
Đề cập đến việc phát triển hệ thống lưu trữ các nguồn năng lượng tái tạo như điện gió, điện mặt trời - đại diện Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo cho rằng, vẫn còn nhiều vấn đề cần giải quyết. Hiện nay, các nhà đầu tư, doanh nghiệp lớn trên thế giới cũng như ngân hàng lớn đang tập trung đầu tư, nghiên cứu sáng tạo ra hệ thống lưu trữ mới, đảm bảo môi trường. Hy vọng khi hệ thống lưu trữ điện phát triển, thương mại hoá, giá hành hợp lý… năng lượng tái tạo có tương lai tươi sáng hơn.
Dù vậy, theo các chuyên gia, mặc dù đã đạt những kết quả, song sự phát triển nhanh chóng, mạnh mẽ của năng lượng tái tạo thời gian qua cũng còn gặp một số hạn chế. Đơn cử như hạ tầng lưới điện truyền tải đã không theo kịp tiến độ của các dự án năng lượng tái tạo, dẫn đến các dự án điện gió, điện mặt trời quy mô nối lưới ở một số địa phương như Ninh Thuận, Bình Thuận đã không giải tỏa hết 100% công suất ở một số thời điểm nhất định.
Đối với điện mặt trời mái nhà, dù rất tiềm năng và dễ làm nhưng cũng chưa đạt như kỳ vọng vì chi phí đầu tư ban đầu còn khá cao, chưa có sự tham gia hỗ trợ mạnh mẽ từ các tổ chức tài chính.
Thị trường sản phẩm, dịch vụ điện mặt trời khá đa dạng nhưng chưa có tiêu chuẩn kỹ thuật cụ thể về chất lượng, an toàn. Gần đây phát sinh thêm thủ tục cấp phép của ngành xây dựng… đã gây khó khăn cho người dân, doanh nghiệp muốn đầu tư.
Tiềm năng và lợi thế của khu vực miền Trung và Nam bộ còn rất lớn, lên tới trên 30.000 MW. Dù không thể thay thế nguồn điện nền (thủy điện, nhiệt điện) nhưng nếu phát triển bài bản, có kế hoạch thì nguồn năng lượng tái tạo cũng sẽ giải quyết được một phần nhu cầu điện trong khu vực.